Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Bệnh Nhân Là Chứng Nhân

Trong bất cứ thánh lễ nào, tôi cũng lãnh nhận được nhiều ơn thánh. Nhưng thánh lễ dành cho các bệnh nhân thường là cơ hội, để tôi lãnh nhận được nhiều ơn thánh hơn, nhờ những lễ vật cao quý khác thường.

Không phải bệnh tật là những lễ vật cao quý. Nhưng cao quý là chính những người mang gánh nặng bệnh tật. Bệnh tật được đặt trên những tấm lòng nghèo khó. Ðơn sơ chỉ với niềm tin, lửa mến và tâm tình phó thác. Nhất là với sự phù trợ âm thầm của Chúa Thánh Linh.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ rằng: “Khi Ðấng phù trợ đến, Ðấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha. Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha. Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em sẽ làm chứng về Thầy, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15,26-27).

Dựa trên lời Chúa Giêsu hứa trên đây, tôi nhìn mọi môn đệ Chúa là các chứng nhân. Nhưng một trong các loại chứng nhân đặc biệt chính là những bệnh nhân có ơn Chúa Thánh Thần.

Nội dung làm chứng về Chúa của họ không cần tìm ở đâu xa. Bởi vì nội dung đó, họ tìm được ngay từ Phúc Âm, từ Chúa, từ tình trạng bệnh tật của chính mình.

Nội dung đó rất súc tích. Nhưng tôi để ý đến ba điều sau đây:

 Ðiều thứ nhất họ làm chứng là một đức tin vững mạnh sáng suốt

Thực vậy, đức tin nơi nhiều người bệnh cho thấy rõ ý nghĩa cuộc đời. Ðời người như một chuyến đi về Nhà Cha trên trời. Chuyến đi này có nhiều quãng khác nhau. Có quãng sáng sủa, đầy niềm vui. Có quãng u ám với nhiều cạm bẫy. Có quãng như bị chặn bởi những giông tố bệnh tật, đau đớn. Nhưng đức tin cho các bệnh nhân nhận ra quãng đường nào cũng có Chúa hiện diện. Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Người ở bên. Người chỉ dạy. Người dắt dìu. Người đỡ nâng. Người thanh luyện. Người kêu gọi sám hối, nếu con người lỡ lầm. Người tha thứ, khi con người trở về. Người giúp con người đứng dậy, khi họ kêu xin.

Ðức tin cho thấy chết là luật chung, nhưng chết rồi sẽ có phục sinh. Ðể được sống lại vinh hiển, thì phải chết lành. Ðể được sống lại trong cõi sống của Thiên Chúa, thì phải chết đi về phía tội lỗi. Ðể được tham dự vào hạnh phúc trường sinh, thì phải chết đi về phía những gì trái với hạnh phúc đó.

Các bệnh nhân được ơn Chúa Thánh Thần sẽ sống các chân lý cứu độ ấy với chính cuộc sống đau bệnh của mình. Dù mang bệnh tật và đau đớn, họ có thể nhìn các giá trị cuộc đời với cái nhìn rõ hơn, sâu hơn, xa hơn và chính xác hơn.

Chúa Giêsu hứa: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thực toàn vẹn” (Ga 16,13). Sự thực toàn vẹn do Chúa Thánh Thần ban cho các bệnh nhân sẽ giúp họ làm chứng những đau đớn trong đời sống có ý nghĩa nào, có mục đích nào.

Trong cái nhìn đó, họ sẽ lợi dụng mọi giây phút khổ đau, để mến Chúa. Mến Chúa nhiều hơn trước, mến Chúa với ý nguyện dâng hiến mạnh mẽ và chân thành hơn trước. Cùng với lòng mến Chúa, họ sẽ cầu nguyện nhiều hơn trước.

 Ðiều thứ hai họ làm chứng là tinh thần cầu nguyện

Trong Kinh Thánh, Chúa nhắn nhủ: “Cha đứng ngoài cửa và gõ. Ai nghe và mở cửa ra, thì Cha sẽ vào” (Kh 3,20).

Tiếng Chúa gọi bao giờ cũng rất nhỏ nhẹ, nhưng người bệnh thường nghe thấy một cách dễ dàng, vì người bệnh thường rất mong được gặp Chúa. Họ mở cửa lòng hầu như thường xuyên, để đón Chúa. Với họ, gặp Chúa đã là một cách cầu nguyện.

Tôi thường thấy các bệnh nhân cầu nguyện một cách rất hồn nhiên, đơn sơ. Có khi chỉ bằng vài lời, chỉ bằng một cái nhìn, chỉ bằng một cử chỉ cầm lấy ảnh tượng thánh và chuỗi Mân côi.

Ðiều mà họ khát mong nhất, khi gặp Chúa, là ơn bình an. Bình an cho mình, bình an cho những ai chăm sóc mình, bình an cho tất cả những người thuộc về mình. Sự bình an mà họ xin với Chúa, là sự bình an hợp với thánh ý Chúa.

Tôi có kinh nghiệm là khi xin ơn bình an theo thánh ý Chúa, người bệnh sẽ được nhận lời. Họ sẽ cảm nhận được sâu sắc một sự bình an thiêng liêng từ Chúa ban cho. Chính sự bình an đó sẽ là một chứng từ để bệnh nhân làm chứng về Chúa.

 Ðiều thứ ba họ làm chứng là ơn liên đới

Với ơn Chúa, người bệnh sẽ nhận ra sự bình an của mình do bao người gần xa đã và đang góp phần vào. Họ biết ơn tất cả những người đã sống liên đới tích cực với mình. Với ơn Chúa, người bệnh sẽ dâng cuộc đời mình làm thánh lễ, để cầu cho Hội Thánh, cho Quê Hương, cho gia đình, cho những người thân, cho những người còn xa Chúa. Họ thực sự đồng cảm, đồng hành với chính Chúa Cứu thế trong việc cứu đời.

Họ biết mình sống tốt và chết lành nhờ bao người khác. Họ biết mình sống tốt và chết lành, để góp phần vào công cuộc cứu độ bao người gần xa.

Ðến trước toà Chúa, họ sẽ làm chứng cho bao người đã có lòng tốt giúp đỡ họ. Bao người cũng sẽ làm chứng là họ đã được ơn trở lại nhờ bệnh nhân này, bệnh nhân kia. Nhất là chính Chúa Giêsu sẽ khen thưởng cho những ai đã có lòng thương xót đối với nhau, như lời Người đã hứa: “Phúc thay ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).

Người bệnh có thể nhận được nhiều liên đới tốt.

Người bệnh có thể cho đi nhiều liên đới tốt.

Người bệnh có thể ở mãi trong trái tim Chúa là biển cả đầy liên đới tình yêu thương xót.

Biết ở trong biển cả liên đới, biết nhận được và biết cho đi những liên đới tốt là một ơn quí giá.

ù

Với những chia sẻ trên đây, tôi mong mọi người tin Chúa sẽ có một cái nhìn mới mẻ về tiềm năng thiêng liêng của bệnh nhân. Và từ cái nhìn mới mẻ đó, chúng ta sẽ đặt các bệnh nhân vào một địa vị quan trọng trong cộng đồng. Cùng với họ, chúng ta sẽ thực hiện chuyến đi về với Chúa Cha trong sự đồng cảm, đồng hành với Chúa Giêsu, nhờ ánh sáng và lửa mến đầy bình an của Chúa Thánh Thần.

Trong sự bình an của Chúa Thánh Thần, giờ đây, tôi đang nhìn Ðức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Giám mục Thánh Hoá, vừa tới nhà Cha. Nhà Cha là nơi mọi người chúng tôi, nhất là các bệnh nhân, hẹn sẽ gặp nhau, để được sống hạnh phúc đời đời bên cạnh Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót.

Bài giảng thánh lễ dành cho các bệnh nhân
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên
ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 8 tháng 6 năm 2003