Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Nhớ Về Lễ Mở Tay Cách Ðây 49 Năm
(11-7-1955)

Khi sức khoẻ càng xuống, tuổi càng già, tôi càng ưa thích được sống bình lặng.

Trong thanh vắng, tôi thấy quá khứ mình trở về hiện tại. Nhiều hoài niệm rất xa xưa nay sống lại dần dần. Êm đềm nhất là những kỷ niệm đầu tiên của đời linh mục.

Hôm nay, tôi xin phép chia sẻ kỷ niệm thánh lễ đầu tiên của tôi. Thánh lễ đầu tiên của tân linh mục quen được gọi là “lễ mở tay”. Thánh lễ này của tôi đã diễn ra tại một trại di cư, trong nhà thờ xứ Long Phước thôn di cư, Biên Hoà.

Thánh lễ được tổ chức rất đơn sơ. Nhưng nó đã in vào lòng tôi ba ấn tượng sâu sắc. Ảnh hưởng của nó trải dài suốt cuộc đời tôi.

 1/ Chia sẻ cuộc sống nghèo của đoàn chiên

Từ Hồng Kông về nước, để dâng lễ mở tay, tôi thấy một quê hương mới. Dân di cư sống rất nghèo. “Nhà thờ”, nơi tôi dâng thánh lễ, là một nhà dựng tạm. Hai mái che bằng những tấm bạt lớn. Nền đất, chỗ cao chỗ thấp.

Giáo dân rất đông. Ai cũng như ai. Tất cả đều nghèo. Nhưng bầu khí xứ đạo rất là ấm cúng.

Chúng tôi chẳng có quà tặng nhau. Chỉ có những ánh mắt thân thương, những nụ cười hồn nhiên, những bàn tay nối kết nghĩa tình.

Riêng tôi cũng chẳng sắm sửa gì. Áo lễ mượn. Chén lễ mượn. Không ảnh kỷ niệm. Không chụp hình.

Ngoài giáo xứ, gia đình và mấy linh mục quen thân, Cha Cố của tôi không mời ai hôm đó. Mọi sự đều đơn giản, kể cả bữa ăn.

Cảnh nghèo của thánh lễ mở tay đã gây trong tôi một suy nghĩ đẹp. Suy nghĩ đẹp đó là Chúa muốn linh mục chia sẻ cuộc sống nghèo của đoàn chiên. Chia sẻ đó phải tích cực, chân thành, từ tâm tình bên trong đến nếp sống bên ngoài. Chia sẻ như thế là một vinh dự. Không chia sẻ sẽ không hợp với ơn gọi của mình.

 2/ Trong tay Ðức Mẹ “xin vâng

Thánh lễ mở tay thường mang một nét nổi. Ðó là bài giảng. Linh mục, mà Cha Già Cố và tôi đã mời giảng trong lễ mở tay của tôi là một linh mục quen thân, đạo đức. Ðó là Cha Minh Ðăng.

Bài giảng hôm đó của ngài nhấn mạnh đến sự linh mục cần sống trong tay Ðức Mẹ, một Ðức Mẹ “xin vâng”, một Ðức Mẹ khiêm nhường, một Ðức Mẹ suốt đời chỉ vâng phục thi hành thánh ý Chúa.

Cha Minh Ðăng mang lửa mến trong trái tim ngài, nên cha giảng hùng hồn, với giọng truyền cảm.

Ngài đã truyền cảm sang tôi, không phải chỉ qua bài giảng hôm đó, mà còn qua chính cuộc sống của ngài. Tôi tiếp nhận hình ảnh linh mục ngài đưa ra hôm ấy. Cuộc đời linh mục là sống trong tay Ðức Mẹ luôn xin vâng thi hành thánh ý Chúa.

Thánh ý Chúa sẽ được Chúa soi sáng không phải ngay một lúc. Nhưng dần dần. Có thể là từng ngay, từng lúc, từng giai đoạn lịch sử và từng hoàn cảnh cuộc sống. Ðiều cần thiết là phải tỉnh thức, khiêm nhường, biết từ bỏ ý riêng, biết đón nhận ý Chúa với tinh thần phó thác của Ðức Mẹ.

Trong bài giảng, Cha Minh Ðăng không giới thiệu ai, không nhắc đến ai, ngài chỉ tập trung vào hình ảnh linh mục trong tay Ðức Mẹ “xin vâng”.

Tôi có cảm tưởng là mọi người dự thánh lễ hôm đó đều được nâng tâm hồn lên với Chúa. Mọi người đều nhận mình là tôi tớ Chúa, như Ðức Mẹ đã tự xưng. Cái nhìn đó đã làm mờ nhạt cái nhìn linh mục như một chức cao quyền cả, tách rời khỏi dân, đứng trên dân, để ban phát, để quản trị.

Riêng đối với tôi, bài giảng của Cha Minh Ðăng trong lễ mở tay hôm ấy đã được ghi sâu vào lòng tôi. Nó chìm vào tiềm thức tôi, để chi phối ý thức tôi, suốt mọi ngày trong đời sống tôi.

 3/ Bước theo Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ

Nhân nói về bài giảng Cha Minh Ðăng trong lễ mở tay của tôi, tôi muốn tiết lộ một chi tiết quan trọng giữa chúng tôi trong thánh lễ này.

Trước thánh lễ, ngay tại phòng mặc áo lễ, tôi đã xin ngài ban phép giải tội cho tôi. Liền sau đó, chúng tôi tâm sự với nhau về tình trạng linh mục có thể rơi vào những hiểm nguy khiến mình sa sút về đạo đức.

Trong lúc xúc động, tự nhiên chúng tôi đi tới một ước vọng. Ước vọng đó là: Ðể góp phần nào vào việc thánh hoá linh mục, nếu Chúa muốn, chúng tôi xin sẵn sàng đón nhận cho mình những cái chết đau thương. Những cái chết như thế chẳng qua cũng chỉ là một bước đi theo Chúa Giêsu, Ðấng đã chịu chết đớn đau, để cứu độ nhân loại.

Hai anh em chúng tôi đã trao đổi với nhau về ước vọng ấy. Sau đó chúng tôi đã cùng nhau dâng ước vọng đó lên Chúa. Lúc đó là sáng ngày 11 tháng 7 năm 1955.

Sau này, Cha Minh Ðăng vào dòng Ðức Mẹ Ðồng Công. Ngài đã chết một cách thảm thương trên đường làm việc tông đồ ngày 31/10/1981. Khi nghe tin đó, tôi biết ngay là ước vọng của Cha đã được Chúa nhậm lời và thực hiện.

Còn ước vọng của tôi gói chung vào ước vọng của Cha xem ra cũng đã được Chúa nhậm lời. Tôi đã và đang được chết những cái chết đau thương khác, một cách nhẹ hơn, vì Chúa biết tôi yếu đuối.

ù

Hôm nay, khi nhớ về lễ mở tay trong ngày 11 tháng 7 cách đây 49 năm, tôi làm 4 việc này:

Một là tạ ơn Chúa về mọi ơn Chúa ban cho tôi, ngay từ thánh lễ mở tay.

Hai là tạ tội với Chúa, về mọi lỗi lầm, sai sót của tôi trong suốt 49 năm qua.

Ba là tạ đền trước Chúa. Ðền ơn, và đền tội.

Bốn là tạ từ mọi tấm lòng tốt đã nâng đỡ tôi. Như Cha Minh Ðăng chẳng hạn. Và như những độc giả Công Giáo và Dân Tộc đã có lòng tốt khích lệ tôi chia sẻ về tu đức. Tạ từ như một đáp từ cảm ơn, biết ơn và ghi ơn.

Thiết tưởng thánh lễ cuộc đời là rất quan trọng, đối với linh mục và mọi tín hữu. Mặc dù thánh lễ bàn thờ vốn là quí giá.

Nếu chẳng may, cả thánh lễ bàn thờ lẫn thánh lễ cuộc đời đều bị coi thường, thì đó sẽ là một tai hoạ lớn cho Hội Thánh. Hy vọng trường hợp như thế sẽ không xảy ra.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 7 năm 2004