Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Bác Ái Cho Truyền Giáo Và Mùa Chay

Hồi Chúa Giêsu xuống trần, phần đông những người tin thờ Chúa thường sống đạo trong những thói quen sẵn có.

Tập quán sẵn có đã do những thế hệ trước để lại và do cơ chế tôn giáo đương thời đặt ra. Cái gì cũng rõ ràng. Nhưng nhiều cái rõ ràng mà sai.

Người ta cứ thế mà sống đạo an tâm. Như thể đã có người khác suy nghĩ thay mình.

Chúa Giêsu đến để cứu đời, bằng cách cứu đạo. Người cứu đạo khỏi những gì tha hoá đạo, đem đạo vào nền tảng đích thực, vào bản chất chính đáng.

 Bản chất đích thực của đạo

Bản chất đó, nền tảng đó là mến Chúa yêu người. Chúa Giêsu phán: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn. Ðó là điều răn lớn nhất và là điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môisê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).

Nhưng, để làm rõ mục đích quan trọng của đạo là cứu con người khỏi cảnh lầm than, đem lại cho con người tình thương cứu độ, Chúa Giêsu, trước khi lìa đời đã đặt nặng giới răn yêu thương. Người phán: “Thầy ban cho các con một điều răn mới là chúng con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn quả quyết: Yêu thương nhau, đó mới là dấu chỉ đích thực của người môn đệ của Người. Người nói rõ: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

 Nhấn mạnh đến giới răn yêu thương

Sau này, khi khai triển giới răn yêu thương, thánh sử Gioan đã coi yêu người là dấu chỉ mến Chúa. Ngài nói: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4,20-21).

Khi truyền giáo, thánh Phaolô đã hết lời ca tụng đức ái. Ngài dám đưa ra những so sánh bất ngờ, để quả quyết vị trí cao nhất của yêu thương bác ái. Ngài viết:

Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng.

“Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng là gì.

“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức ái, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1 Cr 13,1-3).

Khi đi vào những chi tiết cụ thể của đức ái, thánh Phaolô đã nêu lên những điều thu lượm từ kinh nghiệm truyền giáo: “Ðức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Ðức ai tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).

Giáo Hội sơ khai đã tập trung lòng đạo vào những lời dạy trên đây của Chúa Giêsu và của các môn đệ Chúa.

Phải nhận là sống đức ái, mến Chúa yêu người, với những đòi hỏi như trên là điều rất khó. Nhưng khó, mà vẫn thực hiện được, nhờ vào ơn Chúa, nhất là bằng sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, như lời Người đã hứa: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5).

Kết hợp với Chúa Giêsu, là bước theo Người, cùng đau khổ với Người, cùng được đóng đinh mình một cách nào đó vào thánh giá với Người, để được phục sinh với Người.

 Vai trò của bác ái trong truyền giáo

Bầu khí bao trùm các giáo đoàn của Hội Thánh sơ khai là bác ái của Chúa Giêsu. Người đời cứ nhìn các cộng đoàn sống đạo như thế, mà nhận ra chân dung của Chúa Giêsu. Một Ðấng đầy tình yêu thương xót. Hơn nữa người đời, khi tiếp xúc với các cộng đoàn sống đạo như thế, đã cảm nếm được phần nào hương vị ngọt ngào của Nước Trời. Một Nước Trời ở trong nội tâm con người tự do, thoát lìa khỏi mọi xiềng xích tội lỗi và tính mê nết xấu, có Chúa Tình yêu ngự trị. Một Nước Trời đầy bình an hạnh phúc do chính sự sống của Chúa chia sẻ cho.

Bầu khí bác ái bao trùm Hội Thánh sơ khai đã là một chứng từ đầy thuyết phục của truyền giáo.

Nhưng rồi, thời gian trôi, nhiều giá trị tốt vì không được bảo vệ cũng trôi theo. Qua nhiều biến chuyển của lịch sử, Hội Thánh tại nhiều nơi không còn giữ được bầu khí bác ái thuở ban đầu. Do đó, không còn phản chiếu được hình ảnh đích thực của Chúa Giêsu.

Tôi nghĩ rằng: Nhiều người thời nay rất đói những giá trị thiêng liêng, nhất là một tình thương chân thực, vô vị lợi, có sức đổi mới tâm hồn họ và đời sống họ.

Tôi cũng thấy rằng: Nhiều người thời nay rất khát mong một Ðấng thiêng liêng dám thương yêu họ, mặc dầu họ bất xứng. Ðấng ấy biết chia sẻ cảnh đời đau thương của họ. Ðấng ấy có quyền năng và lòng thương xót dẫn họ tới những chân lý cứu độ.

Tôi xác tín rằng: Nhiều người thời nay, từ thẳm sâu tâm hồn, vẫn rất mong chờ một cuộc sống bình an trong yêu thương liên đới chân tình.

Tôi đau buồn cũng xin nói thực về một nguy cơ có thật. Ðó là tại nhiều nơi có những cá nhân, và có cả những cộng đoàn, bề ngoài xem như giữ đạo đầy đủ, nhưng bên trong lại rất thiếu bác ái. Thiếu trong suy nghĩ và phán đoán. Thiếu trong việc làm. Thiếu trong lời nói. Thiếu trong trách nhiệm liên đới.

Những trường hợp thiếu bác ái không phải hiếm hoi. Ðôi khi thiếu bác ái trở thành một tình trạng bình thường. Thế mới nguy. Thế mới phản chứng trầm trọng.

Với những suy nghĩ xác tín và nhận xét trên đây, tôi chọn một đề tài cho truyền giáo và Mùa Chay. Ðề tài đó là Bác ái. Một bác ái dựa trên Phúc Âm:

- Lời Phúc Âm dạy,

- Việc Chúa Giêsu làm,

- Cuộc đời Chúa Giêsu từ Belem đến Calvariô.

- Nhất là Thánh giá Chúa Giêsu, nơi tình yêu cứu độ được thể hiện qua hy sinh mạng sống thành lễ vật đền tội cho nhân loại.

Tôi hy vọng sự lựa chọn của tôi sẽ được Chúa chúc lành, và cũng sẽ được nhiều tâm hồn thiện chí đỡ nâng.

Long Xuyên, ngày 17 tháng 02 năm 2004