Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Bình An

Nhà thờ Chánh toà Long Xuyên nhận Ðức Mẹ làm Bổn Mạng. Ðức Mẹ có nhiều tước hiệu. Nhà thờ Long Xuyên kính Ðức Mẹ mang tước hiệu Nữ Vương Hoà Bình.

Hoà Bình là một khát vọng thiết tha, nhưng lại là một thực tế mong manh.

 Mong Manh

Phúc Âm kể rằng: “Ðang khi Ðức Giêsu ra khỏi Ðền thờ Giêrusalem, thì một môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, Thầy xem: Ðá lớn thật! Công trình kiến trúc vĩ đại thật!. Ðức Giêsu đáp: con nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả sẽ bị phá đổ” (Mc 13,1-2).

Khi Chúa Giêsu phán những lời trên, tình hình còn rất ổn định, trong bình an, thịnh vượng. Nhưng chẳng lâu sau, lời Chúa đã ứng nghiệm. Không những đền thờ bị phá, mà dân của đền thờ cũng bị tan tác.

Sự kiện đó cho thấy: Hoà bình cũng như mọi sự gọi là hạnh phúc trên đời đều mong manh.

Suốt cuộc đời tôi như một hành trình dài, tôi đã thấy và đã cảm nghiệm sâu sắc tính cách mong manh, mà Chúa chỉ vào chính đền thờ Giêrusalem để nhắc nhở những người tin theo Chúa.

 Bất ngờ

Không những Chúa nhắc nhở về tính cách mong manh của hạnh phúc đời này, mà còn chỉ rõ tính cách bất ngờ của sự mất đi. Như dụ ngôn Chúa nói về nhà phú hộ. Ðang khi ông ta đinh ninh chắc chắn những gì mình có sẽ bảo đảm hạnh phúc lâu dài cho ông, thì Chúa bảo ông: “Ðêm nay, người ta sẽ đòi mạng ông. Những gì ông thu tích sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).

Mong manh và bất ngờ: Hai tính cách đó về cảnh đời Chúa đề cập đến không có nghĩa là Chúa muốn chúng ta đừng lo cho cuộc sống đời này. Dứt khoát là không. Ðiều Chúa muốn dạy ta là hãy quan tâm nhiều hơn đến việc làm giàu trước mặt Thiên Chúa (x. Lc 12,21), để có bình an thực sự và vững bền.

Thế nào là làm giàu trước mặt Thiên Chúa để có bình an thực sự và vững bền?

 Bình an thực và vững bền

Thiết tưởng đơn sơ chỉ thế này: Có chính Ðức Kitô ở trong ta. Người ở trong ta cùng với thánh giá cứu độ của Người. Như thánh Phaolô quả quyết: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá” (Gl 2,19). “Tôi cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ cõi chết” (Pl 3,10-11).

 Những dấu chỉ

Tại Việt Nam nói chung và tại địa phương này nói riêng, những người làm giàu trước mặt Chúa như vừa tả trên đây có đông không?

Tôi không biết con số chính xác. Nhưng tôi dám chắc con số đó không phải là ít. Tôi nhận ra họ ở mấy dấu chỉ này:

1/ Họ thao thức đón nhận Ðức Kitô. Qua việc tham dự thánh lễ, rước lễ, viếng Mình Thánh Chúa và cầu nguyện Lời Chúa.

2/ Họ được Ðức Kitô ban cho họ một trái tim nhạy bén, dễ xót thương những người đau khổ, những người còn xa Chúa và những người bỏ Chúa.

3/ Họ được tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu chia sẻ cho họ tinh thần hy sinh phục vụ, để họ trở nên khí cụ bình an của Chúa, trong gia đình, xóm ngõ, nghề nghiệp của họ.

Tất cả ba dấu chỉ trên đây của họ thường được Chúa bảo vệ, trong nếp sống khiêm tốn, âm thầm.

Ba giá trị quý giá đó trong nếp sống khiêm nhường đòi nhiều cố gắng, và phấn đấu. Những cố gắng và phấn đấu đó ví như thánh giá. Thánh giá đó đến từ tình yêu cứu độ của Chúa Giêsu. Thánh giá đó sẽ đưa ta tới vinh quang được chia sẻ từ vinh quang Chúa Giêsu.

Ðức Mẹ đã trở nên Nữ Vương Hoà Bình qua con đường thánh giá đó. Vì thế, Ðức Mẹ Nữ Vương Hoà Bình của chúng ta cầm thánh giá trong tay.

 Phó thác

Khi nhìn Ðức Mẹ, Nữ Vương Hoà Bình cầm thánh giá, và khi hiểu hoà bình là một ơn Chúa ban cho những ai đón nhận Ðức Kitô và thánh giá của Người, chúng ta mới thấy một bí quyết sau cùng, để được bình an. Bí quyết đó là sống đơn sơ bé nhỏ, như trẻ thơ trong tay Mẹ. Tất cả đều được phó thác trong tình Mẹ bao la. Tất cả đều gói trọn trong niềm cậy tin của đứa con yếu đuối luôn sát bên trái tim Mẹ hiền.

Ðời ta đã, đang và sẽ trải qua kinh nghiệm này: Xây dựng bình an là việc khó, nhưng bình an thường rất mong manh. Bình an dễ đổ vỡ bất ngờ. Nhưng ai đặt hy vọng vào Chúa, vào Ðức Mẹ, sẽ được ơn bình an thực sự và vững bền.

Bài giảng thánh lễ kính Ðức Mẹ, Nữ Vương Hoà Bình,
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 22/8/2004