Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Nghèo Và Ðói

Có một sự thực luôn rên rỉ trong suốt lịch sử nhân loại. Sự thực đó là một thực tế không ngừng kêu gọi các lương tâm.

Sự thực ấy đã đến với tôi rất sớm. Tôi càng thêm tuổi, nó càng hiện rõ. Tới lúc này, nó vẫn là một đề tài sống động. Suy tư thường xuyên đề tài này được tôi coi như một bổn phận.

Sự thực tôi muốn nói lên ở đây là NGHÈOĐÓI.

Biết mình nghèo những thứ gì, rồi phải biết đói những thứ đó, để rồi biết tìm cách bớt nghèo, bớt đói những gì mình nghèo đói, đó là một hướng sống hợp lý hợp tình.

 Nghèo

Có nhiều thứ nghèo, như:

- Nghèo những nhu cầu vật chất để đủ sống.

- Nghèo những kiến thức cần thiết để nhìn xa biết rộng, biết mình, biết người, biết thời thế.

- Nghèo những đức tính nhân bản để làm người.

- Nghèo những khả năng phục vụ để biết sống liên đới và xây dựng liên đới.

- Nghèo những nhân đức để nên người hướng thiện.

- Nghèo những sáng tạo cần cho việc phát triển các giá trị đạo đời.

Còn nhiều thứ nghèo khác, tôi vẫn thấy hiện diện nơi tôi. Thấy mình nghèo, đã là một khởi sự tốt.

Nhưng cái nghèo làm tôi quan tâm nhiều nhất, đó là nghèo những điều kiện của người môn đệ Chúa Giêsu.

Có nhiều điều kiện chung cho mọi người muốn làm môn đệ Chúa Giêsu. Tôi để ý nhất đến điều kiện “Thi hành ý muốn Chúa Cha”. Chúa Giêsu dạy rõ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).

Rõ ràng điều kiện quan trọng là thi hành ý Chúa. Thi hành được hiểu là làm. Chứ không phải chỉ biết đúng, chỉ hiểu sâu, chỉ nói rõ là đủ.

Vậy Chúa muốn gì nơi chúng ta, là những người tin theo Chúa, nhất là những người có nhiệm vụ truyền giáo?

Thưa ý Chúa là chính mình ta hãy sống theo cách sống của Chúa Giêsu, và hãy tìm cách phổ biến cách sống của Chúa Giêsu. Có nghĩa là chính cuộc sống của ta, và tất cả cuộc sống của ta phải phản ảnh và rao giảng cuộc sống của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Hãy dạy bảo muôn dân giữ những gì Thầy đã truyền dạy cho các con” (Mt 28,20).

Cách sống, mà Chúa truyền dạy có nhiều vẻ đẹp. Ở đây, tôi để ý đến năm vẻ đẹp này:

1/ Sống tha thiết với Tám mối phúc.

Thí dụ:

- Tâm hồn nghèo khó, khiêm nhường.

- Thái độ hiền từ.

- Biết chịu đau khổ với tinh thần đạo đức.

- Khát khao sự công chính.

- Biết xót thương người khác.

- Giữ tâm hồn trong sạch.

- Lo xây dựng hoà bình.

- Trung thành với Chúa, khi bị bách hại (Mt 5,1-10).

2/ Ði vào cửa hẹp để có thể được vào Nước Trời (Lc 13,23-24).

3/ Sống yêu thương người khác, như Chúa yêu thương ta (Ga 13,34).

4/ Tìm sự công chính và phần thưởng nơi Chúa, chứ không nơi người đời. Vì thế, hãy làm việc bố thí, việc ăn chay và việc cầu nguyện một cách âm thầm, tránh mọi hình thức phô trương (Mt 6,1-34).

5/ Sám hối, cầu nguyện và tỉnh thức (Lc 13,1-6,21. 34-36).

Trên đây, chỉ là mấy cách sống mà tôi hay để ý thực hành trong đời sống thường ngày.

Thú thực là khi xét mình, tôi thấy mình còn rất nghèo những cách sống đó. Nghèo cả bên trong nội tâm, cả thái độ bên ngoài.

Ðiều tôi lo sợ, là biết đâu mình thực sự nghèo những thứ cần thiết đó, nhưng vẫn ảo tưởng mình có đủ, có dư. Ðể rồi an phận, tự mãn.

Tới nay, tôi còn nhớ rõ hình ảnh những người nghèo, tôi đã gặp trong hành trình đời tôi.

Có những người quá nghèo, coi như những bộ da bọc xương, đói rách, khốn khổ.

Từ những hình ảnh đó, tôi nghĩ về hình ảnh người nghèo những giá trị tinh thần, nhất là nghèo những cách sống đẹp của Chúa Giêsu.

Chắc chắn là hình ảnh đó xác xơ thê thảm.

 Ðói

Nhưng có một điều an ủi tôi, đó là nếu tôi biết mình là như thế, và biết đói những gì Chúa muốn về tôi, thì Chúa không bỏ tôi. Trái lại, Chúa sẽ thương tôi rất nhiều. Người thương, chính vì tôi nhận biết mình nghèo và biết đói ơn thánh của Người.

Lúc đó, chính tình thương xót Chúa sẽ đoái nhìn đến thân phận khó nghèo của tôi. Tình xót thương đó sẽ là biển cả dạt dào ơn thánh, để tôi được dìm mình trong đó.

Nếu, chẳng may, thay vì tìm về Biển cả, tôi lại tìm những giếng cạn, hay những vũng bùn, thì khốn khổ cho tôi.

Vì thế, điều tôi luôn nhớ, để tạ ơn Chúa suốt đời, là cảm nghiệm được cái nghèo của mình, cái đói của mình, và biết khao khát Chúa.

Rất nhiều khi rà soát lại quá khứ đời mình, tôi thấy sự thực này: Ðó là tôi đã gặp được Chúa và nghe được tiếng Chúa gọi tôi, không qua những lễ nghi linh đình, những nhà thờ to lớn, những qui tụ đông đảo ồn ào, những chức tước cao sang, nhưng lại qua những gì âm thầm nhỏ bé.

Nói thế không có nghĩa là những gì to lớn, sang trọng là không cần thiết. Tôi nhận sự hữu ích của chúng trong một số trường hợp.

Tôi chỉ nói về thực tế của riêng tôi. Những thực tế âm thầm nhỏ bé đã ảnh hưởng đến tôi trước hết là những con người có những cách sống đẹp. Họ cầu nguyện lặng lẽ. Họ phục vụ tế nhị. Họ đi vào các con đường bé nhỏ, làm những việc lành không tên. Họ là những người thuộc dạng nghèo và đói thiêng liêng, nhưng rất biết mình đúng là như vậy. Vì thế họ được Chúa Thánh Thần dẫn đưa về suối nguồn tình thương vĩnh cửu. Cách sống của họ giữa đời đúng là men trong bột (Lc 13,20).

Tôi cũng gặp được Chúa, khi nhận ra sự mong manh của cuộc đời trần thế. Như lời thánh vịnh nói:

Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng.
Một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình.
Nhưng ân tình Chúa thiên thu vạn đại,
dành cho kẻ nào hết dạ kính tôn
” (Tv 102,15-17).

Nhiều khi tôi buồn, nhận thấy cái nghèo thiêng liêng được lấp liếm bằng những hiếu động phô trương. Cũng nhiều khi cái trống vắng nội tâm lại được che bằng những hình thức đạo đức khuôn khổ màu mè bên ngoài. Thiết tưởng đó không phải là những sự thực đẹp lòng Chúa, dẫn tới một tương lai có thực chất của Tin Mừng.

Trái lại, biết mình nghèo, biết đói Chúa, và biết đón nhận tình thương của Chúa một cách khiêm nhường và phấn đấu cộng tác. Ðó mới là một tình trạng nghèo và đói dẫn tới hạnh phúc trường sinh. Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã cho tôi niềm xác tín đơn sợ và quí giá đó.

Long Xuyên, ngày 25 tháng 7 năm 2004