Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Tâm Sự Về Ơn Bình An

Sau khi Chúa Giêsu sống lại, Người hiện ra với các môn đệ. Lời đầu tiên Người nói với những người thân đang sợ hãi là: “Bình an cho các con” (Ga 20,19).

Tám ngày sau, Người lại hiện ra trong căn nhà đóng kín. Các môn đệ đang họp ở đó. Lời chào của Người vẫn là : “Bình an cho các con” (Ga 20,26).

Khi Chúa Giêsu gởi lời chào bình an, thì đồng thời Người cũng trao ban ơn bình an. Ðây là một sự bình an đặc biệt Người ban tặng. Như Người đã hứa: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban cho các con sự bình an của Thầy. Sự bình an mà Thầy ban cho các con không giống sự bình an mà thế gian trao tặng” (Ga 14,27).

Ngoài các tông đồ, rất nhiều người đã nhận được ơn bình an của Chúa. Kẻ được nhiều, người được ít. Nếu tất cả mọi người được ơn đều biết tả ra những gì mình đã cảm nghiệm về ơn bình an Chúa ban cho mình, thì bài ca tạ ơn sẽ rất dài, rất đa dạng. Nhưng thiết tưởng vẫn chưa sao đủ.

Ở đây, tôi chỉ xin góp một phần yếu ớt trong muôn vàn cảm nghiệm của hàng triệu người đang tạ ơn Chúa về ơn bình an.

Trong ơn bình an, tôi thấy có những chỉ dẫn sau đây:

 1/ Nhận biết mình tội lỗi

Ơn bình an đã cho tôi một nguồn ánh sáng riêng để nhìn vào chính mình. Dưới ánh sáng đó, tôi thấy bản thân tôi mắc nhiều tội lỗi. Ðó là sự thật. Ở đây, tôi nhớ lại lời thánh Gioan viết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta. Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa trung thành và công minh sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (Ga 1,8-9).

Ðúng là Chúa vừa tha tội và vừa thanh luyện. Tha thứ là việc vắn. Thanh luyện là việc lâu, kéo dài có khi suốt cả cuộc đời.

Khi càng nhận biết mình yếu đuối, tội lỗi, và càng sám hối, khát khao được tha thứ và thanh luyện, tôi càng rõ những giới hạn của mình. Sớm hay muộn, tôi cũng phải đụng vào những giới hạn đó. Như giới hạn về sức khoẻ, giới hạn về khả năng làm việc, nhất là giới hạn về trí thức, kinh nghiệm và đạo đức.

Khi biết khiêm tốn chấp nhận những giới hạn đó trong tâm tình phó thác, tôi được bình an.

 2/ Nhận biết mình được sai đi

Thú thực là đôi khi tôi bị cám dỗ muốn tìm cho mình một lối sống an nhàn trong đời linh mục và giám mục. Nhưng đang lúc đó ơn Chúa đến dạy tôi về sứ mạng kẻ được sai đi. Tôi nhận ra rõ chính Chúa đã gọi tôi, đã trao cho tôi sứ mạng làm linh mục, rồi làm giám mục, để ra đi làm chứng cho Chúa trong những giai đoạn khó khăn.

Ơn gọi không đến từ tôi. Tôi không bao giờ dám và cũng chẳng bao giờ muốn tự tạo ra ơn gọi đó cho tôi. Trái lại, tôi rất sợ. Nhưng khi nhận thức sáng kiến về ơn gọi của tôi là hoàn toàn do Chúa, tôi xin vâng. Ðây lại là một ơn nhưng không, nên tôi cảm nghiệm sâu xa sự bình an đến trong một tâm hồn xin sấp mình vâng phục.

Với sự bình an sâu xa này, tôi tin chắc Chúa dắt dìu tôi trong con đường ơn gọi rải rác muôn vàn trắc trở, bao phủ sự thinh lặng của thánh giá. Với ơn của Người, tôi nhận được khả năng cộng tác với Người từng ngày và trong mỗi việc. Trách nhiệm của tôi được nhận từ tay Chúa.

Mỗi ngày, tôi tự xét mình: Hôm nay tôi có sống đúng ơn gọi sai đi của tôi không? Mỗi ngày là một phấn đấu mới trong tinh thần đơn sơ bé nhỏ.

Hơn nữa, khi nhận thức mình được Chúa sai đi, tôi cũng nhận thức mình không cô đơn một mình. Tôi tin có nhiều người được Chúa sai đi đồng hành với tôi. Họ là những người cộng tác, thuộc đủ các thành phần, hoặc đi trước tôi, hoặc đang đi cùng tôi, hoặc sẽ đi sau tôi. Sự hiệp thông đó khiến tôi thêm can đảm, và cho tôi nhiều ủi an. Sự hiệp thông đó rất rộng, trải dài qua nhiều vùng, nhiều nước, nhiều Giáo Hội địa phương. Nhận thức đó tăng cường sự bình an trong tôi.

 3/ Nhận biết sức mạnh của Lời Chúa

Theo kinh nghiệm của tôi, điều mà tôi cho là hết sức quan trọng để có sự bình an thực sự trong tâm hồn, đó là tuyệt đối tin vào Lời Chúa.

Chúa Giêsu phán: “Ai nghe những lời Thầy nói, mà không tuân giữ, thì không phải Thầy sẽ xét xử người ấy, vì Thầy đến, không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối và không đón nhận lời Thầy, thì có quan toà xét xử người ấy. Chính lời Thầy đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết” (Ga 12,47-48).

Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến ở lại với người ấy” (Ga 14,23).

Nhận thức trên đây là một tiêu chuẩn. Khi giảng, tôi ưu tiên giảng Lời Chúa. Khi phải chọn một trong nhiều phương án, tôi chọn phương án nào hợp với Lời Chúa nhất. Cho dù khi thực hiện phương án đó, tôi sẽ phải cô đơn. Nhưng kinh nghiệm cho tôi thấy: cách chọn đó đem lại cho tôi sự bình an và thanh thản. Do đó, tôi xác tín chọn Lời Chúa chính là chọn thánh ý Chúa và thực hành thánh ý Chúa.

 4/ Nhận biết mình phải thận trọng trong bổn phận xét đoán người khác

Tôi có kinh nghiệm này là: Ơn bình an rất dễ bị rút đi hoặc một phần hoặc tất cả, do tội bất tuân thánh ý Chúa, khi dám xét đoán người khác ngoài thẩm quyền. Chúa dạy: “Các con đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Các con xét đoán thế nào, thì các con sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy. Các con đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho các con. Sao các con thấy cái rác nơi mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt mình thì lại không để ý tới” (Mt 7,1-3).

Ðiều Chúa muốn nhắn nhủ trên đây nhiều nhất, chính là tránh sự kiêu căng và thiển cận trong cách nhìn và đánh giá người khác.

Rất nhiều người đã đánh mất sự bình an nơi chính mình, do việc cướp quyền xét xử của Chúa, một Thiên Chúa thông biết mọi sự và giàu lòng thương xót đối với từng người theo hoàn cảnh riêng cụ thể của họ. Không những phải tránh xét đoán nông nổi ngoài thẩm quyền, mà còn phải đi vào bổn phận tích cực của một bác ái, như lời Chúa dạy: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Yêu thương nhất là bằng cảm thương tha thứ và phục vụ khiêm tốn.

 5/ Nhận biết sự cần thiết kết hợp mật thiết với Chúa

Tôi kinh nghiệm: Ðây là một nhận biết đầy an ủi . Tôi hay nhìn các cây trồng xung quanh tôi, để nhớ lại một lời Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy, mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi. Còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa, cho nó sinh nhiều hoa trái hơn... Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho. Các con cũng thế, nếu các con không ở lại trong Thầy” (Ga 15,1-4).

Khi sống những lời Chúa dạy trên đây, tôi thấy sự kết hợp mật thiết thường xuyên với Chúa và sự sinh ra hoa trái từng ngày là những yếu tố đem lại sự bình an sâu xa cho đời tôi.

Ðặc biệt là, khi tôi biết nhìn Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, tôi sẽ cảm nghiệm được sự ngọt ngào của sự đi tìm Chúa, kết hợp với Chúa, và thực thi thánh ý Chúa.

ù

Hơn bao giờ hết, hiện nay ơn bình an được coi là rất quí, rất cần cho xã hội, cho Giáo Hội, cho gia đình và cho mỗi người chúng ta.

Chúa luôn sẵn sàng ban ơn bình an cho chúng ta. Nhưng chúng ta cần biết đón nhận và cộng tác vào ơn đó, ít là bằng những điều vừa kể trên đây.

Ðược bình an thì khó.

Mất bình an thì dễ. Sự mất dễ dàng này cũng dễ đưa tới bao nhiêu những mất mát khác.

Lạy Chúa, xin thương cho chúng con ơn bình an của Chúa.

Long Xuyên, ngày 15 tháng 4 năm 2004