Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Chứng tích phục sinh

Mỗi năm, đến lễ Phục sinh, tôi lại rảo tìm những chứng tích của Chúa Phục sinh. Tôi muốn những chứng tích trong thời nay và tại nơi này. Bởi vì tôi tin Chúa Phục sinh đang hiện diện trong lịch sử. Người rất gần gũi. Người vẫn hoạt động. Âm thầm mà hữu hiệu.

Tôi tìm và tôi đã thấy. Những chứng tích này là những dấu chỉ sống động. Chúng kiểm chứng được. Chúng là những hiện tượng đạo đức hé mở ra một bầu trời mới của Chúa phục sinh.

 Hiện tượng sám hối và thái độ khó nghèo

Từ nhiều tháng nay, hiện tượng sám hối đã xuất hiện và lan rộng. Hiện tượng này mang nhiều hình thức: Tự kiểm điểm, tự chỉnh đốn, tự phê bình, tự nhận lỗi, tự xin lỗi.

Không thiếu những trường hợp, sám hối đang biến thành hình thức và phong trào. Nhưng không thiếu những trường hợp, sám hối đang đi vào nội tâm. Nó làm cho con người nhận biết sự thực về chính mình. Con người nên chân thành hơn, đơn sơ hơn mà cũng sâu sắc hơn. Nhất là khi họ nhận biết mình là người yếu đuối và nhận biết không ai yếu đuối bằng mình, thì thái độ như thế quả là một ơn Chúa Phục sinh.

Thái độ đó là tinh thần nghèo khó. Cái nghèo nhất mà người sám hối chân thành khám phá ra nơi mình đó là cái nghèo về khả năng yêu mến.

Tôi nghĩ về Chúa, nói về Chúa, nhưng những lúc đó, tôi không cảm thấy thực sự Thiên Chúa chính là tình yêu sống động gần gũi ngọt ngào. Tôi không cảm thấy gì và không đáp lại gì. Chứng tỏ khả năng yêu mến của tôi quá yếu, quá nghèo.

Tôi nghe nói về những khổ đau, mất mát của bao người, của Hội Thánh, của Ðất nước, và tôi cũng đã thấy tận mắt những thảm cảnh đó, nhưng tôi dửng dưng, lạnh lùng, thậm chí còn vui cười. Bởi vì tôi không cảm thấy gì và cũng cho rằng mình không cần phải cảm thương gì. Chứng tỏ khả năng yêu mến của tôi đã tê liệt, bệnh hoạn.

Tôi rất biết, yêu mến là giá trị cao nhất trong bậc thang giá trị, yêu mến là nét làm cho con người nên giống Chúa, yêu mến là cốt lõi của đạo, yêu mến là đặc điểm chính xác của người môn đệ Chúa. Lãnh vực yêu mến là bao la. Thế nhưng, trên thực tế, tôi vẫn thu hẹp yêu mến vào những giới hạn nhỏ bé riêng tư, mặc dù đôi khi giới hạn đó vẫn mang nhãn hiệu đạo, như luật đạo, lễ đạo, xứ đạo, lẽ đạo, người có đạo. Chứng tỏ khả năng yêu mến của tôi là quá giới hạn.

Nhận thức những sự thực như trên là một thái độ nghèo lành mạnh. Nó rất cần trong sám hối. Từ đó chúng ta mới thực sự khiêm nhường chạy đến cầu nguyện với Chúa Giêsu, khiêm nhường đặt mình vào lòng thương xót cứu độ của Người, khiêm nhường chấp nhận thay đổi nếp sống, khiêm nhường cộng tác với Chúa trong việc đào tạo mình nên tạo vật mới, khiêm nhường phó thác mình nơi Chúa, Ðấng đã phán: “Không có Thầy, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5).

 Hiện tượng hành hương với thái độ âm thầm

Cũng từ ít tháng nay, hành hương được nói đến như một hiện tượng biểu lộ ý nghĩa đạo đức.

Ðã có những hành hương trọng thể thuần tuý đạo đức. Ðã có những hành hương phối hợp với mục đích đi du lịch, đi đổi khí, đi giao lưu. Và cũng có những hành hương âm thầm, bé nhỏ đang từng bước đi về với Cha trên trời. Ðó là những hành hương thường ngày với cuộc sống thường ngày, những hành hương ấy là của người nghèo, người bệnh, người tội lỗi, trong tay chỉ có những phương tiện nghèo, thậm chí chỉ có tội lỗi.

Họ thao thức tìm Chúa, như bà Mađalena xưa đến khóc bên mồ Chúa. Lời cầu nguyện của họ cũng giống như của Mađalena. Ðó là tiếng khóc mến thương, là niềm khát khao gặp Chúa, là nhận thức mình tội lỗi đã được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ (x. Mc 16,9).

Họ nóng lòng tìm Chúa, như thánh Phêrô xưa vội vã chạy đến vườn chôn xác Chúa, rồi lại vội vã chạy về với anh em, rồi lại vội vã đi Galilêa, để chờ đón Chúa. Lời cầu của họ cũng giống như của thánh Phêrô xưa. Ðó là tấm lòng thống hối ăn năn, là yêu mến Chúa thiết tha, là nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm đối với anh em trong cộng đoàn.

Xem ra hành hương của họ chủ yếu là chuyến đi của trái tim, với những chuyển biến của tấm lòng, trong dòng thác yêu mến của nội tâm. Tất cả đều âm thầm. Cầu nguyện trong âm thầm như Chúa dạy (x. Mt 6,5-6). Chay tịnh trong âm thầm như Chúa dạy (x. Mt 6,16-18). Bố thí trong âm thầm như Chúa dạy (x. Mt 6,1-4). Phấn đấu trong âm thầm để thực thi ý Chúa hơn là kêu to lạy Chúa, như Chúa đã cảnh cáo (x. Mt 7,21-23).

Xem ra hành hương của họ là đi vào con đường hẹp, chứ không chọn con đường thênh thang, như Chúa đã dạy: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường nhỏ thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm lối ấy” (Mt 7,13-14).

Xem ra hành hương của họ là tìm gặp gỡ chính Chúa Giêsu. Họ tuyên xưng niềm tin. Niềm tin của họ là chấp nhận một hệ thống giáo lý buộc phải tin, nhưng đặc biệt là tin Ðức Kitô là Ðấng cứu độ đang yêu thương họ. Người đã chịu nạn chịu chết và đã phục sinh. Người đang sống gần gũi bên họ. Người không là thầy dạy đạo lý, mà là Ðấng dạy yêu thương. Người không phải là Ðấng theo dõi họ, mà là tình yêu đồng hành với họ, cảm thương họ. Họ thế nào, thì Người yêu họ như thế. Họ tuy yếu đuối và tội lỗi, nhưng đã được nhận làm con cái Cha trên trời trong Chúa Kitô, nên họ sẽ trở thành vinh quang của Cha, khi họ nhờ Chúa Thánh Thần xây dựng bản thân mình để nên tạo vật mới, theo mô hình Chúa Giêsu.

 Xây dựng bản thân bằng tình yêu.

Xây dựng người khác cũng bằng tình yêu.

Xây dựng Hội Thánh và Ðất Nước cũng bằng tình yêu.

Với tình yêu, họ đi gieo rắc hoà bình, chuẩn bị cho Nước Trời.

Với tình yêu, họ lắng nghe tiếng Chúa: “Mỗi sáng, Người đánh thức tai tôi, để tôi nghe Người, như những môn đệ” (Is 50,4). Tiếng Chúa là tiếng yêu thương. Ðược nghe tiếng yêu thương rồi, họ biết trả lời yêu thương cho những ai không còn nói được yêu thương “Chúa đã cho tôi lưỡi người môn đệ, để tôi biết trả lời cho ai không còn nói được” (Is 50,4).

Khi nhìn sâu vào những hành hương và những sám hối trên đây, tôi đã tìm thấy nhiều phép lạ của Chúa Phục sinh.

Lạy Chúa, cho đến muôn đời con sẽ ca tụng và cảm tạ Chúa. Chúa là Ðấng cứu độ con, là Ðấng đang phục sinh con.

Long Xuyên, tháng 4-2000