Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Khóc Than Và An Ủi

Khi còn nhỏ, tôi vẫn nhìn các linh mục là những người có phúc lớn. Lý do là vì các ngài được làm nhiều việc, mà những kẻ khác không được phép làm. Do đó, các ngài lại có phúc thêm, vì được giáo dân từ già tới trẻ cung kính mến yêu.

Khi lớn tuổi, nhất là khi tôi được tiếp cận nhiều với các linh mục cao niên, hơn nữa, khi chính tôi đi sâu vào đời linh mục của mình, tôi lại khám phá thấy một lý do mới, khiến linh mục trở thành người có phúc. Ðiều mới đó hơi lạ, nếu nói ra. Nhưng thiết tưởng nên nói ra, vì đó là một sự thực Phúc Âm. Tôi xin phép nói sự thực Phúc Âm đó. Ðây chính là Lời Chúa Giêsu phán: “Phúc thay những ai khóc lóc, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an” (Mt 5,5).

Thực vậy, những linh mục khóc vì mến Chúa yêu người là những người thực sự có phúc. Các vị đó là những người giàu khả năng hiệp thông với Chúa Giêsu và các tông đồ.

Xưa, Chúa Giêsu đã khóc khi cầu nguyện, như tác giả thư gởi Do Thái viết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Ðức Kitô đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời cầu nguyện” (Dt 5,7). Cũng vậy, nhiều linh mục cũng đã kêu van khóc lóc khi cầu nguyện cho dân và cho chính mình.

Xưa, Chúa Giêsu đã khóc, khi nhìn thấy trước cảnh Giêrusalem sẽ bị tàn phá. Cũng vậy, nhiều linh mục đã khóc, khi nhìn thấy những tai hoạ đã, đang và sẽ xảy ra cho đoàn chiên, cho Hội Thánh và cho Ðất Nước.

Xưa, Chúa Giêsu đã khóc, trước cảnh tang tóc vì Lagiarô chết. Cũng vậy, nhiều linh mục đã khóc trước những cái chết phần xác và phần hồn của những người Chúa đặt vào phạm vi trách nhiệm của mình.

Xưa, thánh Phêrô đã khóc, khi thấy Chúa Giêsu nhìn ngài một cách yêu thương, sau khi ngài đã ba lần chối Chúa. Cũng vậy, nhiều linh mục cũng đã khóc, khi thấy Chúa vẫn thương mình, mặc dầu mình bất trung.

Xưa, thánh Phaolô đã viết: “Tôi phục vụ Chúa với tất cả lòng khiêm nhường và đã nhiều lần trong nước mắt” (Cv 20,19). Cũng vậy, nhiều linh mục đã vì phục vụ, mà phải khóc. Có những nước mắt âm thầm, có những khổ đau câm nín.

Như vậy, có những nước mắt, có những khóc than do động lực đạo đức và nhắm mục đích đạo đức. Những nước mắt và khóc than đó sẽ là những lời cầu nguyện khiêm nhường, sốt sắng.

Những linh mục như thế được kể là những người có phúc. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã hứa: Các ngài sẽ được ủi an.

Những ủi an đó là rất khác thường. Không những sẽ nhận được ở đời sau, mà nhiều khi cũng nhận được ngay ở đời này. Thí dụ: Khi các ngài được thấy những phát triển lặng lẽ của Nước Trời tại nơi mình phục vụ, khi cảm nhận được sự bình an sâu xa bao bọc tâm hồn mình, khi được chứng kiến sự chiến thắng tội lỗi nơi đoàn chiên của mình, khi được đón nhận tình nghĩa chân thành vị tha của bao người gần xa đối với mình, khi được thấy chính Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ đầy tình xót thương, luôn ban Thánh Thần tình yêu cho mình, và luôn dắt mình về với Chúa Cha giàu lòng thương xót.

Tôi có cảm tưởng là những ủi an đó đã thực sự được Chúa ban dồi dào cho Cha Cố Phaolô Ðỗ Văn Lịch, nhất là hôm nay mừng 50 năm linh mục.

An ủi đáng nói hơn cả là Cha Cố được thông hiệp với tâm tình Ðức Mẹ nhiều năm và nhiều cách.

Là Cha Sở 28 năm của giáo xứ Ðài Ðức Mẹ giữa vùng Cái Sắn này, Cha Cố đã nhận được sâu sắc tình thương xót của Ðức Mẹ. Tình thương xót gồm bao niềm vui, thương, mừng và ánh sáng trong chuỗi Mân Côi. Không phải Cha Cố đã nhận được cho riêng Cha Cố, mà cũng đã nhận được cho giáo xứ, cho từng gia đình, cho từng người, và cho toàn giáo hạt và cho giáo phận. Nhờ vậy chính Cha Cố đã là niềm an ủi lớn lao cho bao người.

Với nhận thức đó, chúng ta cùng nhau dâng thánh lễ này, để tạ ơn Chúa, trong cái nhìn yêu thương của Mẹ nhân lành. Xin Chúa giàu lòng thương xót tiếp tục ban ơn an ủi cho Cha Cố. Mặc dù trên con đường ơn gọi, người môn đệ Chúa sẽ phải như hạt lúa, không tránh được những mỏi mòn và bao thử thách theo lời Chúa dạy (Ga 12,27).

Thiết tưởng cuộc đời như thế cũng chính là thánh lễ tạ ơn đầy giá trị cứu rỗi, mà Cha Cố và chúng ta dâng lên Chúa. Không phải chỉ hôm nay, mà hằng ngày, từng giờ, từng phút. Trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu độ duy nhất của chúng ta. Amen.

Bài giảng thánh lễ mừng 50 năm linh mục
của Cha Cố Phaolô Ðỗ Văn Lịch
ngày 30 tháng 5 năm 2003
tại nhà thờ Ðài Ðức Mẹ Tân Hiệp, Kiên Giang.