Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Con Ðường Hạt Lúa

Người môn đệ Chúa Giêsu là mọi tín hữu. Nhưng ở đây, danh từ này được giới hạn cho những ai dấn thân đi theo Chúa Giêsu một cách đặc biệt, để mở mang Nước Trời.

Trong loại môn đệ đặc biệt này, có những người âm thầm, thanh thản, nhẹ nhàng, không chức, không quyền. Và có những người trịnh trọng, nặng nề, bận rộn với quyền với chức.

Dù thuộc loại nào, mọi môn đệ Chúa Giêsu đều được Người chỉ dạy con đường phải đi.

Con đường môn đệ phải đi là theo con đường chính Chúa Giêsu đã đi. Con đường Người đã đi là con đường hạt lúa. “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Thật, Thầy bảo thật các con. Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất, mà không chết đi. Nó vẫn trơ trọi một mình. Còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hoa trái” (Ga 12,23-24).

Như vậy, hạt lúa phải gieo vào lòng đất, phải chịu thối đi, để sinh ra mầm non, rồi mới lớn thành cây. Con đường đó có những luật riêng: Như khiêm tốn, lặng lẽ, kiên trì và hy vọng.

Từ ít lâu nay, con đường hạt lúa ở một số nơi xem ra bị lu mờ. Hậu quả sẽ rất nguy hại, nếu các môn đệ Chúa hôm nay không thức tỉnh.

Trong nhận thức ấy, tôi xin Chúa đánh thức lòng tôi. Ðánh thức bằng Lời Chúa và những ơn thánh kèm theo Lời Chúa.

Trước hết, Lời Chúa nói rõ con đường Chúa Giêsu đi.

 Con đường Chúa Giêsu

Phúc Âm thánh Marcô viết: “Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ rất nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31).

Chúa Giêsu nói dứt khoát Người phải chịu đau khổ rất nhiều. Phải có nghĩa là bắt buộc, không thể nào khác. Ðiều đáng ngạc nhiên là những kẻ gây đau khổ cho Người lại chính là những người có địa vị trong tôn giáo và xã hội, những người được coi là thuộc loại trí thức, chức cao, quyền trọng, gây nhiều ảnh hưởng trong dân.

Con đường đó quá nhục nhã, nên không những gây ngạc nhiên cho các môn đệ, mà còn bị các ngài coi là vô lý, không thể chấp nhận được. Vì thế, thánh Marcô kể thêm: “Ông Phêrô liền kéo riêng Chúa Giêsu ra và bắt đầu can trách Người. Nhưng khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,32-33).

Với những lời trên đây, Chúa Giêsu cho thấy: Nước Trời là một mầu nhiệm. Nước Trời là chính Chúa Giêsu. Lời Người và chính bản thân Người sẽ như hạt lúa gặp nhiều đau đớn. Ðau đớn là chặng đường phải đi qua, để mới có được những mùa màng trù phú.

Chặng đường đau đớn có những chi tiết hãi hùng, coi như không cần thiết, nhưng Chúa Giêsu cũng đã bước vào. Thí dụ những chi tiết sau đây, mà thánh sử Marcô một lần nữa kể lại do chính Chúa Giêsu báo trước: “Chúa Giêsu và các môn đệ đang trên đường đi Giêrusalem... Người lại kéo riêng nhóm mười hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy ra cho mình: Này, chúng ta lên Giêrusalem, và ở đó Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,32-34).

Bị nhạo báng, bị khạc nhổ vào mặt, bị đánh đòn: Con đường mở mang Nước Trời, mà Chúa Giêsu đi, sao quá khổ như vậy. Thế mà Chúa Giêsu đã đi. Chúng ta coi đó là một mẫu gương. Hạt lúa Tin Mừng đã đi hết chặng đường đau khổ gồm nhiều thứ khác nhau. Có thể coi đó là cái giá để tới sự sống vinh quang sẽ được chia sẻ rộng rãi ra khắp nhân loại mọi nơi mọi thời.

 Còn con đường của các môn đệ Chúa thì sao?

Các môn đệ là những người theo Chúa, nên tất nhiên cũng phải đi trên con đường Chúa đã đi. Chúa nói rõ ràng: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34).

Thánh Phaolô, một môn đệ Chúa đã viết: “Giờ đây, bị Thánh Thần trói buộc, tôi về Giêrusalem. Không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng: Xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu, là long trọng làm chứng cho Tin Mừng và ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,22-24).

Những lời tha thiết trên đây của thánh Phaolô cho thấy ngài có một tấm lòng đầy lửa mến, muốn bước theo đúng vết chân Thầy chí thánh. Ngài coi vinh dự của ngài là “được thông phần những đau khổ của Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa trong cái chết của Người, với hy vọng cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).

Do đó, chính thánh Phaolô cũng được trở thành hạt lúa Tin Mừng. Hạt lúa này cũng đã chuyển vận qua những chặng đường rất khổ đau. Nhưng sau cùng ngài đã trở thành đầu mối của cánh đồng truyền giáo mênh mông bát ngát.

Cùng với thánh Phaolô là vô số ơn gọi sau này. Họ đã trở thành những môn đệ Chúa đích thực, nhờ chấp nhận số phận hạt lúa. Một số phận đớn đau, nhưng thực ra đó chính là một danh dự cao cả.

 Con đường hạt lúa nơi chúng ta

Con đường hạt lúa như Chúa Giêsu hay như thánh Phaolô và các tông đồ là những mô hình. Chúa muốn chúng ta bắt chước. Nhưng thực tế cho thấy sự bắt chước đúng hệt như thế không phải là một lựa chọn tuỳ quyền của ta.

Ðiều tuỳ thuộc ở ta trước tiên chính là ý hướng, là ước muốn. Ta hãy luôn luôn nuôi trong lòng ý hướng được bắt chước Chúa Giêsu trong hoàn cảnh cụ thể của ta. Thí dụ, trong hai hoàn cảnh, một bên là phục vụ trong giàu có vinh quang, một bên là phục vụ trong khiêm tốn khó nghèo. Ta chọn phía thứ hai. Rồi thị dụ trong hai khả năng, một bên là cho mình quyền xét đoán người khác và kết án họ một cách thoả thích, còn một bên là coi mình như kẻ tội lỗi, khiêm tốn cầu nguyện cho những người khác một cách chân thành. Trong hai khả năng đó, ta chọn lựa con đường thứ hai. Ðặc biệt, ta luôn ước muốn vâng phục mọi sự Chúa muốn về ta, cho dù đó là những phục vụ đòi rất nhiều hy sinh.

Sau ước muốn, ý hướng, sẽ đến những việc cụ thể. Hằng ngày không thiếu những sự kiện xảy ra trái ý, gây nên thương tích trong lòng ta, không thiếu những hoàn cảnh đòi ta phải phấn đấu nhọc nhằn, không thiếu những biến cố khiến ta mệt mỏi, đau buồn bệnh hoạn. Trước những sự kiện đó, ta xin Chúa cho ta ánh sáng và lửa mến, để biết chấp nhận và rút ra sự tốt từ những cái xấu, và từ những cái rất tầm thường.

Cái tôi của ta ví như những hạt cây có dầu. Nếu được nghiền nát ra, nếu được lọc sạch, cái tôi có thể trở thành dầu chữa bệnh, dầu xức cho thơm, dầu để thắp sáng.

Cái tôi của ta ví như hạt lúa. Nếu chịu thối đi, để góp phần vào những hy sinh của Chúa Giêsu, nó sẽ có phần trong việc mở mang Nước Trời.

Nếu con đường người môn đệ là con đường hạt lúa, thì dù ở bậc nào, dù mang chức quyền nào, dù ở hoàn cảnh nào, giá trị thực sự của ta vẫn phải qui chiếu vào con đường hạt lúa.

Thời nay, tinh thần thế tục và văn hoá hưởng thụ đang làm yếu đi ý chí đi theo con đường hạt lúa trong Phúc Âm.

Ðang khi đó, một não trạng thực dụng, dựa phần nào trên thực tế nhỏ hẹp và thành kiến lâu đời đang tạo nên trong dân chúng những cái nhìn lệch lạc về môn đệ Chúa.

Xin Ðức Mẹ Maria thương dắt ta đi vào đúng con đường hạt lúa, mà chính Mẹ đã đi. Bởi vì trái tim Mẹ là một trái tim suốt đời như bị lưỡi gươm thâu qua. Chính vì thế mà con đường Mẹ đi cũng là con đường hạt lúa của lòng cảm thương, của tình yêu, của Tin Mừng Nước Trời, là Nước của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Long Xuyên, ngày 19 tháng 5 năm 2003