Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Tuần Thánh, Gặp Gỡ Chúa Giêsu

Tuần thánh là một thời gian đặc biệt. Trong thời gian đặc biệt này, Chúa Giêsu hẹn gặp tôi. Người gặp tôi như người cha hiền mong đợi đứa con phung phá. Người gặp tôi như người chủ chiên lành đi tìm con chiên lạc. Người gặp tôi như nguồn nước hằng sống muốn tràn vào tâm hồn tôi đang khô cạn.

Chúa Giêsu đợi chờ tôi dưới những hình thức dễ thương đó. Chờ đợi như thế là những mời gọi. Mời gọi âm thầm. Mời gọi dịu dàng. Mời gọi thân thương.

Chúa Giêsu tha thiết một điều là: tôi hãy đón nhận Người. Ðón nhận một cách tự do. Ðón nhận với tất cả thân phận của tôi. Tôi là gì, tôi có thế nào, thì cứ thế mà đón nhận Người.

Ðược Người thu hút, tôi đến với Người. Người vui mừng hơn tôi vui mừng. Chính Người khoác vào mình tôi những thái độ thiêng liêng, để sự gặp gỡ giữa Người và tôi trở thành thân mật.

 Thái độ khiêm nhường cảm tạ

Chúa đã nói với Maisen: “Ta muốn xót thương ai thì thương xót. Ta muốn cảm thương ai thì cảm thương” (Xh 33,19).

Lời đó cũng đã được thánh Phaolô nhắc lại trong thư gởi giáo đoàn Rôma.

Thánh Phaolô thêm: “Vậy, ai được chọn, thì không phải vì họ muốn hay chạy vạy, nhưng chỉ vì họ được Thiên Chúa xót thương” (Rm 9,18).

Những lời Chúa phán trên đây soi sáng cho tôi sự thực này là: Chúa gọi tôi, đợi chờ tôi, gặp gỡ tôi, chỉ vì Chúa thương tôi mà thôi. Chúa thương tôi, chỉ vì Chúa muốn thương tôi. Ðó là một tình thương cho đi nhưng không.

Phải hiểu “cho đi nhưng không” ở đây là cho đi cả mạng sống mình. Như lời thánh Phaolô nói: “Ðức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là người tội lỗi. Ðó là bằng chứng Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Ở đây “người tội lỗi” được dùng theo nghĩa chung chung. Còn đối với tôi, người tội lỗi khi chỉ về tôi, sẽ phải hiểu là rất tội lỗi. Nhận thức đó khiến tôi đón nhận Chúa với thái độ khiêm nhường cảm tạ. Tôi nghĩ khiêm nhường đến mức nào cũng vẫn không đủ, cảm tạ đến độ nào cũng vẫn là thiếu.

Cùng với thái độ khiêm nhường cảm tạ, Chúa Giêsu còn nhắn nhủ tôi thái độ tỉnh thức bén nhạy.

 Thái độ tỉnh thức bén nhạy

Chúa cho tôi nhớ lại lời Chúa phán xưa với các môn đệ: “Ít lâu nữa, các con sẽ không trông thấy Thầy. Rồi ít lâu nữa, các con sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16,19).

Lời Chúa phán trên đây cho tôi hiểu phần nào sự hiện diện của Chúa hiện nay trong thế giới nói chung và đối với từng người nói riêng.

Hiện nay, Chúa Giêsu không hiện diện một cách hiển nhiên, như thời Người xuống thế, ở giữa loài người 33 năm. Tôi không trông thấy Người. Nhưng, không trông thấy Người không có nghĩa là Người không hiện diện.

Thực sự, Người luôn hiện diện giữa chúng ta.

Hoặc bằng cách Người ẩn giấu mình trong các bí tích và Phúc Âm.

Hoặc bằng cách Người hiện diện kín đáo trong các người đạo đức thánh thiện.

Hoặc bằng cách Người nói nhỏ nhẹ qua các tín hiệu lớn nhỏ xảy ra hằng ngày.

Nhất là Chúa Giêsu hiện diện bằng cách Người dẫn đường chỉ lối qua Thần Khí của Người, để trong từng hoàn cảnh, chúng ta biết làm thế nào là thực hiện thánh ý Chúa.

Một ví dụ:

Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đừng rập theo thói đời này. Nhưng hãy biến đổi con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2).

Nhiều khi suy gẫm lời khuyên trên đây của thánh Phaolô, tôi thấy đó là một nguyên tắc tuyệt vời. Nhưng lúc đi vào cụ thể, tôi thấy khó quá. Lịch sử thì di chuyển, não trạng con người thì đổi thay. Trong nhiều hoàn cảnh cụ thể, nhiều thói đời được đánh giá như những nếp sống không đến nỗi xấu, trái lại một số thói đời cũng có thể coi là tương đối thuận lợi cho việc làm sáng danh Chúa. Nên tôi muốn rập theo những thói đời đó.

Nhưng, những trường hợp như thế, nếu tôi khiêm tốn, tỉnh thức và bén nhạy, nhất là cầu nguyện, tôi sẽ được Thần Khí phân định mọi sự theo Lời Chúa và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Nếu rập theo thói đời một cách nông nổi sẽ là thái độ không đón nhận Chúa, gây tai hại lớn cho việc gặp gỡ Chúa Cứu độ tôi.

Chính vì thế, mà Chúa đòi tôi một thái độ nữa, đó là thái độ vâng phục và phó thác.

 Thái độ vâng phục và phó thác

Thái độ này được coi như việc của đức tin. Một đức tin bừng cháy lửa mến. Tôi tin mến Người, nên tôi đặt con người của tôi và trọn đời tôi trong tình yêu của Người. Người là chủ đời tôi. Tôi không được làm tôi hai chủ, như lời Người dạy: “Người ta không thể làm tôi hai chủ” (Mt 7,24). “Phải vâng phục Chúa hơn là vâng phục người ta” (Cv 5,29).

Thái độ vâng phục đòi nhiều phấn đấu. Phải phấn đấu, để chỉ sống theo ý Chúa mà thôi. Có những phấn đấu rất cam go làm tôi nhớ lại cuộc phấn đấu của Chúa Giêsu ở vườn Cây Dầu: “Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha thôi” (Mc 14,36).

Có những phấn đấu trong cô đơn, tăm tối. Nhưng, tôi hy vọng Chúa Giêsu sẽ cùng với tôi nói lên lời phó thác: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Với thái độ vâng phục và phó thác, Chúa sẽ cho tôi vượt qua mọi thử thách, để tới Phục sinh rạng ngời hạnh phúc, bình an, vui mừng.

Ðể kết, tôi xin phép kể lại một chiêm bao kinh hoàng.

Tôi được chứng kiến một đoàn người đông đảo đi trên con đường dài. Ði đầu là Chúa Giêsu đội mão gai vác thánh giá, thất thểu bước đi, máu chảy đầm đìa, dưới những trận đòn thô bạo và những lờ xỉ vả của đoàn quân dữ.

Tiếp theo xa xa là một đoàn các thượng tế trong phẩm phục trang trọng, cờ quạt rợp trời, kèn trống inh ỏi, giữa những lời tung hô nhịp nhàng chúc tụng các thượng tế.

Sau cùng là một đoàn đông đảo những người què quặt, bệnh nạn, nghèo nàn, lê bước đi, với những tiếng rên não nùng thảm thiết.

Chiêm bao chỉ là chiêm bao. Nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi cảm thấy đau lòng. Muốn quên đi, mà không quên được. Phải chăng đó cũng là một khuyến cáo.

Hãy gặp gỡ Chúa Giêsu với hết tình cảm thương sự đau khổ của Người.

Hãy gặp gỡ những người nghèo khổ với sự chia sẻ số phận của họ, theo gương Chúa Giêsu.

Chớ chi, mọi lễ tế phụng vụ và lễ tế cuộc đời, không bao giờ thiếu vắng sự thương cảm chân thành và sâu sắc đối với Chúa Giêsu đau khổ và với đông đảo những con người khổ đau.

Thứ cảm thương đó đang trở thành những gặp gỡ làm chứng cho đức tin, mà tôi rao giảng.

Long Xuyên, ngày 18 tháng 03 năm 2004