Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Dâng Mình

Trong tháng dâng hoa kính Ðức Mẹ, tôi thấy nghi lễ dâng hoa thường được tổ chức tại nhà thờ.

Dâng hoa là dâng bông hoa. Thường là những bông hoa đẹp, thơm và quí.

Cùng với dâng hoa là hát hoa và múa hoa. Nhiều tâm tình đạo đức được gởi vào đó. Hoa trở nên như những hoa cầu nguyện.

Riêng tôi, tôi kết hợp việc dâng hoa với việc dâng mình. Mình là bản thân tôi, là cuộc đời tôi, là những vấn đề của riêng tôi.

Nơi tôi dâng mình có thể là nhà thờ, mà cũng có thể là nhà riêng. Thời gian rất tự do. Lúc nào cũng được.

Nếu việc dâng mình có kèm hoa thơm đẹp, thì sẽ là một dịp vui khích lệ. Nếu không có hoa thơm đẹp, thậm chí chẳng có hoa nào, thì việc dâng mình cũng vẫn thực hiện được.

Những gì tượng trưng cho đời tôi sẽ chẳng có giá gì về mặt kinh tế, nhưng sẽ có giá về mặt thực tế. Nghĩa là chúng nói lên thực tế bản thân tôi và cuộc đời tôi.

Với ý niệm đó, tôi thường đặt trước ảnh tượng Ðức Mẹ những thứ rẻ tiền. Thí dụ:

 Một khúc cây sậy

Cây sậy là một loài cây thường mọc ở ven sông. Ðặc tính của nó là mỏng manh, dễ bị giập. Khi bị gió đánh, nó nằm rạp xuống vì nó yếu đuối.

Kinh Thánh đã đôi lần nhắc đến cây sậy. Trong bài ca “Người tôi trung”, tiên tri Isaia đã ngợi khen Ngài là Ðấng nhân lành: “Cây sậy bị giập, Ngài không đành bẻ gẫy” (Is 42,3).

Tôi nhìn cậy sậy yếu ớt, bị gẫy, là hình ảnh chính bản thân tôi. Tôi nhiều lần bị gẫy. Nhưng Chúa vẫn thương xót tôi. Tôi dâng lên Mẹ cuộc đời tôi gẫy giập như cây sậy. Nhưng cây sậy đó là chứng tích của tình thương. Nó yếu hèn, mỏng manh, nhưng vẫn được nâng niu. Mẹ dạy tôi sự thực đó. Nên hoa mà tôi đặt trước mặt Mẹ, để Mẹ dâng lên Chúa, chỉ là thứ hoa thiêng. Nó là công trình của lòng thương xót vô biên của Cha trên trời.

Thánh sử Luca ghi lại lời Chúa Giêsu có lần nói tới cây sậy: “Anh em xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơi trước gió chăng? Hẳn là không...” (Lc 7,24). Ðúng là chẳng ai đi tìm xem cây sậy. Sẽ chỉ mất công, tốn của, phí thời giờ. Nhưng, nếu đó là cây sậy làm chứng cho lòng thương xót Chúa, thì dù không ai để ý đến nó, tự nó vẫn là bài ca cảm tạ tình Chúa xót thương.

Ngoài vài khúc cây sậy, tôi vẫn thường dâng mình qua vài hạt lúa.

 Vài hạt lúa

Vài hạt lúa có là gì đâu? Muốn có mấy hạt lúa là có ngay. Dễ lắm. Nhưng, tôi quí mấy hạt lúa, vì một ý nghĩa của nó trong Kinh Thánh. Chúa Giêsu phán: “Thật, Thầy bảo thật các con, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái” (Ga 12,24).

Tôi nhìn hạt lúa với lời Chúa nhắc nhở trên đây. Chúa nói lời đó cho các môn đệ. Chúa nói lời đó với tôi.

Ðời tôi phải là hạt lúa sẽ phải chết đi. Cái chết của những môn đệ Chúa không phải là cái chết do tắt thở, khi hồn lìa xác. Nhưng là cái chết mỗi ngày do thực hiện lời Chúa dạy: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không thể làm môn đệ Thầy” (Lc 19,27).

Thập giá đời mình là những phấn đấu, để sống theo thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa về mỗi người môn đệ Chúa sẽ không thể kể hết. Có những thánh giá coi như nhỏ, nhưng đặt trên vai mới thấy nặng.

Trong một lối sống, mà tiền bạc, địa vị, danh vọng, nhàn hạ đang trở thành những giá trị người ta phấn đấu, để cạnh tranh hưởng thụ, thì người môn đệ Chúa sẽ như hạt lúa có sứ mạng phải chết đi một cách thiêng liêng. Ðể được thế, họ hết sức cậy nhờ ơn Chúa, mới có hy vọng chu toàn ơn gọi đời mình. Nhất là khi bản thân mình càng ngày càng bước sâu vào tuổi già và bệnh tật, mệt mỏi, đau đớn triền miên. Những lúc đó, tôi có thể dâng mình qua những lễ vật tượng trưng khác như:

 Cọng rơm khô héo

Cọng rơm khô héo”, đó là lời ông Gióp xưa đã thưa với Chúa về số phận ông. Ông nói: “Có phải điều Chúa muốn là làm run rẩy chiếc lá rụng gió thổi bay, hay theo đuổi một cọng rơm khô héo” (G 17,25).

Lời than trên đây rất buồn, nhưng vẫn là một lời cầu nguyện chân thành phát xuất tự đáy lòng tan nát đớn đau.

Sau này, thánh vương Ðavít cũng sẽ có những lời cầu xin thảm thiết như vậy. Chẳng hạn:

Rên siết đã nhiều, nên con mệt mỏi.
Trên giường ngủ những thổn thức năm canh, từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối
” (Tv 6,7).

Lạy Chúa, xin đoái thương vì con đang kiệt sức.
Xin chữa lành con, vì gân cốt rã rời
” (Tv 6,3).

Nhưng tiếp theo những nguyện cầu than vãn là hy vọng cứu thoát. “Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn. Chúa đã nhậm lời tôi cầu xin” (Tv 6,10).

Cùng với thánh vương Ðavít, tôi quả quyết hy vọng của tôi là ở nơi Chúa.

Dù tôi là cây sậy,

Dù tôi là hạt lúa,

Dù tôi là cọng rơm,

Tôi luôn tin tưởng. Vì cậy sậy ấy, hạt lúa ấy, cọng rơm ấy đã được Chúa đoái nhìn.

Chính Mẹ cầu bầu cho tôi. Tôi thường cầu với Mẹ: “Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội” (kinh Kính Mừng).

Hỡi ơi, Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mắt thương xem chúng con” (kinh Lạy Nữ Vương).

Xin chớ chê, chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan...” (kinh Trông Cậy) vv...

Ðược Mẹ cầu bầu và được Chúa thương yêu là hạnh phúc của tôi.

Hạnh phúc này cho tôi được một trực giác mới, để tôi nhận ra những ai là cây sậy, là hạt lúa, là cọng rơm như tôi giữa cuộc đời phồn hoa.

Cùng với trực giác mới đó, hạnh phúc được Mẹ cầu bầu và được Chúa thương yêu lại cho tôi một cảm thương mới, để trong xã hội hưởng thụ, tôi biết hoà mình vào lớp người đông đảo đang là cây sậy, hạt lúa và cọng rơm luôn vất vả bới tìm hy vọng.

Việc dâng mình của tôi đơn sơ là thế. Nói để chia sẻ, chứ tôi không dám khuyên ai bắt chước làm theo. Trái lại, tôi vẫn mong ai cũng là hoa. Dâng hoa thiên nhiên và dâng hoa đời mình là việc đạo đức rất đẹp và rất đáng mong đợi.

Long Xuyên, ngày 6 tháng 5 năm 2004