Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Ðón Nhận

Tháng 7 năm 1954, tại Việt Nam ta, đã bùng nổ một biến cố lớn. Biến cố lịch sử đó là cuộc di dân từ Bắc vào Nam. Số người vào Nam hồi ấy rất đông.

Tháng 7 năm 2004 là kỷ niệm 50 năm. Dịp này, tôi nhớ về sự đón nhận của miền Nam đối với chúng tôi. Tôi sẽ nhìn thực tế qua Lời Chúa.

 Ðón nhận thân thương

Tôi nhớ sự đón nhận của miền Nam nói chung và Giáo Hội miền Nam nói riêng đối với chúng tôi là rất thân thương.

Sự đón nhận này có thể gọi được là một việc bác ái phi thường. Một cách nào đó, Chúa đã ghi nhận để trả ơn. Như lời Ðức Kitô đã hứa: “Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ. Ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,41-42).

Theo Lời Chúa trên đây, thì đón nhận không phải chỉ là đón nhận đơn thuần, mà còn là nhìn nhận đúng giá trị người mình đón nhận. Người ngôn sứ thì được đón như người ngôn sứ. Người công chính thì được tiếp như người công chính. Ðến như những người rất hèn mọn, chỉ mang đôi chút thiện chí người môn đệ Chúa, cũng được đón nhận tử tế.

Tất cả mọi việc đón nhận như thế đều được Chúa thưởng bằng nhiều cách khác nhau.

Tôi đã thấy điều đó phần nào. Người Bắc công giáo vào Nam nhận được ở người Nam nhiều giá trị tinh thần và vật chất. Người Nam có dịp tiếp cận với một sức sống đức tin nhiều lo âu và phấn đấu của người công giáo Bắc. Giáo Hội miền Nam được thêm phong phú, vì có thêm nhiều người tham gia và phục vụ. Sự tham gia và phục vụ đã rất đa dạng. Nhờ đó, Tin Mừng được mở rộng trong hầu hết các lãnh vực xã hội, nhờ những người công giáo Nam Bắc cởi mở dấn thân.

 Ðón nhận chia sẻ

Sở dĩ sự đón nhận thân thương đã đem lại nhiều hiệu quả tốt, một phần cũng vì sự đón nhận đó mang tinh thần chia sẻ.

Có nhiều thứ chia sẻ đáng khen ngợi. Nhưng có một thứ chia sẻ thiết tưởng đáng ca ngợi hơn hết, đó là chia sẻ gánh nặng của nhau.

Thánh Phaolô viết: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Kitô” (Gl 6.2). Nói về gánh nặng cho nhau, tôi có kinh nghiệm này: Nhiều khi tôi có thể thành gánh nặng cho những người khác, vì bệnh tật của tôi, vì tính tình của tôi, vì cách suy nghĩ của tôi, vì cách sống của tôi.

Từ kinh nghiệm bản thân như trên, tôi nghĩ rằng: Người từ nơi khác tới lập cư ở một địa phương rất có thể là gánh nặng cho những người bản xứ. Do những khác biệt của cá nhân cho đến khác biệt của các tập thể. Nhất là khi các tập thể lại là một số rất đông, rất đa dạng.

Ngay cách sống đạo, Bắc Nam cũng có đôi chút khác biệt. Ðạo “Ðàng Trong” và đạo “Ðàng Ngoài”. Chẳng hạn Ðàng Ngoài thích thể hiện ra bề ngoài. Ðàng Trong ưa âm thầm bên trong.

Chỉ đôi chút khác biệt đó cũng có thể làm cho người di cư trở thành gánh nặng cho người bản xứ. Tôi nói “có thể” thôi, chứ trên thực tế, bầu khí cộng đoàn vẫn tràn đầy tinh thần bao dung và bổ túc giữa các khác biệt.

Trong sự đón nhận mang tính cách chia sẻ, tôi thấy cảnh đẹp nhất là cùng nhau cầu nguyện. Chúa Giêsu phán: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Trước đó, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh và rõ: “Thầy bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho” (Mt 18,19).

Khi đem những Lời Chúa hứa trên đây áp dụng vào thực tế, tôi cảm thấy được nhiều an ủi. Ði khắp giáo phận Long Xuyên này, bao giờ tôi cũng gặp những buổi cầu nguyện và hội họp gồm nhiều người. Những người này thuộc những gốc gác khác nhau. Nhiều gốc từ Bắc. Nhiều gốc từ Nam. Nhiều gốc từ Trung. Tất cả cùng bên nhau cầu nguyện và hoạt động cho một đức tin duy nhất. Những trường hợp như thế cho thấy những sự khác biệt có thể trở thành một cơ may cho Giáo Hội. Từ đó, mọi người đều được chia sẻ trách nhiệm.

 Ðón nhận trách nhiệm

Trách nhiệm nói đây không ám chỉ về tổ chức và cơ cấu. Trong đó, người ta thường để ý đến quyền chức, và thường đánh giá theo tiêu chuẩn hiệu năng. Thí dụ trong một cộng đoàn này nọ, việc phân phối trách nhiệm như địa vị, chức tước phải để ý đến yếu tố Nam Bắc. Nghĩ như vậy có thể đúng phần nào về mặt xã hội.

Nhưng ở đây, tôi muốn nói tới một thứ trách nhiệm khác. Ðó là trách nhiệm thương yêu nhau, thông cảm nhau, nâng đỡ nhau. Bởi vì chính ở trách nhiệm đó, chúng ta dù từ gốc nào, sẽ làm chứng được một cách hữu hiệu chúng ta là môn đệ Ðức Kitô. Ðức Kitô đã quả quyết: “Ở điểm này, mà mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con có lòng thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Thương yêu nhau, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta “Thầy ban cho các con một điều răn mới là: Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Trong suốt 50 năm được sống ở miền Nam nước Việt, tôi thấy trách nhiệm yêu thương nhau đã tiến rất nhiều, rất rộng, rất sâu. Hầu như mọi người tin Chúa trên Quê Hương Việt Nam này, đều làm chứng đức tin của mình bằng đời sống yêu thương chân thành, phục vụ khiêm tốn, đối xử tế nhị.

Hôm nay, suy nghĩ về biến cố di cư, tôi hiểu thánh ý Chúa rõ hơn về lịch sử cứu độ. Tôi cảm tạ Chúa, và hy vọng vào Chúa.

Xin hết lòng cảm ơn mọi đón nhận đạo đức.

Người đón nhận và người được đón nhận cùng đồng hành về phía trước. Cùng nhau cộng tác với ơn Chúa xây dựng một Hội Thánh địa phương với những nét:

Nội tâm nhiều hơn.

Bác ái nhiều hơn.

Ðơn sơ nhiều hơn.

Hy vọng mọi thiện chí sẽ được Thiên Chúa đón nhận vào Nước tình thương của Người.

Long Xuyên, ngày 14 tháng 6 năm 2004