Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Phấn Ðấu Vượt Qua

Linh hồn tôi khao khát Chúa”, đó là lời than thở của thánh vịnh 63. Tâm tình khao khát ấy cũng sôi động trong tôi. Tôi thực sự khao khát Chúa. Chúa là Ðấng yêu thương đầy tình thương xót. Tình yêu Người như biển cả, không bờ không bến.

Trên đường đi tìm tình yêu ấy, đã có những lúc tôi sai lầm. Tôi dừng lại ở những sông rạch cạn, ở những hồ ao tù, thậm chí ở những vũng nước dơ.

Tôi đã không biết vượt qua, đôi khi còn không muốn vượt qua. Biển cả tình yêu vẫn nhẫn nại đợi chờ. Nhưng tôi không tới. Do nhiều thứ cản.

 Cần vượt qua cản trở

Ðể giúp ta vượt qua cản trở trên đường đến Chúa, Hội Thánh thường xuyên nhắc nhở và giúp đỡ ta. Ðặc biệt có những thôi thúc khẩn thiết hơn và những trợ giúp tha thiết hơn được tập trung vào một thời gian nhất định. Thời gian này là mùa Chay và mùa Phục Sinh. Tôi gọi chung là mùa Vượt Qua.

Vượt qua được hiểu thế nào?

Thưa, trước hết để nhớ lại những sự kiện lịch sử. Trong Cựu Ước, Chúa cho dân Chúa vượt qua Biển Ðỏ, để vào Ðất Hứa. Chúa cho dân Chúa vượt qua chế độ nô lệ, để vào chế độ tự do. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu vượt qua cuộc sống thế trần để về với Chúa Cha. Người vượt qua cái chết đau khổ để đi vào Phục sinh với cuộc sống mới.

Ngoài ra, cuộc vượt qua mà tôi muốn nói ở đây, còn mang một ý nghĩa thiêng liêng áp dụng cho chính chúng ta. Ðó là vượt qua những gì làm ta nô lệ tội lỗi, để đi vào sự tự do của con cái Chúa. Vượt qua những gì là sự chết, để được tham dự vào một sự sống mới do Thiên Chúa chia sẻ cho.

Cụ thể, có thể đưa ra vài ví dụ: Ta phấn đấu vượt qua mây mù ích kỷ hẹp hòi. Vượt qua để bước sang một bầu trời tình yêu rộng mở hướng về phục vụ, tha thứ và thăng tiến.

Ta vượt qua nhà tù tự mãn, cho mình là có nhiều của cải về tinh thần, về đạo đức. Vượt qua để bước vào tấm lòng khiêm tốn, nhận biết mình hèn mọn, nghèo nàn về mọi mặt, hầu có thể đón nhận được nhiều ơn Chúa.

Ta vượt qua đêm dài của tính biếng lười, ngủ mê trong an phận, an tâm với tính dửng dưng. Vượt qua để bước vào bình minh của sự dấn thân, biết chia sẻ những trăn trở thao thức của Hội Thánh và của đồng bào.

Trên đây chỉ là vài ví dụ. Mỗi người đều có kinh nghiệm về những cản trở chung và riêng gây nên do xác thịt, thế tục và ma quỷ.

Xác thịt vốn là một nguồn gây sức cản ghê gớm.

Thế tục cũng có vô số cạm bẫy, những cách suy nghĩ và cách sống sai lạc với qui mô lớn.

Ma quỉ luôn là kẻ tinh khôn hăng hái trong việc cản chúng ta đi về với Chúa.

Cho dù cuộc sống là một cuộc chiến, và cuộc đời là bãi chiến trường, chúng ta vẫn phải vượt thắng những sự xấu dẫn ta đến hư hỏng. Phải vượt qua để bước vào sự lành dẫn tới Chúa là hạnh phúc của ta.

Vượt qua bằng cách nào?

 Phương cách vượt qua

Phúc Âm chỉ dạy nhiều phương cách. Nhưng trong những ngày sắp tới, Hội Thánh nhấn mạnh đến 4 phương cách này:

 1/ Giữ chay.

Giữ chay không phải chỉ là bớt ăn bớt uống, nhưng chủ ý là giải thoát ta khỏi những gì trói buộc mình vào con đường lầm lạc. Xin đưa ra một thí dụ về xiềng xích trói buộc này. Ðó là những định kiến về đạo đức nơi những người Pharisêu. Họ mang trong mình bản kết án làm sẵn về Chúa Giêsu. Cho dù Chúa Giêsu có làm phép lạ như những dấu làm chứng Người bởi Thiên Chúa mà đến, họ vẫn một mực chống đối, không tin vào những chứng từ đó.

Ðiển hình là trường hợp Chúa Giêsu làm phép lạ chữa người mù từ thuở mới sinh. Dù biết chắc chắn phép lạ đó là có thực, họ vẫn quả quyết: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày Sabát” (Ga 9,16). Sau đó, họ lại khẳng định thêm: “Chúng tôi biết ông ấy là người tội lỗi” (Ga 9,24). Ðịnh kiến do kiêu căng tự xưng mình biết đúng, đã làm cho họ nên như người mù. Mù mà vẫn khẳng định mình sáng mắt. Nên Chúa Giêsu phán: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn” (Ga 9,41).

Ðức tin vốn là một ân huệ Chúa ban. Người được ơn đó thường tỏ ra khiêm tốn, bình tĩnh, không tự phụ kết án chê bai người không tin như mình. Gỡ bỏ được những định kiến kiêu căng về đạo đức có thể gọi được là một cách giữ chay rất nên nhắc nhở.

 2/ Cầu nguyện.

Cầu nguyện thường được hiểu là ta nói với Chúa. Nhưng đúng ra, cũng phải hiểu thêm là ta nghe Chúa nói với ta.

Ðể nói với Chúa, nhất là để nghe Chúa nói với ta, chúng ta rất cần thinh lặng và khiêm tốn.

Trong tâm trạng khó nghèo, tôi thường nghe tiếng Chúa gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 12,28).

Tôi tin lời Chúa. Tôi đến với Người. Tôi là gì, tôi có gì, tôi thế nào, thì tôi đến với Chúa như vậy. Và tôi sám hối thầm nói với Chúa “Trong tay Chúa, lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con” (Mc 25,46).

Tôi có cảm tưởng là tay Chúa nhân lành ghi dấu thánh giá trên trán tôi và trong trái tim tôi. Những dấu thánh giá đó tuôn trào ra ơn bình an, trong dòng chảy của tình yêu thương xót. Người cho tôi hiểu rằng tình yêu thương xót đó dành cho tôi, để tôi đổi mới tâm hồn và nếp sống một cách triệt để, đến mức tôi có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Con người được đổi mới theo mô hình Ðức Kitô sẽ là dấu chỉ của Tin Mừng, và sẽ là người cộng tác đắc lực vào công việc truyền giáo.

 3/ Chia sẻ.

Chia sẻ ở đây không phải chỉ giới hạn ở sự chia sẻ của cải. Như làm các việc từ thiện, công tác xã hội, phục vụ người nghèo, mà còn là chia sẻ tình thương, kiến thức, suy nghĩ, nhất là Tin Mừng.

Tới đây, tôi xin phép chia sẻ một chi tiết nhỏ tư riêng, có ảnh hưởng nhiều đến đời tôi.

Sau thụ phong Giám mục được ít ngày, một đêm, trong giấc ngủ, tôi thấy mình đi giữa một cách đồng lúa bao la. Ðột nhiên, tôi thấy từ xa phía trái, có một người đang đi về phía tôi. Ráng vượt qua nhiều quãng gồ ghề lầy lội, bé nhỏ, tới một chỗ, tôi nhận ra người lạ đó là Chúa Giêsu. Tôi cố gắng đi nhanh về phía trước. Sau cùng, Người gặp tôi, tôi gặp Người.

Người cầm tay tôi, dẫn vào thành phố, đi thẳng vào một bệnh viện. Bệnh viện rộng lớn, người bệnh nằm la liệt. Chúa dẫn tôi thăm hết giường bệnh nhân này, tới giường bệnh nhân khác. Càng thăm, tôi càng cảm thấy một tình cảm xót thương lạ lùng nảy sinh và tăng lên trong tôi. Tôi quay sang nhìn Chúa, thì tôi tỉnh dậy. Lòng tôi tràn ngập cảm thương. Lập tức, tôi hiểu rằng: Trong tay Chúa, tôi sẽ được Chúa chia sẻ cho tình xót thương. Tình xót thương, sự đồng cảm với những người đau khổ, đó là một dấu chỉ thích hợp của thời đại truyền giáo tại Việt Nam hiện nay. Chúa muốn tôi nhận thức rõ điều đó.

Trong thực tế, tôi thấy dấu chỉ đó đã chuyên chở ơn thánh vào nhiều người, nhờ những người truyền giáo biết vượt qua chính mình để kết hợp với Chúa Giêsu, Ðấng đã trao cho chúng ta một lời trối: “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy thương yêu các con” (Ga 14,34).

Dấu chỉ đó là rất bình dân. Mọi người đều hiểu. Nó không phải là một lý thuyết đạo đức. Nó không phải là một hệ thống chân lý. Nó là tình yêu sống động, làm chứng cho một Ðấng Cứu thế đã chết vì tình yêu và đã sống lại cho tình yêu.

 4/ Tỉnh thức.

Tỉnh thức nói đây chủ yếu là cảnh giác, không để mình bị lôi cuốn vào những sai lầm, nhưng nhạy bén với những gì thánh ý Chúa muốn về ta. Hiện nay có nhiều điều phải cảnh giác.

Thánh Phêrô tiên đoán: “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả. Giữa anh em cũng vậy, sẽ có những thầy dạy giả dối” (2 Pr 2,1).

Thánh Phaolô cảnh báo mạnh hơn: “Vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go... Hình thức của đạo thì họ còn giữ, nhưng những gì chính yếu thì họ chối bỏ. Con hãy tránh xa những người ấy” (2 Tim 3,1-5).

Thánh Gioan quả quyết: “Có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế giới” (1 Ga 4,1).

Ngôn sứ giả không hẳn là những cá nhân, mà còn là những tập thể, những não trạng, những cách suy nghĩ và đánh giá của cả một vùng, một nền văn hoá.

Ngay chính bản thân ta, nếu không tỉnh thức với ơn Chúa Thánh Thần, ta cũng dễ sa vào những sự xấu. Thí dụ khi tổ chức một cuộc lễ tôn giáo, chúng ta ít ra cũng có ba yếu tố này:

Một là nội dung.

Hai là kế hoạch.

Ba là ý hướng.

Nếu trong nội dung dành cho Lời Chúa, lời Hội Thánh, và các hành vi thánh, tôi để chen vào những lời nói và những hành vi mang tính cách tục hoá, thì sẽ là một lỗi lầm tai hại.

Nếu trong kế hoạch thực hiện việc tổ chức lễ, tôi dùng những nhân sự thiếu khôn ngoan và thiếu phong cách đạo đức, với những phương tiện tồi tệ, thì cũng sẽ là một lỗi lầm phản chứng.

Nếu mọi sự được trôi chảy bề ngoài tốt đẹp, nhưng ý hướng bên trong của tôi là không trong sáng, như để phô trương, để lợi dụng kinh tế, để cạnh tranh uy tín, thì cũng sẽ là một lỗi lầm phá huỷ giá trị đạo đức.

Nếu ta biết thánh ý Chúa muốn về ta lúc này tại đây là dấn thân truyền giáo, ít nhất là bằng sự hiện diện bác ái, xót thương, đồng cảm đối với những người thiếu thốn khổ đau, nhưng ta vẫn dửng dưng, thì đó là một lỗi lầm gây hiệu quả xấu cho ta và cho Hội Thánh.

Những lỗi lầm trên đây do thiếu tỉnh thức đã và đang xảy ra. Nếu không sửa, những lỗi lầm ấy sẽ dẫn ta từng bước đi sâu vào diệt vong.

ù

Tới đây, chúng ta đã có thể thấy được phần nào những gì chúng ta phải vượt qua. Chúa biết ta luôn yếu đuối. Người sẽ giúp ta, nếu ta khiêm tốn đón nhận ơn Người cứu độ. Hơn nữa, chúng ta tin tưởng vào Ðức Mẹ Maria là Mẹ nhân từ của chúng ta. Mẹ đã vượt qua, để giúp con cái Mẹ vượt qua.

Ta càng có tinh thần khiêm tốn, nghèo khó, hèn mọn, bé nhỏ, ta càng được Ðức Mẹ dắt dìu với tất cả tình thương của người mẹ. Với Mẹ, ta sẽ đi trọn hành trình vượt qua, tới được đến cuộc sống mới chứa chan hạnh phúc, bên Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, mà ta khao khát được hưởng, đến muôn thuở muôn đời.

Long Xuyên, ngày 3 tháng 8 năm 2003