Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Người Tu Làm Chứng Cho Chúa

Làm môn đệ Chúa trong đời tu là một ơn gọi. Mỗi người được ơn gọi đó có thể nêu cao một lý tưởng tu rút từ Phúc Âm.

Những người tu nào được thêm ơn gọi mang chức thánh sẽ phải chu toàn một số bổn phận thánh được qui định, như dâng thánh lễ, ban phát các mầu nhiệm thánh, phục vụ bàn thánh, qui tụ dân thánh Chúa, rao giảng lời Kinh Thánh vv... Những nhiệm vụ đó luôn đáng trân trọng. Nhờ vậy, người môn đệ Chúa được mang nhiều chức danh cao sang.

Nhưng, trong một xã hội đa tôn giáo và đang chịu ảnh hưởng rất mạnh bởi làn sóng văn minh vật chất cùng với lối sống hưởng thụ, tôi vẫn thích nhìn các môn đệ Chúa sống đời tu với chức danh người làm chứng cho Chúa. Chính Chúa Giêsu đã chọn hình ảnh đó: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy... cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Chúng ta làm chứng cho Chúa Giêsu bằng nhiều con đường. Ðường do vị thánh sáng lập cộng đoàn mình đã chọn. Ðường do cá nhân mình được phép chọn, theo ơn Chúa soi sáng để đáp ứng hoàn cảnh đổi thay. Nhưng tất cả luôn luôn phải là những nẻo đường của Phúc Âm.

Dù bằng nẻo đường nào, người làm chứng cho Chúa Giêsu không thể bỏ qua những yếu tố cụ thể mà Chúa Giêsu đã nêu lên trong đời của Người.

Những yếu tố đó, nếu được gọi bằng những từ đơn giản, thì sẽ là:

1/ Hiến thân,

2/ Tu thân,

3/ Dấn thân.

 Hiến thân

Hiến thân của Chúa Giêsu là hiến mình vâng phục thánh ý Chúa Cha. Lời Chúa dưới đây trong thư gởi Do Thái gợi ý về sự hiến thân theo hướng đó:

Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã chọn cho con một thân thể, Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa, như sách thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).

Suy gẫm những lời trên đây, tôi có cảm nghĩ là một số hình thức lễ lạy, mà người ta bám vào, tưởng rằng sẽ làm chứng cho Chúa, đã và đang bị Chúa chê chối. Lễ mà Chúa muốn là lễ trong con người chúng ta. Một con người sẽ là của lễ đẹp lòng Chúa, khi con người đó tự ý chọn sự vâng phục thánh ý Chúa, dù thánh ý Chúa là những gì mình chẳng hiểu, hoặc mình cho là vô lý theo sự khôn ngoan và thông minh thế gian.

Sự vâng phục thánh ý Chúa có thể sẽ gây nhiều đau đớn trong con người chúng ta. Nhưng nó sẽ có sức góp phần vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu. Thư gởi Do Thái có đoạn viết:

Dầu là Con Thiên Chúa, Người (Chúa Kitô) đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục. Và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).

Như vậy, vâng phục thánh ý Chúa Cha là một việc hiến thân không dễ dàng. Nó đòi một sự phấn đấu can đảm và rất cam go. Ở vườn Cây Dầu, chính Chúa Giêsu đã diễn tả cuộc phấn đấu đó bằng lời cầu thảm thiết: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, nhưng hãy làm theo ý Cha” (Lc 22,43).

Nếu sự hiến thân được hiểu ít là như vậy, thì sự làm chứng cho Chúa bằng hiến thân phải được thực hiện đúng. Nếu nói là mình hiến thân trong đời tu, nhưng cứ sống theo lối sống mình thích và làm những gì mình thích, chứ không uốn mình theo ý Chúa, thì sẽ là một phản chứng đầy xúc phạm đến ơn gọi thiêng liêng cao quý Chúa dành cho mình.

Một hình thức hiến thân nền tảng trong đời tu là thực sự tu thân.

 Tu thân

Tu thân là một cách sống được hầu như mọi người Việt Nam kính phục. Xem ra dân chúng không lạ lẫm gì với hình ảnh người tu. Người tu được hiểu như người tự ý từ bỏ nhiều cái mình có quyền được hưởng, tự nguyện sống trong một hệ thống kỷ luật, vì ý nghĩa một cuộc sống cao đẹp hơn đời thường.

Ðọc Phúc Âm, ta thấy, khi chọn môn đệ để làm chứng cho Chúa, Chúa đã gọi họ hiến thân vào một đời từ bỏ. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thánh giá mình mà theo” (Mt 16,24).

Ðời tu này còn có một đặc điểm khác được gói ghém trong lời này: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5).

Người tu đích thực, chính vì kết hợp với Chúa Giêsu một cách mật thiết, nên luôn sống bé nhỏ khiêm tốn, siêng năng cầu nguyện. Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha là Chúa yêu thương và “mạc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21).

Tôi thiết nghĩ bốn yếu tố trên đây, tức từ bỏ, gắn bó với Chúa, khiêm tốn và cầu nguyện là những gì tối thiểu làm nên chất tu đích thực. Chất tu này sẽ là những chuẩn bị tốt, để Chúa Thánh Thần dùng người tu như ngọn đèn thắp sáng niềm tin, đem lại hy vọng cho những nơi tăm tối.

Trái lại, người tu mà lòng trống vắng cuộc sống nội tâm, không toả sáng được tinh thần từ bỏ, sự khiêm tốn, tinh thần cầu nguyện và dung mạo Chúa Giêsu bác ái ngự trong mình, thì sẽ rất nghèo khả năng làm chứng cho Chúa, dù có lao mình vào những hoạt động rầm rộ bên ngoài. Phương chi, nếu chẳng may, người tu lại bị tiếng là người tìm hưởng thụ, thích tự do thoải mái, chủ trương tận hưởng các thứ sướng vui có được, thì sẽ là một tai hoạ cho truyền giáo và nguy cho chính mình. Sẽ không thể làm chứng cho Chúa. Trái lại còn làm đau lòng Chúa.

Rất may là loại người tu mất phẩm chất như thế, nếu có, cũng thường đã biết trở về. Hơn nữa, họ còn nêu gương sáng về sám hối và dấn thân. Qua cuộc trở về và dấn thân, họ thực hiện lời thánh Phaolô viết: “Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa” (Rm 14,8).

 Dấn thân

Dấn thân là một cách hay nhất để làm chứng cho Chúa. Dấn thân có nhiều hình thức. Một hình thức căn bản của dấn thân là theo gương Chúa Giêsu dấn thân. Chúa Giêsu đã dấn thân thế nào? Ta hãy nghe bài ca thánh Phaolô về dấn thân của Chúa Giêsu.

Ðức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.
Nhưng Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân phận nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên thánh giá
” (Pl 2,6-8).

Như vậy, dấn thân của Chúa Giêsu là khiêm nhường bước xuống. Không phải chỉ xuống một bước, mà xuống nhiều bước trên một con đường dài, từ cảnh nghèo hang đá Belem cho đến cảnh nhục nhã đớn đau của thánh giá ở đồi Calvariô.

Chúa Giêsu dấn thân, để sống cảm thông với người nghèo, để chia sẻ nỗi đau của kẻ khốn khó, để tìm cứu người tội lỗi, để chết đền tội thay cho một nhân loại đã loại trừ Người.

Nói cho cùng, mọi dấn thân của Chúa Giêsu đều do tình yêu, và làm chứng cho tình yêu.

Trên thánh giá, tuy cảm thấy như bị chính Chúa Cha từ bỏ, Người vẫn tha thiết tin yêu Chúa Cha: “Cha ơi, con xin phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Người làm chứng tình yêu của Người đối với Chúa Cha là tuyệt đối.

Cũng trên thánh giá, tuy bị quyền đời quyền đạo và dân chúng loại trừ một cách độc ác chỉ vì ghen tuông, Chúa Giêsu vẫn một mực yêu thương họ. Người xin Chúa Cha tha tội cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm không biết” (Lc 23,34). Người làm chứng tình yêu của Người đối với nhân loại là bao la, không bờ không bến. Người coi yêu thương là cách làm chứng tốt nhất.

Vì thế, trong giờ phút vĩnh biệt, Người trối lại một giới răn mà Người gọi là mới: “Thầy cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con” (Ga 14,34). Người gọi điều răn đó là mới. Mới ở chỗ: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.

ù

Nhìn qua ba yếu tố quan trọng trên đây của người môn đệ Chúa được mời gọi làm chứng cho Chúa, chúng ta sẽ thấy ngay nhu cầu đào tạo nhân sự làm chứng cho Chúa hiện nay đang trở thành một vấn đề khẩn cấp. Hiến thân, tu thân và dấn thân phải thực sự có phẩm chất cao và vững. Nếu không, làn sóng vong thân sẽ dần dần đẩy tới hư thân. Làm chứng bằng phong cách sống tu hơn bằng các lễ lạy, nghi thức và sự sang trọng của đền thờ.

Rất may là tại Hội Thánh Việt Nam chúng ta, nhận thức đó đang đánh thức nhiều lương tâm. Chúa Thánh Thần đang thổi vào những tâm hồn đơn sơ một sức sống đầy nhiệt tình mới. Người sẽ làm nên những bất ngờ cho Hội Thánh. Hãy tin vào Người.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 8 năm 2003