Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Năm Mới Và Sức Khoẻ

Ngày đầu năm 2004, lợi dụng lúc thấy mình dễ chịu về sức khoẻ, tôi đọc lại những tấm thiệp tôi đã nhận được từ nhiều nơi xa gần.

Hình thức các tấm thiệp rất khác nhau. Nội dung các lời chúc không có gì mới lạ. Nhưng điều giống nhau nhất là chúc tôi sang năm mới được nhiều sức khoẻ.

Trong lúc đang bệnh, tôi coi những lời chúc sức khoẻ như những tâm tình liên đới đầy thân thương, tế nhị.

Sức khoẻ là một giá trị lớn.

Sức khoẻ là một vấn đề mênh mông trong đạo ngoài đời.

Tôi không chuyên môn. Nên tôi xin phép mạo muội nói lên vấn đề này chỉ một chút thôi.

Những thứ sức khoẻ

Có bốn thứ sức khoẻ thường được nhắc đến:

 1/ Sức khoẻ thân xác

Sức khoẻ thân xác tuỳ thuộc vào sự hài hoà giữa các yếu tố làm nên sự sống một người. Như các hệ thống não, tim, phổi, thận, gan, bao tử, ruột, vv...

Thêm vào đó, nó còn tuỳ thuộc vào môi trường xung quanh. Như không khí, thời tiết, đồ ăn thức uống, tính tình những người cùng chung sống, vv...

Có cái nó phải hấp thụ. Có cái nó phải thích nghi. Có cái nó phải kháng lại. Sức hấp thụ, thích nghi và kháng lại còn tuỳ ở ý chí và tự do, tập quán của từng người.

 2/ Sức khoẻ tâm thần

Sức khoẻ tâm thần cũng là một sự quân bình gồm những yếu tố làm nên sự sống tâm thần. Nếu một người chỉ đề cao lý trí, muốn nó trở thành như một cái máy sản xuất tư tưởng, hay quá đề cao trí nhớ như một thư viện lưu trữ hoài niệm, còn cái tâm bị bỏ quên, thì sức khoẻ tâm thần sẽ gặp nguy lớn.

Ðời sống tâm thần cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi môi trường mình sống. Những dư luận, những hình ảnh, những lối sống, những cảnh an tĩnh hay náo động, luôn gây sức ép trên đời sống tâm thần. Có lúc mình phải thích nghi, có lúc mình phải đón nhận, có lúc mình phải kháng lại. Nhưng đâu luôn dễ.

 3/ Sức khoẻ xã hội

Sức khoẻ xã hội cũng là một sự hài hoà giữa những khuynh hướng trong một cộng đoàn. Như tính cá nhân, tính tập thể, khuynh hướng tự do, khuynh hướng trật tự, tinh thần trách nhiệm, tinh thần liên đới.

Sự điều chế và phát triển cân đối các mặt đạo đức, kinh tế, văn hoá, an ninh, trật tự, các thái độ đối với người bệnh, người già, người tàn tật, người mồ côi, vv... là những dấu chỉ về sức khoẻ một xã hội.

 4/ Sức khoẻ thiêng liêng

Sức khoẻ thiêng liêng hệ tại ở sự con người thông hiệp vào sự sống của Thiên Chúa và biết thực thi thánh ý Thiên Chúa.

Sức khoẻ này như vậy là rất khác ba sức khoẻ nói trên. Nó cần nhờ ơn thiêng. Nhưng ơn thiêng đòi phải có sự cộng tác của con người, bằng cầu nguyện, suy niệm và trung thành bước theo con đường Chúa gọi, để được vào Nước Trời.

Trên đây chỉ là một thoáng nhìn. Rất sơ sài, nhưng cho phép tôi đoán được nhiều vấn đề khó khăn chằng chịt trong một sự sống.

Có vấn đề mình giải quyết được.

Có vấn đề quá sức hiểu biết của mình và giải quyết của mình.

Một chọn lựa

Tôi nhận biết mình quá yếu đuối trong các vấn đề sức khoẻ. Ngay lúc này, ngày đầu năm 2004, tôi cũng chẳng khoẻ hơn ngày cuối năm 2003.

Tôi cảm thấy sức khoẻ tôi là rất mong manh. Ðã mong manh, lại còn giảm sút dần dần. Tôi không buồn. Trái lại, tôi cảm tạ Chúa về sức khoẻ còn lại và về những yếu đau.

Nói tới mong manh, tự nhiên tôi nhớ lại sự kiện hãi hùng xảy ra ngày 11 tháng 9 năm 2001, tại Hoà Kỳ.

Hai toà nhà tháp cao Manhattan, nơi được gọi là trung tâm kinh tế toàn cầu, tại Hoà Kỳ, đã sụp đổ một cách khủng khiếp.

Một công trình vĩ đại tưởng sẽ vững bền mãi mãi, bỗng trở thành chứng từ của sự mong manh.

Hơn nữa, sự kiện đó cũng như muốn nói lên điều mà Kinh Thánh luôn nhắc nhở là: Phải hoán cải đời sống, phải ưu tiên tìm sức khoẻ thiêng liêng. Nếu không, mọi công trình tự kiêu, tự hào, sẽ bị sụp đổ như tháp Babel kể trong Kinh Thánh.

Sự kiện tháp Babel bị sụp đổ đã được ghi lại trong sách thánh (quyển Sáng Thế) đoạn 11, câu 9.

Hai tháp Manhattan lại bị sụp đổ cũng đúng vào những con số đó. Tức ngày 11 tháng 9.

Phải chăng những con số này là một trùng hợp có ý nghĩa. Theo tôi, những sự kiện bất ngờ trên muốn đưa ra một cảnh báo rằng: Sức khoẻ thế giới đã tới giai đoạn nguy hiểm.

Sức khoẻ thế giới cũng liên đới với sức khoẻ Hội Thánh và sức khoẻ từng người chúng ta.

Vì thế, khi nhìn vào sức mạnh của tháp Babel bị sụp đổ được kể trong đoạn 11 câu 9 sách Sáng Thế, và khi nhìn thấy sức mạnh của tháp đôi Manhattan bị tàn phá ngày 11 tháng 9 năm 2001, tôi có một chọn lựa nhỏ cho riêng tôi.

Tôi quyết tâm luôn gắn bó với Thiên Chúa. Người là sự sống của tôi. Chính Người ban cho tôi hy vọng thực sự giữa muôn vàn thất vọng. Chính Người ban cho tôi sự bình an giữa những sụp đổ. Chính Người ban cho tôi ánh sáng và tình yêu giữa những quãng đường tối tăm đầy hận thù, sợ hãi. Chính Người là hạnh phúc bền vững của tôi giữa những phù du và mong manh.

Tôi xác tín mình rất yếu đuối về mọi mặt. Tôi thành thực nhận biết mình cần được cứu độ, cần phải sám hối, cần được tái truyền giáo. Tôi tin Chúa Giêsu là Tin Mừng cứu độ sẽ luôn là sự sống cứu độ của tôi.

Tôi nhìn Mẹ Maria là Ðấng đồng công cứu chuộc, là Ðấng trung gian, là trạng sư bầu chữa cho những người tội lỗi, sẽ luôn che chở tôi trong mọi hoàn cảnh, cho dù trong tôi mọi thứ sức khoẻ đều đang có vấn đề.

Tôi tin rằng: Có Mẹ Maria ở bên, ta sẽ an tâm. Dù sức khoẻ, dù bệnh tật đau yếu của chúng ta cũng có thể trở thành giá trị thiêng liêng. Mẹ có thể dùng cả những thành công lẫn những thất bại của ta để góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Nhưng điều quan trọng không nên coi thường, đó là Ðức Mẹ kêu gọi ta hoán cải, sám hối, đổi mới chính mình. Có điều đó, thì sức khoẻ hay bệnh tật đều trở nên khí cụ bình an của Chúa.

Long Xuyên, ngày 3 tháng 01 năm 2004