Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Một Thoáng Suy Nghĩ
Sau Nobel Hoà Bình 2003

Ðầu tháng 10 này, nhiều luồng dư luận trên thế giới đã suy đoán rằng: Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có thể sẽ được trao tặng giải Nobel Hoà Bình 2003.

Càng đến ngày kỷ niệm 25 năm Giáo Hoàng của Ngài, suy đoán đó càng phồng lên như một quyết đoán.

Nhưng, sự việc đã xảy ra khác. Người được giải không phải là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, mà là một nữ luật sư Iran Hồi giáo.

Sự kiện này tự nhiên đặt ra cho nhiều người một vấn đề. Ðó là Tế nhị giữa Công giáo và Hồi giáo.

Riêng đối với tôi, vấn đề này là một gợi nhớ và là một linh cảm.

 Một gợi nhớ

Cách đây gần 20 năm, trong một bữa ăn trưa với Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đang khi nói chuyện về những thách đố lớn trong tương lai cho Giáo Hội, đột nhiên Ðức Giáo Hoàng hỏi tôi: Theo ý Ðức Cha, thì thách đố nào sẽ là lớn nhất?

Tôi trả lời: Theo ý con, thách đố lớn nhất sẽ là phong trào duy vật thực tiễn, tự do buông thả, như đang bắt đầu nổi lên tại Âu châu.

Sau một chút thinh lặng, Ðức Giáo Hoàng trả lời: Theo ý tôi, thách đố lớn nhất sẽ là Hồi giáo.

Ngài không giải thích gì. Nhưng tôi hiểu Ngài nhìn sâu và nhìn xa với lòng kính trọng Hồi giáo.

Lúc đó, tôi thực sự không quan tâm đến Hồi giáo. Dần dần tôi mới hiểu.

Ngày Chúa nhật, 12/12/1995, khi nói về thánh nữ Catarina, Ðức Giáo Hoàng đã khéo léo đưa ra những lời tế nhị, mà các nhà bình luận cho là Ngài đã muốn xin lỗi Hồi giáo về cuộc thập tự chinh do Toà Thánh Công giáo cách đây rất lâu đã chủ xướng đánh lại Hồi giáo. Ngài nói:

Ngày nay chúng ta phải biết ơn Thánh Thần Thiên Chúa đã đưa chúng ta đến sự hiểu biết rõ ràng rằng: Cách tốt nhất và đồng thời cũng là cách hợp với Phúc Âm hơn cả, để đối phó với các vấn đề có thể nảy sinh trong những liên hệ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hoá, đó là đối thoại kiên trì, vừa vững vàng và vừa kính trọng”.

Những lời trên đây gợi nhớ lại việc thánh nữ đã hăng hái vâng ý Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XI hô hào thánh chiến chống Hồi giáo. Thập tự chinh này đã kéo dài qua nhiều giáo triều: Calixtô III, Piô II và Phaolô II.

Trong quá khứ, thập tự chinh xem ra được hiểu là cuộc chiến do Công giáo chủ trương tấn công Hồi giáo.

Ngoài thập tự chinh, Công giáo còn có một số sách thần học kết án Hồi giáo là một tà giáo. Những trang đó lại được viết ra bởi những vị thánh, như Gioan Damascenô và thánh Tôma.

Tất cả những việc đáng tiếc như trên, nên được hiểu trong thông cảm do bối cảnh lịch sử và não trạng thời đó.

Tuy nhiên, những chữ viết và những cuộc chiến đã làm cho hai tôn giáo xa nhau.

Năm 1982, dịp Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm nước Nigeria, phía Công giáo đã tổ chức mời đại diện Hồi giáo và các tôn giáo khác tới gặp Ðức Giáo Hoàng. Nhưng đại diện Hồi giáo đã từ chối lời mời.

Năm 1995, dịp Ðức Giáo Hoàng đến thăm nước Kenya, ban tổ chức cũng đã mời đại diện Hồi giáo. Họ cũng từ chối lời mời.

Năm 1994, Thượng Hội đồng các Giám mục Phi châu được triệu tập ở Roma. Một số người Hồi giáo quá khích đã gọi đó là một thập tự chinh chống Hồi giáo.

Vài gợi nhớ trên đây cùng những thời sự từ mấy năm gần đây và cả hiện nay cho tôi thấy điều mà Ðức Giáo Hoàng chia sẻ cho tôi cách đây gần hai chục năm là một cái nhìn tiên tri. Tôi không hiểu cái nhìn tiên tri đó sẽ được giải quyết thế nào. Tôi chỉ có một linh cảm là vấn đề sẽ còn rất phức tạp, nếu không có một phấn đấu hợp ý Chúa.

 Một linh cảm

Trong cuốn “Ba cám dỗ trong Hội Thánh” (Trois tentations dans l'Eglise) tác giả Alain Besançon đã trình bày khá rõ sức thu hút hiện nay của Hồi giáo.

Thu hút nhất là một đức tin rất mạnh. Ðức tin đó được lan toả ra trong mọi sinh hoạt đời sống hằng ngày. Ngay từ sáng sớm, người ta nghe các nơi vang lên tiếng gọi cầu nguyện. Nhiều nơi, người ta thấy những đoàn đông đảo tuốn đến thánh đường. Chỗ nào bất cứ, người ta cũng dễ gặp thấy những người cầm trong tay Kinh Thánh Coran. Ngày ngày, người ta chứng kiến những đám đông quỳ sấp mặt xuống đất cầu nguyện.

Tín đồ Hồi giáo sống tin tưởng, xác tín với đức tin của mình. Tin như thấy một sự thánh thiêng hiển nhiên, rõ ràng.

Cuộc sống đức tin rất mạnh đó là một vẻ đẹp. Cộng thêm vào đó là một xã hội truyền thống trật tự, đầm ấm, liên đới. Với một nền văn hoá riêng biệt, không thiếu những giá trị vừa linh thiêng lại vừa hiện đại. Tất cả đều do một tôn giáo được coi là vừa tự nhiên vừa do mạc khải từ trời.

Trước một thế giới như vậy, nếu các người công giáo sống đức tin chỉ hời hợt, luôn bất mãn với xã hội của mình, nghiêng về cá nhân chủ nghĩa, thì dần dần sẽ tự mình chìm vào một thế giới khác.

Riêng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mở ra con đường đối thoại. Nhất là từ năm 1986 với biến cố đại kết Assisi, người ta ghi nhận đã có một số biến chuyển tốt.

Nhưng, xem ra còn chưa thấy được chân trời của sự tha thứ lẫn nhau.

Chân trời của sự tin tưởng nhau.

Chân trời của những chân lý chung.

Chân trời của những trách nhiệm chung.

Chân trời của sự cầu nguyện chung.

Thiết tưởng đây là một thách đố lớn không riêng cho tôn giáo nào, mà cho chung nhân loại.

Ðức Thánh Cha đã phấn đấu rất nhiều, bằng cuộc sống cầu nguyện, bằng cuộc đời hy sinh đầy đau đớn, bằng những vận động không mỏi mệt cho hoà bình thế giới và công việc đại kết giữa các tôn giáo, nhất là với Hồi giáo.

Tôi tin rằng Ngài đã làm tròn trách nhiệm.

Còn chúng ta, theo gương Ngài, chúng ta có một cái nhìn xa nào về một thách đố nào đó xuất phát từ các tôn giáo xung quanh ta không? Nếu có, chúng ta có những giải quyết nào, hợp với ý Chúa? Và nhất là chúng ta đã và đang thực hiện ý Chúa về thách đố đó thế nào?

Tình hình không đơn giản đâu. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần lắng nghe và thực thi Lời Chúa sau đây:

Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt lại yếu đuối” (Mc 14,38).

Long Xuyên, ngày 19 tháng 10 năm 2003