Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Tấm Lòng Ðối Với Phép Thánh Thể

Thánh lễ chiều thứ năm tuần thánh nhắc lại bữa tiệc ly trong Phúc Âm. Ðây là bữa ăn cuối cùng, trước khi Chúa Giêsu chia ly các môn đệ.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu để lại những trối trăng quan trọng. Ðặc biệt là giới răn yêu thương. Yêu thương trở thành dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương của người môn đệ Chúa phải khiêm nhường, giống như người quỳ xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình.

Thêm vào giới răn yêu thương, còn một trối trăng khác quan trọng hơn, đó là phép Thánh Thể.

Chúa Giêsu lập phép Truyền Chức Thánh, chủ yếu để tiếp tục sự hiện diện của mình qua Bí tích Thánh Thể.

Ta thường gọi Bí tích Thánh Thể là lương thực thiêng liêng. Gọi thế là đúng. Nhưng cần hiểu sâu hơn, để phép Thánh Thể được tin nhận là một lương thực khác mọi thứ lương thực người ta vốn hiểu.

Ở đây, tôi không thể nói đủ. Tôi chỉ xin chia sẻ vắn tắt vài chân lý, rút từ Phúc Âm, và cũng từng được cảm nghiệm qua đời sống với phép Thánh Thể.

Trước hết, trong phép Thánh Thể có Chúa Giêsu hiện diện thực sự. “Ðây là Mình Ta. Ðây là Máu Ta” (Ga 14,22-23), đó là một xác quyết do chính Chúa Giêsu nói. Chúa Giêsu hiện diện ở đó một cách sống động, với tất cả trái tim đầy tình yêu cứu độ của Ngài.

Vì thế, khi đến với phép Thánh Thể, chúng ta nên thực hiện mấy việc đơn giản sau đây:

Việc thứ nhất là tin.

Ở đây, tin có nghĩa là nhìn thấy Chúa Giêsu. Nhìn thấy Ngài bằng con mắt đức tin, dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Mỗi người chúng ta đều sẵn có một số hình ảnh về Chúa Giêsu. Nếu chúng ta nhìn Ngài theo một hình ảnh chúng ta quen trìu mến, thì đó cũng là một cách nhìn gợi ý. Ðến một trình độ đạo đức cao, ta sẽ không nhìn Chúa theo một hình ảnh nào nữa, mà sẽ nhìn Chúa như một Ðấng thiêng liêng, đầy sự sống, đầy tình yêu thương, đầy ánh sáng cứu độ.

Kèm theo việc nhìn Chúa Giêsu là việc nghe lời Ngài. Ta đã nghe biết bao lời Ngài qua Phúc Âm. Nhưng không cần ta nhớ hết. Ta cần nhớ lấy một vài lời của Ngài hợp với hoàn cảnh của ta hơn. Thí dụ, tôi đang ở trong tình trạng thiếu thốn quá nhiều về sự sống, nhìn theo mọi phương diện, nên lời Ngài thích hợp với tôi sẽ là: “Thầy đến để con được sống, và được sống dồi dào” (Ga 10,10). Kinh nghiệm cho tôi thấy, nếu tôi khiêm nhường và khao khát lắng nghe Chúa, thì Chúa sẽ gởi vào hồn tôi một lời rất thích hợp. Lời ban sự sống. Lời chữa lành tâm hồn. Lời chia sẻ sự bình an của Chúa.

Thêm vào việc tin Chúa bằng nhìn Chúa và nghe Chúa, sẽ còn một việc rất quan trọng. Ðó là việc dấn thân.

Việc thứ hai là dấn thân.

Dấn thân là trao đời mình cho Ngài. Dấn thân là yêu mến Ngài, cậy trông Ngài. Dấn thân là hứa sẽ làm việc này việc nọ tốt lành, để kết hợp với Ngài thân mật hơn. Dấn thân là quyết tâm dứt bỏ việc này việc nọ không tốt, để không còn làm đau lòng Ngài. Dấn thân là dâng phó đời mình cho Ngài với tâm tình đơn sơ tin tưởng.

Việc dấn thân như thế có tính cách của một sự tái sinh, của một sự trở về với Chúa, của một sự đổi mới cuộc đời.

Như vậy, phép Thánh Thể sẽ đến với chúng ta, như một gặp gỡ thân mật của Chúa Giêsu. Gặp gỡ để ta được tham gia vào sự sống của Chúa, để ta được nên con Chúa mỗi ngày mỗi xứng đáng hơn.

Tôi thấy rằng: Chúa Giêsu sẽ không gặp ta qua các lý luận, các lý thuyết, mà qua cái tâm của ta. Cái tâm của ta càng đơn sơ khiêm tốn, khát khao, thinh lặng càng dễ đón nhận Chúa. Cái tâm của ta càng nhận biết mình nghèo nàn, hèn yếu, càng sẽ dễ tin nhận ra Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ của ta.

Với chia sẻ trên đây, tôi xin anh chị em vui lòng thực hành ngay, thực hành tốt những việc đơn sơ dễ nhớ, tôi vừa trình bày. Xin Chúa Giêsu, trong lễ ly tiệc này, sẽ là Ðấng cứu độ sống động thân thiết của từng anh chị em. Xin anh chị em biết đón nhận Ngài như Ðấng cứu độ mà anh chị em đang rất cần. Thực sự Ngài là Ðấng cứu độ của chúng ta. Chúng ta chỉ có Ngài là Ðấng cứu độ duy nhất. Chúng ta tin Ngài. Chúng ta yêu Ngài. Chúng ta đón Ngài và xin Ngài ở lại mãi trong ta.

Bài giảng thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 17 tháng 4 năm 2003