Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Những người cộng tác với Chúa
tại hang đá Bêlem

Cứu độ nhân loại là việc của Chúa. Nhưng Chúa không thực hiện công việc đó một mình. Người dùng những cộng tác viên. Cộng tác vào kế hoạch cứu độ là đòi hỏi cần thiết. Mỗi người đều được mời gọi tham gia. Ðó là một ơn gọi cao quý.

Lãnh vực tham gia là rất bao la. Tôi thoáng nhận ra điều đó, khi suy nghĩ của tôi dừng lại trước những người cộng tác với Chúa tại hang đá Bêlem.

 Những người được gọi cộng tác

Số người cộng tác với Chúa tại hang đá Bêlem không đông lắm. Tuy nhiên, chúng ta có thể tạm chia họ thành ba nhóm.

Nhóm gia đình thánh gồm Ðức Mẹ và thánh Giuse.

Nhóm dân nghèo gồm các mục đồng.

Nhóm dân ngoại gồm ba vua.

Ba nhóm này được Chúa gọi từ nhiều nơi khác nhau, với những cách khác nhau. Họ có mặt ở hang đá, như những chứng nhân về Chúa, như những cộng tác viên của Chúa, như những người nhận sứ điệp từ Chúa. Giã từ hang đá Bêlem, họ không về theo con đường cũ, mà họ đã đi qua để đến đó, nhưng họ đã theo những con đường mới. Ðức Mẹ và thánh Giuse đi vòng qua ngả Ai Cập. Nhóm mục đồng trẽ vào các làng mạc xung quanh. Ba vua không theo con đường lớn dẫn qua thủ đô Giêrusalem, nhưng chọn những con đường nhỏ để trở về quê cũ.

Sự hiện diện của nhóm gia đình thánh tại hang đá Bêlem là điều tất nhiên. Nhưng điều gây ngạc nhiên là sự có mặt của nhóm dân nghèo và nhóm dân ngoại. Sự hiện diện của họ trong biến cố trọng đại Chúa Giáng sinh làm cho cơ chế và nghi thức trở thành mỏng manh và mở rộng chân trời cho Nước Thiên Chúa.

Ba nhóm cộng tác viên tại hang đá Bêlem là những luồng gió mới Chúa thổi vào lịch sử cứu độ. Thử đi sâu một chút vào hành trình cộng tác của họ, chúng ta nhận thấy nhóm gia đình thánh là hạt nhân đặc sắc, kiên định, còn hai nhóm kia coi như trôi nổi, nhưng vẫn là những nhóm khai phá nhiều hướng mở ra: Mở ra về phía Chúa, một Thiên Chúa từ nay không còn bị giam cầm trong những cái nhìn hẹp hòi của những người ấu trĩ. Mở ra về phía nhân loại, một nhân loại từ nay không còn bị phân hoá giữa sang nghèo, lương giáo. Mở ra về phía lịch sử, một lịch sử từ nay tuy vốn còn cơ chế, nhưng biết quan tâm tới ý nghĩa của các biến cố bất ngờ.

Một nét đẹp chung của các nhóm cộng tác này là gắn bó với Lời Chúa. Tất nhiên mỗi nhóm mỗi người có những mức độ khác nhau riêng tư của mình.

 Những người gắn bó với Lời Chúa

Họ tỉnh thức lắng nghe Lời Chúa. Họ tỉnh thức đón nhận ý Chúa. Ý Chúa được gởi đến họ qua Kinh Thánh, lời các thiên thần nói trực tiếp, các dấu chỉ xung quanh và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần bên trong nội tâm.

Họ thực thi ý Chúa một cách thông minh. Thông minh ở chỗ biết tiên liệu với những dự báo dự kiến và dự án. Thông minh ở chỗ biết ứng phó với các tình huống khác nhau một cách linh động và sáng tạo. Thông minh là biết tra cứu, tìm tòi, tận dụng mọi tiềm năng của hiện tại, chọn lựa cách tốt hơn để phục vụ Tin Mừng.

Họ sống Lời Chúa một cách vị tha. Có nghĩa là, khi Lời Chúa được hiểu là chính Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa nhập thể, thì sống Lời Chúa đối với họ là sống chính sự sống của Chúa Giêsu. Họ gắn bó với Chúa Giêsu, không phải vì những ân huệ Chúa ban cho họ, nhưng chỉ vì Người là Chúa của họ, Ðấng họ yêu mến tôn thờ. Nếu tách biệt các ân huệ được trao ban với chính Ðấng trao ban, thì phải nói: Họ gắn bó với chính Ðấng trao ban, cho dù có lúc Người chậm trao ban, hay không trao ban những gì họ muốn.

Vì thế, họ sống Lời Chúa với tâm tình tạ ơn, ngợi khen, ca tụng hơn là với những lời xin ơn này ơn nọ, mặc dù những lời xin như thế là chính đáng.

Hơn nữa, họ sống Lời Chúa, với sự nhận lấy trách nhiệm. Trách nhiệm về một sự tín trung và một sự hiến dâng chính mình. Bởi vì họ biết: Chúa là Ðấng đã ban tặng chính mình cho họ, thì tín trung với Người là một trách nhiệm lớn lao và hiến dâng mình để minh chứng tình yêu là một danh dự cao cả.

Từ những kinh nghiệm gắn bó với Lời Chúa, họ trở thành những người biết đối thoại về một số vấn đề quan trọng.

 Những người biết đối thoại với đồng bào nhân loại

Mỗi nhóm, mỗi người sẽ có những đối thoại khác nhau, với trình độ hiểu biết khác nhau. Nhưng nói chung, đối thoại của họ có những nét giống nhau.

Sẽ có nhiều vấn đề được đặt ra để đối thoại. Như vấn đề Thiên Chúa, vấn đề ý nghĩa cuộc đời, vấn đề cứu độ. Ðối với những nhóm cộng tác của Chúa tại hang đá Bêlem, đối thoại về các vấn đề như thế sẽ là kể lại. Kể lại những gì mắt mình đã thấy, tai mình đã nghe, bản thân mình đã gặp, lòng mình đã cảm nghiệm. Kể ra những kinh nghiệm ấy sẽ không đơn thuần chỉ là thuật lại những diễn biến tự nhiên, nhưng là những kinh nghiệm có một bề dày của Kinh Thánh, và có sự can thiệp của Thiên Chúa.

Thí dụ khi đối thoại về Thiên Chúa, thì họ sẽ kể lại về một Thiên Chúa gần gũi, nhân lành, khiêm tốn, yêu thương, mà họ đã gặp.

Khi đối thoại về ý nghĩa cuộc đời, thì họ sẽ kể lại về một ý nghĩa đẹp nhất của đời họ, đó là đón nhận được Thiên Chúa vào đời họ, để họ sống làm người phục vụ theo mẫu gương Ðức Kitô làm người, mà họ đã gặp.

Khi đối thoại về sự cứu độ, thì họ sẽ kể lại sự cứu độ như một sự đổi mới chính mình, để trở nên người con ngoan của Thiên Chúa, nhờ một Ðấng cứu thế, mà họ đã gặp.

Như vậy, đối thoại nào của họ cũng qui chiếu vào Tin Mừng là chính Ðức Kitô, mà họ đã nhận ra và đã đón nhận.

Những đối thoại như thế chính là những trao đổi mang tính cách thanh luyện lòng đạo, để lòng người trở về với chính Ðức Kitô là nền tảng.

Ðó cũng là những chia sẻ mang tính cách truyền giáo đích thực, để truyền giáo trở về với Ðức Kitô là chính Tin Mừng.

Ðôi khi đối thoại của họ chỉ là một sự hiện diện có trách nhiệm, vì sự hiện diện của họ toả sáng ra sự sống của Ðức Kitô.

ù

Hôm nay nhìn vào các người cộng tác với Chúa tại hang đá Bêlem, tôi tự hỏi mình. Tôi đã cộng tác thế nào trong chương trình cứu độ của Ðấng cứu thế. Mong rằng câu hỏi của tôi cũng là câu hỏi của mỗi người. Mình tự hỏi mình. Chính Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta. Nên coi đó như là một lá thư nhỏ Chúa gởi tới chúng ta, dịp Noel này.

Tại đây, một địa điểm nghèo như Bêlem giữa vùng lũ lụt, tôi đang nhận được nhiều trả lời của các nhóm cộng tác viên. Nhiều nhóm gia đình thánh. Nhiều nhóm dân nghèo. Nhiều nhóm người lương. Tất cả đều khát khao một Ðấng cứu độ. Tất cả đều luôn sẵn sàng đón nhận một Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót.

Nhưng thái độ khát khao và sẵn sàng đón nhận như thế của nhiều nhóm khác nhau đang làm nên một bài hoà âm dạt dào và tha thiết. Phải chăng đó là một dấu chỉ tốt mang hy vọng Noel của Năm Thánh này.

Long Xuyên, ngày 6-12-2000