Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Mến Yêu Thánh Giá

Nếu hỏi: Ảnh tượng nào tôi luôn mang trong mình, tôi xin trả lời: Ảnh tượng Thánh giá.

Nếu hỏi: Ảnh tượng nào tôi thường hôn kính hơn, tôi cũng xin thưa ngay: Ảnh tượng Thánh giá.

Nếu hỏi: Dấu thánh nào tôi hay làm trên mình và trên người khác, tôi phải nói thực là: Dấu Thánh giá.

Ðây là những thói quen từ nhỏ. Khi tuổi còn nhỏ, những thói quen tôn giáo được trồng vào tâm hồn như những hạt giống tốt. Khi lớn lên, tuổi càng cao, những hạt giống tốt ấy càng trở thành cây lớn, ăn rễ sâu, lá cành làm nên bóng mát, có thể làm chỗ tựa cho nhiều cuộc đời.

Ðối với tôi, hiện giờ mến yêu Thánh giá là một thói quen “cổ thụ”. Nó là tuyên xưng một niềm tin vững. Nó là một con đường khẳng định.

 Mến yêu Thánh giá là một tuyên xưng đức tin

Trong kinh Tin Kính, có câu nói về Chúa Giêsu: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi”.

Tôi hiểu “vì chúng tôi” một cách đơn giản như thế này:

Trước hết: Vì chúng tôi là vì tội lỗi chúng ta. Thánh Phaolô quả quyết điều đó, khi Ngài viết cho giáo đoàn Côrintô: “Ðức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,3).

Thánh Phêrô nói rõ hơn: Vì tội lỗi chúng ta có nghĩa là để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi. Ngài viết: “Anh em hãy biết rằng: Không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng bạc, mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em được cứu chuộc nhờ máu của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ ố, là Ðức Kitô” (1 Pr 1,18-19).

Thánh Gioan nhìn sự Chúa Giêsu tự nguyện để mình chịu đóng đinh vào thập giá là một lễ đền tội. “Chính Ðức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2,1).

Khi nhận thức rõ: Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chết trên Thánh giá, để đền những tội lỗi của tôi và của thế gian, tôi ngỡ ngàng tự hỏi: Sao Chúa lại làm như vậy? Thì câu trả lời càng làm tôi sửng sốt: Chỉ vì yêu thương. Thánh Phaolô viết: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,7-8).

Như vậy, Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh giá, để đền tội cho ta, chỉ vì yêu thương ta.

Ðược ơn Chúa Thánh Thần mở lòng mở trí, tôi đến bên Chúa Giêsu, là Ðấng vâng lời Chúa Cha sai đi. Ngài đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá” (Pl 2,7-8). Ngài nhìn tôi, lúc đó, tôi càng thấy rõ Chúa Giêsu tự nguyện chịu chết trên Thánh giá là chuyện không phải chỉ của nhân loại, mà trước hết là chuyện của riêng tôi. Chuyện của một tình yêu tự hạ và tự hy sinh để cứu chuộc tôi. Từ cảm nhận đó, tôi có một kinh tin kính cho riêng tôi “Tôi tin kính một Thiên Chúa tình yêu”. Tôi đọc kinh tin kính tư riêng đó với lòng cảm tạ, sám hối và xin phép lành.

Ðây là một niềm tin đưa tới hy vọng. Bởi vì Thánh giá là cửa phục sinh. “Ðức Kitô đã được mai táng, và ngày thứ ba Người đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh” (1 Cr 15,4).

Chúa Giêsu đã sống lại vinh hiển sẽ làm cho những ai theo Ngài trên đường thập giá, cũng sẽ được sống lại trong chiến thắng vinh quang (1 Cr 15,57).

 Mến yêu Thánh giá là một con đường khẳng định

Con đường tôi sống là lời Chúa dạy: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình, và đi theo Thầy” (Mc 8,34).

Con đường tôi rao giảng là lời thánh Phaolô xác quyết: “Chúng ta rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Ðấng ấy chính là Ðức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 2,23-25).

Con đường tôi kéo người ta lên với Chúa, cũng là con đường tình yêu từ Thánh giá, như lời chính Chúa Giêsu dạy: “Phần Thầy, khi Thầy bị treo lên khỏi mặt đất, Thầy sẽ kéo mọi người lên với Thầy” (Ga 12,32).

Tất cả những gì tôi nói ở trên về Thánh giá sẽ không có gì ghê gớm đâu.

Khi hôn kính Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá, khi đi bên Chúa Giêsu đang vác Thánh giá trong cuộc đời này, tôi có một cảm nghiệm rất là an ủi. Ðúng như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Thầy, và học với Thầy vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Thầy thì êm ái, vì gánh của Thầy thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Thánh giá là một mảng của đời ta. Nó thường rất riêng tư, lặng lẽ và sâu thẳm. Hãy biết sống mảng đời đó với ánh sáng Phúc Âm. Nhiều khi nó chứa đựng những kho tàng vô giá, cho sự trưởng thành và cho sự cứu độ. Miễn là ta biết khiêm tốn và tin tưởng đồng hành với Chúa Giêsu vác thánh giá, và cùng với Người chịu đóng đinh vào thánh giá. Chỉ vì tình yêu cứu độ. Ðể rồi qua đó, sẽ là một cuộc đời mới thông hiệp vẹn toàn với Thiên Chúa tình yêu.

ù

Ðể kết, tôi xin phép kể lại một mẩu chuyện nhỏ. Tuần rồi, tôi mới gặp lại một chị phụ nữ, bình thường nhưng không tầm thường. Vì một lỗi lầm vô tình trong quá khứ, chị muốn lập công đền tội. Bằng cách này: Chị đón một bà già ăn mày ngoài chợ về nhà mình. Chị nuôi nấng, chăm sóc bà như mẹ ruột. Khi bà già qua đời, chị lại đón một phụ nữ mắc bệnh tâm thần, vô gia cư, về nhà mình. Chị chăm sóc và chữa trị người phụ nữ đó như người chị em ruột. Hiện nay, chị còn tham gia một tổ chức từ thiện, thường xuyên lo giúp người nghèo khổ.

Khi tham gia các đoàn phục vụ người nghèo người bệnh, chị có một xác tín này muốn được chia sẻ với tôi: Ðó là cách cho là rất quan trọng. Cách cho khiêm tốn, tế nhị đầy cảm thương bao giờ cũng có sức an ủi hơn của cho rất nhiều. Trái lại, cũng có cách cho vô tình làm người ta tủi nhục ác cảm.

Xin nói thực: Chị phụ nữ tốt tôi kể trên là một Phật tử.

Tôi có cảm tưởng những người đang chia sẻ thánh giá với Chúa Giêsu và với đồng bào trên đường cứu độ, tuy thinh lặng, nhưng rất đông. Họ thuộc đủ mọi thành phần. Tôi tin chắc Chúa rất thương họ. Họ có cái tâm đạo đơn sơ trong sáng. Họ đang là chứng nhân của Tin Mừng thánh giá cứu độ. Những chứng nhân như thế dễ thấy, dễ gần, dễ hiểu, dễ thương. Vì thế mà họ có sức thuyết phục đối với phần đông đồng bào chúng ta.

Thời nay, tại Việt Nam này, người ta tin vào các chứng nhân sống đạo hơn bất cứ sách báo, tổ chức, lý thuyết nào.

Chứng nhân sống đạo là những người có tâm đạo giàu cảm thương đối với những người đau khổ tội lỗi, phản ánh tình thương trên thánh giá của Chúa Giêsu.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 3 năm 2003