Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Truyền Giáo Và Truyền Chức

Trên đường truyền giáo, nhất là trong năm Truyền giáo này, tôi hay nhớ lại ngày truyền chức linh mục và ngày truyền chức giám mục của tôi. Bởi vì những ngày ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên. Tôi xin phép được chia sẻ đôi chút với lòng cảm tạ Chúa và nhớ ơn Hội Thánh.

 Dấu chỉ trong những lễ chịu chức

Tôi chịu chức Linh mục ngày 02 tháng 7 năm 1955. Nơi chịu chức là Hồng Kông, trong Nhà Nguyện của Dòng Ðaminh, trên đồi Rosary.

Lễ truyền chức được tổ chức trong âm thầm và rất đơn sơ. Số người dự không tới 100. Gồm nội bộ Nhà Dòng và lớp chủng sinh di cư.

Tới giờ chịu chức, tôi sợ hãi, bồn chồn khi thấy mình quá bất xứng, quá yếu đuối, nên muốn rút lui, nếu cha Linh hướng không kịp thời trấn an.

Lúc Ðức Giám Mục đặt tay trên đầu tôi và đọc lời nguyện phong chức, tôi cảm thấy một khối nặng vô hình dần dần đè trên người tôi. Rất nặng, rất lâu. Cảm giác đó như một trực giác về một cuộc đời mới, mà tôi bắt đầu bước vào.

Lúc đó, tôi chưa hiểu lắm. Nhưng với thời gian, tôi hiểu dần dần. Nhất là khi chịu chức giám mục.

Tôi chịu chức Giám mục ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nơi chịu chức cũng là một nhà nguyện nhỏ. Ðó là nhà nguyện Tiểu Chủng viện Têrêsa, Long Xuyên.

Lễ truyền chức đã diễn tiến một cách hết sức đơn sơ, hết sức vắn gọn. Số người dự lễ chỉ vài chục người.

Từ đầu thánh lễ đến cuối thánh lễ, tôi cảm thấy như một dây chuyền gánh nặng vô hình lặng lẽ chồng chất trên người tôi.

Cảm giác đó làm tôi nhớ lại khối nặng vô hình tôi đã cảm nghiệm sâu sắc ngày chịu chức Linh mục.

Tôi hiểu những cảm nhận đó mang ý nghĩa của những dấu chỉ. Chúa dùng những dấu chỉ đó để nói vào trái tim tôi.

Trải qua những năm dài trong đời truyền giáo, nhờ những dấu chỉ Chúa đã ghi khắc vào tâm hồn những ngày chịu chức, dần dần tôi nhận rõ những điều sau đây:

 Nhiệm vụ làm chứng nhân

Chịu chức linh mục và chức giám mục, riêng đối với tôi, là nhận ơn gọi ra đi truyền giáo. Ra đi truyền giáo là ra đi làm chứng nhân về Chúa Giêsu.

Làm chứng nhân về Chúa Giêsu là làm chứng rằng tôi đã gặp Người, tôi đã có kinh nghiệm phần nào về Người. Người là tình yêu thương xót. Người là trái tim cứu độ. Cứu độ không phải bằng quyền lực, nhưng bằng tình yêu đầy hy sinh. Hy sinh tự ý sống giữa những người nghèo. Hy sinh tự ý sống thân phận kẻ lầm than, bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị oan ức, nhục nhã, nhọc nhằn. Hy sinh đến tự ý nhận án chịu treo trên thánh giá. Chính tôi đã được Người cứu độ bằng tình yêu ấy.

Công việc làm chứng như vậy đòi hỏi chính mình phải sống gắn bó với Chúa Giêsu, để đời sống mình trở thành như một tấm gương phản chiếu dung mạo Chúa Giêsu.

Khi hiểu như vậy, thì những chức tước nơi tôi, mà thói đời trọng vọng, bỗng trở thành quá lạc lõng trong việc làm chứng tôi là chứng nhân thực sự của Chúa. Làm chứng bằng đời sống khó nghèo khiêm tốn, bác ái hy sinh thường sẽ rất ái ngại với những gì là sang trọng phải khoác vào mình. Làm chứng bằng đời sống là phải chấp nhận biết bao đòi hỏi để nên người môn đệ Chúa, một Ðấng đã nói rõ: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Kinh nghiệm cho tôi thấy: Nhận thức mình là người được sai đi làm chứng nhân cho Chúa Giêsu bằng đời sống của mình là điều khó thực hiện đúng và sâu sắc được qua những lớp học. Thường phải qua những ngày đêm dài trong sa mạc tâm hồn, để cầu nguyện, chay tịnh và tỉnh thức khiêm cung – trước những soi dẫn của Thần Khí Ðức Kitô. Phương chi thực hiện được hằng ngày những nhận thức đó. Trách nhiệm ấy rất nặng nề.

Nặng nề nhất là do chính bản thân tôi yếu đuối.

Rất may là Chúa chọn cho tôi một cách thích hợp, để sống ơn gọi ra đi làm chứng nhân trên đường truyền giáo. Cách đó là sống tinh thần thơ ấu thiêng liêng.

 Tinh thần thơ ấu thiêng liêng

Tôi tạ ơn Chúa, vì khi Chúa cho tôi cảm được một dấu chỉ về những gánh nặng trên đường truyền giáo, thì đồng thời Chúa cũng cho tôi một dấu chỉ về cách mang những gánh nặng đó.

Dấu chỉ đó là, một lời Chúa hiện lên gây nên một cảm xúc mới. Lời Chúa đó là: “Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10,15). Phúc Âm còn thêm: “Rồi Chúa ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,16).

Lời Chúa và cử chỉ âu yếm trên đây của Chúa Giêsu đã cho tôi ánh sáng và tình yêu sức mạnh.

Tôi đón nhận trách nhiệm ra đi làm nhân chứng cho Chúa, với tinh thần thơ ấu.

Trước hết, tôi luôn cầu nguyện. Cầu nguyện một cách đơn sơ. Nhìn Chúa, hoặc nghĩ đến Chúa bằng tất cả trái tim yêu mến. Yêu mến chính là cầu nguyện. Trẻ thơ hay làm như thế.

Tiếp đó, tôi hay hỏi ý Chúa. Việc lớn việc nhỏ, tôi cũng thấy đều là khó đối với tôi. Nên tôi như trẻ nhỏ, cứ hỏi ý Chúa muốn thế nào. Chúa không mấy khi trả lời rõ. Nhưng Người tập cho tôi tìm ra ý Người. Người bắt tôi phải tìm kiếm, phải khao khát thánh ý Người. Cuối cùng thường là Người dạy lối chỉ đường cho tôi qua nhiều cách khác nhau.

Ðồng thời, Người vẫn đối xử với tôi, như người mẹ đối với con thơ. Vẫn gần bên. Vẫn an ủi. Vẫn che chở. Còn tôi, tôi gắng làm những việc lành nhỏ dâng cho Người, vẫn đi từng bước nhỏ.

Ðặc biệt là Người đánh thức lương tâm tôi, nhất là khi sống với những tình hình coi như thành công, bình lặng. Ðánh thức để đừng ảo tưởng hễ được thành công, được chiều chuộng là dấu chỉ Chúa hài lòng với tôi.

Như một đứa trẻ, tôi hay mơ về một tương lai đẹp, và cố gắng không ngừng phấn đấu để tới gần theo ý Chúa.

Hơn nữa, Chúa luôn khích lệ tôi hãy đào tạo những chứng nhân. Vì thời nay, truyền giáo thường là qua những chứng nhân. Nhất là những chứng nhân tha thiết dấn thân cho bác ái, để làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu. Một bác ái thực sự phát xuất từ một nội tâm sáng rực lửa mến Chúa. Một bác ái đối với mọi người, nhất là đối với những kẻ khốn cùng, lầm lạc. Một bác ái thực sự diễn tả được một đức tin sống động. Một bác ái dấn thân theo Chúa Giêsu đến cái chết trên thánh giá, để được phục sinh. Ðó là hành trình truyền giáo.

Nhất là, với tinh thần thơ ấu, tôi hiểu vai trò của ơn thánh một cách dứt khoát hơn. Lời “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5) luôn sống động trong tôi.

Sau cùng, với tinh thần thơ ấu, tôi cậy tin vào lòng xót thương Chúa và lòng bao dung của mọi người trước những lỗi lầm của tôi. Tôi luôn sẵn sàng lìa cõi đời này trong tâm tình phó thác. Hai bàn tay không mang theo gì. Chỉ có niềm tin vào Chúa giàu tình yêu thương xót. Như con trẻ, rất nghèo, nhưng bình an vì tin mình được tình yêu vô biên vững bền ấp ủ.

Tinh thần truyền giáo nhận được từ những ngày truyền chức của tôi đơn sơ thế thôi. Nhưng thực đó là một hồng ân, mà tôi sẽ cảm tạ Chúa đến muôn đời.

Long Xuyên, ngày 02 tháng 03 năm 2004