Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-

Mang Thương Tích
Với Lòng Thương Xót Và Niềm Hy Vọng

Trong bài Phúc Âm thánh lễ hôm nay (Ga 20,19-23), thánh Gioan đã thuật lại việc Chúa Giêsu sai các môn đệ đi. Ðây là một biến cố đầy những bất ngờ.

Bất ngờ ở sự Chúa Giêsu đã hiện đến với các môn đệ, khi các cửa phòng còn đóng kín.

Bất ngờ ở sự Chúa Giêsu đã chào chúc bình an cho các môn đệ, khi các ngài đang co ro sợ hãi.

Bất ngờ ở sự Chúa Giêsu đề cao sự sai các môn đệ đi, khi Chúa nói: “Như Chúa Cha đã sai Thầy thế nào, Thầy cũng sai các con đi như vậy” (Ga 20,21).

Bất ngờ hơn cả là ở sự Chúa Giêsu đã chỉ vào các vết thương ở tay và cạnh sườn Ngài, để các môn đệ thấy rõ những thương tích trên mình Ngài, khi Ngài sai các môn đệ đi. Phúc Âm kể: “Nói xong, Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài” (Ga 20,20).

Một Chúa mang thương tích đã sai các môn đệ đi. Ðây là một chi tiết rất gợi ý.

Hôm nay tôi xin dừng lại ở chi tiết gợi ý này, để suy nghĩ về mọi môn đệ được sai đi nói chung, và về các linh mục nói riêng.

Trước hết, khi nhìn những thương tích mà Chúa Giêsu chủ ý cho thấy vẫn còn ghi sâu trên mình Ngài, các môn đệ hiểu các thương tích đó nhắc đến sự gì? Thưa, nhắc đến tội của nhân loại, và cũng nhắc đến tội của chính các môn đệ. Chính các môn đệ, những người đã được Chúa đào tạo kỹ lưỡng, lại đã phản bội Ngài. Thế nhưng, Ngài đã tha thứ. Hơn nữa Ngài lại sai họ đi. Họ đã cảm nhận được lòng Chúa xót thương một cách đặc biệt. Nhờ đó khi được sai đi, họ sẽ phải làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu thương xót.

Ngoài ra, khi được sai đi bởi Ðấng mang thương tích trên mình, các môn đệ tự cảm thấy mình rồi cũng sẽ bị thương tích như Ðấng sai mình. Tôi thấy, khi Chúa sai ai đi, Chúa cũng cho họ khả năng chịu nhiều thương tích. Khả năng chịu khổ nơi họ, có thể sẽ bén nhạy hơn khả năng chịu khổ nơi những người khác. Nhờ đó, họ có thể làm chứng được họ được sai đi, không phải để rao giảng lòng thương xót bằng lý thuyết suông, nhưng bằng chính con người của họ. Họ luôn toát ra lửa xót thương qua từng thái độ và từng cử chỉ cuộc sống thường ngày. Họ cảm thương. Họ đồng cảm. Họ thương và xót xa cùng với những ai đau khổ.

Hơn nữa, khi trao sứ mạng ra đi làm chứng cho Tin Mừng, Chúa Giêsu, không những trao cho các môn đệ một khả năng bén nhạy trước những thương tích của nhân loại, mà còn thực sự cũng trao cho các môn đệ một số thương tích của chính Ngài. Ðể các môn đệ tiếp tục thực sự, ít là phần nào, cuộc tử nạn cứu độ của Ðấng Cứu thế, trên mọi chặng đường lịch sử, dù bất cứ thời nào, dù bất cứ nơi đâu. Ðược cùng đau khổ với Chúa Giêsu, được cùng đau khổ với Hội Thánh Chúa Giêsu, thiết tưởng đó cũng là một ơn gọi mang nhiều thương tích.

Sau cùng, khi được sai đi bởi Ðấng mang thương tích, các môn đệ tự hiểu sự gây thương tích cho Chúa, cho Hội Thánh, cho người khác, là điều các ngài phải hết sức tránh. Cũng như các ngài hiểu sự băng bó, chữa lành những thương tích của cộng đoàn, của đồng bào, của những người xung quanh, là một sứ mạng khẩn thiết. Cũng như các ngài hiểu sự đền tạ những thương tích của Chúa là một đòi hỏi chính đáng Chúa muốn các ngài thực hiện. Cũng như sự phải kiên trì mang những thương tích gây nên do chính những dại dội, tội lỗi của mình, đó là một sự đền tội không thể trốn tránh.

Với mấy suy nghĩ như trên, tôi có một cái nhìn rất gần gũi về linh mục Chúa. Theo tôi, linh mục Chúa là người mang thương tích, được Chúa Giêsu mang thương tích sai đi, để làm chứng cho lòng thương xót và niềm hy vọng.

Với một người như vậy, linh mục sẽ rất gần gũi với Chúa Giêsu, và cũng sẽ rất gần gũi với mọi người mang thương tích trong thân xác và trong tâm hồn.

Thương tích kêu gọi lòng thương xót. Nếu ta cầu nguyện, ta sẽ được Chúa là Cha giàu tình yêu thương xót đến cứu chữa ta.

Thương tích kêu gọi niềm hy vọng. Nếu ta tin cậy, ta sẽ được Chúa Giêsu phục sinh dắt ta qua cơn khốn khó để tới ngày sống lại.

Thương tích là số phận chung của mọi người. Nhưng để thương tích trở thành cơ may cho sự trở về, cho sự cứu rỗi, cho sự thanh luyện, cho sự đổi mới bản thân và nhân loại, chúng ta rất cần lửa Chúa Thánh Thần. Lửa đó sẽ đốt lên trong các linh mục, để mọi linh mục sẽ là linh mục của trái tim Chúa Giêsu, linh mục của trái tim Ðức Mẹ Maria là những trái tim bốc cháy lửa tình yêu thương xót.

Giữa dòng đời có nhiều thứ lửa tốt xấu chen lấn nhau, người linh mục Chúa sẽ chỉ có được lửa thực sự của Chúa Thánh Thần, khi tỉnh thức phân định và phấn đấu thường xuyên bằng ánh sáng và sức mạnh của Ðấng đã sai mình.

Lòng thương xót và niềm hy vọng là những giá trị cứu độ mà Chúa sai các linh mục đi rao giảng và làm chứng bằng cuộc sống của mình.

Lòng thương xót và niềm hy vọng là món quà cao quý, mà Chúa muốn những người tin theo Chúa nói chung, và các linh mục nói riêng, hãy biết đón nhận mỗi ngày bằng cầu nguyện khiêm nhường và bằng chân thành cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa.

Lòng thương xót và niềm hy vọng trong bình an của Chúa, đó cũng chính là điều, chúng ta thân ái cầu chúc và thiết tha cầu nguyện cho thầy Phêrô Nguyễn Thanh Dũng sắp được phong lên chức linh mục trong thánh lễ này.

Bài giảng thánh lễ Tạ Ơn
dịp tĩnh tâm linh mục giáo phận Long Xuyên
tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, ngày 23 tháng 01 năm 2003