Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐƯỢC CHỌN VÀ SAI ÐI -2001-
 RA KHƠI THẢ LƯỚI TÌNH THƯƠNG -2002-

Cuối Năm Tính Sổ Lời Nói

Kinh “Sám hối” có câu: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót”.

Câu vắn tắt trên đây là một sơ đồ giúp chúng ta nhìn vào để tự kiểm tra chính mình. Sơ đồ gồm bốn lãnh vực: Tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lãnh vực nào cũng kêu gọi chúng ta dừng lại để xét mình.

Nhưng thời nay, lời nói là một lãnh vực có nhiều bùng nổ nhất, nên lãnh vực này cần phải xem xét ưu tiên.

 Lời nói ra

Lời nói ra cũng được hiểu là lời viết ra. Nó diễn tả con người. Nên ít nhất nó phải mang tính người. Tính người có nhiều yếu tố: Như tự thức, tự chọn, tự lập, tự tin, tự giác, tự do. Mỗi yếu tố đều mang nhiều trình độ. Từ thấp tới cao. Từ ấu trĩ tới trưởng thành. Từ yếu kém đến mạnh mẽ, kiên định. Trong yếu tố nào và với trình độ nào, lời nói ra cũng phải được kiểm nhận bởi tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng.

Vì tự trọng và có trách nhiệm, người nói sẽ cố gắng nói những lời có nội dung tốt, với hình thức tốt và do động lực tốt.

Nội dung tốt là chân thiện mỹ. Ba thứ này là biển cả mênh mông. Phải nói sao cho đúng. Ít ra cũng phải có những dự phóng dè dặt và những đợi chờ. Cho dù thực sự nói đúng, thì cũng vẫn phải khiêm tốn nhận rằng: Phần đúng đó vẫn chỉ là phần cực kỳ nhỏ bé đối với toàn bộ chân thiện mỹ. Phương chi lại nói sai. Khi chân thiện mỹ ở trong một con người cụ thể, dù họ là ai, họ cũng vẫn là một bí nhiệm có quyền được kính trọng. Không ai khám phá hết được bí nhiệm đó. Chỉ Thiên Chúa rõ. Chớ nói sai, hại người. Kẻo người chưa bị hại, thì mình đã bị hại, vì mắc tội với Chúa và với người.

Hình thức tốt là hợp với hoàn cảnh: Hợp với người, hợp với thời, hợp với việc, hợp với nơi. Diễn tả được nội dung tốt qua những hình thức tốt là kết quả của nghệ thuật, kinh nghiệm, trí thức, trực giác, nhất là nội tâm giàu tinh thần trung chính, khiêm từ.

Ðộng lực tốt là ý hướng ngay lành, hồn nhiên. Nói không do sức đẩy của những áp lực mờ ám. Dư luận, đồng tiền, danh vọng, thiên kiến là những dụng cụ mà Satan quen dùng để sai khiến lời nói. Thậm chí Satan còn xúi người ta nhân danh lề luật và nhân danh Thiên Chúa, để lạm dụng lời nói, gây nên tội ác.

Tại Việt Nam, thời gian này đang sôi nổi các lời nói. Xem kỹ, thì thấy làn sóng sôi nổi này có những nội dung mới, những hình thức mới, những động lực mới. Tôi có cảm tưởng là không phải tất cả các thứ mới đó đều tốt. Nhưng sẽ rất công bằng nếu nhìn nhận rằng: Trong những thứ mới đó, nhiều thứ phải được kể là rất tốt. Và như vậy, tôi cũng như mọi người nên xét mình: Thời gian một năm qua, trong lãnh vực lời nói, chúng ta thực sự có đóng góp được cái gì mới thực sự tốt đẹp cho cộng đoàn, cho Hội Thánh và Tổ Quốc Việt Nam không?

 Lời không nói ra

Bên cạnh những lời nói ra còn có những lời không nói ra. Loại lời này giữ một vai trò không nhỏ trong lãnh vực lời nói. Trong nhiều trường hợp, những lời không nói ra lại đi sâu vào lòng người hơn là những lời nói ra.

Thí dụ bầu khí văn hoá, tôn giáo. Bước vào một tịnh thất, tịnh xá, tôi cảm được một bầu khí tịnh tu. Bầu khí tịnh tu là một lời không nói ra. Nhưng nó lại nói rất sâu về đời sống nội tâm.

Thí dụ một phụng vụ của những người giàu chiêm niệm. Phụng vụ rất đơn sơ, nhiều thinh lặng. Nhưng những bóng người chiêm niệm trong không gian phụng vụ sốt sắng làm nên những làn gió nhẹ, đưa người ta vào cõi thiêng liêng để lắng nghe và cầu nguyện. Những bóng người ấy là những lời không nói ra, nhưng đã gợi ý rất nhiều về các giá trị căn bản.

Thí dụ những ánh mắt, những nụ cười, những duyên dáng đâu phải là lời nói ra. Tuy không nói ra lời, nhưng nhiều khi chúng lại gởi gắm nhiều ý nghĩa. Không bao giờ quên được.

Thí dụ sự âm thầm chịu đựng, sự lặng lẽ hy sinh, sự cần cù và chu đáo trong phục vụ cũng là những lời không nói ra, nhưng thực sự đã nói rất hùng hồn.

Thí dụ những tiếng cười. Có những tiếng cười không kèm lời nói nào, nhưng gây nên rùng rợn. Có những tiếng cười, cũng không kèm lời nói nào, nhưng gieo nhiều tình cảm.

Vài thí dụ trên đây gợi ý cho mỗi người chúng ta xét mình về những lời không nói ra của mình.

 Những khám phá

Khi xét mình trong lãnh vực lời nói như vừa trình bày, tôi khám phá thấy nhiều sự thực mới.

Sự thực là tính cách đối thoại trong lời nói. Nói là vì đã lắng nghe. Có những lời nói của bao người đã lọt vào tai tôi và đã chìm xuống lòng tôi. Sau khi được nội tâm hoá, chúng trở nên mới, để rồi trở thành lời mới. Cái mới này kêu gọi cái mới khác, làm cho vai trò lời nói thêm chất lượng trong đối thoại, để đối thoại là cùng nhau tìm đi lên.

Sự thực mới là tính cách thông tin của lời nói. Nói là vì muốn chia sẻ. Chia sẻ những cái mới, để gắng tái đào tạo chính mình và để cấu trúc lại hệ thống giá trị. Khi chia sẻ, lời nói ra cũng như lời không nói ra rất muốn hội tụ tâm tình biết ơn, lòng kính trọng và niềm cậy trông.

Nhưng trên thực tế, tôi khám phá thấy những giới hạn của mình. Nhiều giới hạn khiến mình phải bàng hoàng, lo sợ.

Khám phá quan trọng nhất là thấy được phần nào khả năng quí giá của lời nói. Mong manh như tia sáng, nhưng lời nói có thể chuyên chở những giá trị vô giá. Nhẹ nhàng như sợi gió, nhưng lời nói có thể làm nên chiếc cầu nối lại những vực thẳm tâm hồn. Thoang thoảng như hương hoa, nhưng lời nói có thể gợi tìm về cõi hạnh phúc vô tận đời sau.

Cuối năm tính sổ lời nói, tôi nhớ lời thánh Phaolô dạy: “Cái mà con gieo, sẽ phải chết đi mới được sống” (1Cor 15,36). Tôi hiểu là những gì tôi gieo bằng lời nói sẽ phải trút bỏ đi những gì là của tôi, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng sẽ nhận được sự sống mới với hình dạng mới, hợp thánh ý Chúa hơn.

Trong tâm tình sám hối và tạ ơn, tôi nhìn lên Chúa và âm thầm nói với Người: Thánh ý Người là gia nghiệp đời con.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 01 năm 2001