Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Bằng Ấy Năm Vẫn Là Lãnh Nhận

Tôi được lãnh nhận chức Linh mục ngày 02/7/1955. Như vậy, đến đầu tháng 7 này, tôi sẽ được 48 tuổi Linh mục, trong đó có 28 năm mang thêm sứ vụ Giám mục.

Ðối với tôi, 48 năm linh mục là thời gian khá dài. Nhìn lại, tôi thấy bằng ấy năm vẫn là lãnh nhận.

Ngày chịu chức, tôi được hạnh phúc lãnh nhận Chúa Thánh Thần theo nghi thức. Rồi, từ ngày đó, suốt 48 năm cho đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục được diễm phúc lãnh nhận các ơn Chúa Thánh Thần cần cho chức vụ. Tôi lãnh nhận hằng ngày, bằng cầu nguyện, chiêm niệm, qua Hội Thánh và nhiều cách, mà Chúa dẫn đưa.

Tôi xin nói ngay lý do mạnh nhất khiến tôi coi việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần là rất cần thiết cho tôi. Lý do đó là vì tôi khát Chúa.

 Ðộng lực khát khao Chúa Thánh Thần

Ở đây, tôi nhớ lại những lời thánh tông đồ Gioan đã viết: “Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất, Ðức Giêsu đứng trong đền thờ và lớn tiếng nói rằng:
“Ai khát, hãy đến với Thầy,
Ai tin vào Thầy, hãy đến mà uống”.

Như Kinh Thánh đã nói:
Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy dòng nước hằng sống.
Ðức Giêsu muốn nói về Chúa Thánh Thần mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận” (Ga 7,37-39).

Tôi khát và tôi tin, nên tôi đến. Hơn nữa, tôi khát, tôi tin, và còn muốn chia sẻ niềm tin của tôi cho mọi người. Vì thế, tôi càng khao khát được đến với Chúa Giêsu, để lãnh nhận Nước hằng sống là Thánh Thần của Người.

Càng đi sâu vào con đường theo Chúa Giêsu, để làm môn đệ Người, và để nhân danh Người loan báo Tin Mừng, tôi càng thấy một đào tạo chuyên môn là hết sức cần. Ðào tạo ở trường học, ở trường đời, nhưng nhất là ở trường Chúa Thánh Linh.

Người loan báo Tin Mừng, nếu có đức tin mạnh, đức cậy vững, đức mến nồng nàn, tuy đã là tốt, nhưng sẽ còn quá thiếu để ra khơi. Họ cần có thêm các ơn Chúa Thánh Thần.

Tôi xin phép chia sẻ đôi chút kinh nghiệm.

 Ðôi chút kinh nghiệm

Ðôi khi, tôi tưởng ơn kính sợ Chúa là không mấy cần thiết trong đời truyền giáo. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy ơn đó lại rất cần cho tôi. Khi tôi biết kính sợ những việc thánh, chức vụ thánh, khi tôi biết sợ mình còn quá yếu đuối dễ phạm tội, lúc gặp dịp, tôi sẽ khiêm tốn nhờ Chúa trút bỏ cái tôi xấu xa của tôi, để Chúa Phúc Âm hoá toàn thể con người tôi, tới tận đáy lòng tôi, trước khi tôi nói đến việc Phúc Âm hoá người khác.

Khi tôi biết sợ mình còn quá xa lý tưởng từ bỏ mình, trên đường theo Chúa, Ðấng đã phán: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, còn Con Người không có nơi gối đầu” (Mt 8,20), tôi mới khiêm tốn cầu nguyện và tập luyện.

Khi tôi biết sợ mình còn quá non yếu về trí thức, tôi mới ra sức học hành bất cứ ở tuổi nào và ở cương vị nào.

Tự mãn là một tật rất xấu rất nghịch với việc loan báo Tin Mừng. Trái lại khó nghèo và khiêm tốn nội tâm là vẻ đẹp khởi đầu, mở cửa tâm hồn cho Chúa đi vào và ở lại đó. Chúa ở lại đó, Người không đưa ta ra khỏi thế gian, nhưng sẽ giữ ta khỏi ác thần (Ga 17,15). Ðó sẽ là một ơn rất cần cho người ra đi làm chứng cho Chúa. Ơn đó sẽ được ban cho những ai khiêm tốn cầu xin Chúa Thánh Thần.

Một ơn nữa, của Chúa Thánh Thần mà kinh nghiệm truyền giáo dạy tôi là rất cần cho người loan báo Tin Mừng, đó là ơn thông hiểu.

Với ơn thông hiểu, chúng ta có thể nhận ra những vẻ đẹp của Chúa rải rắc khắp nơi, trong thiên nhiên, nơi các người ta gặp, ở các nền văn minh ta tiếp xúc. Với ơn thông hiểu, chúng ta có thể nhận ra khoảng cách lớn lao giữa những hạnh phúc trần gian và hạnh phúc thiên đàng. Với ơn thông hiểu, chúng ta cũng có thể phân định được đâu là thánh ý Chúa và những dấu chỉ của thời đại, để nhờ đó ta biết chọn cho mục vụ và truyền giáo một hướng đi thích hợp. Ơn thông hiểu cũng sẽ được ban cho những ai khiêm tốn cầu xin Chúa Thánh Thần.

Một ơn nữa của Chúa Thánh Thần rất cần cho người loan báo Tin Mừng, đó là ơn khôn ngoan.

Tôi xin đưa ra một trường hợp để gợi ý về sự khôn ngoan của Chúa Giêsu, khi phải đối phó với những người muốn cài bẫy Người. Trường hợp đó là khi phe chống đối hỏi Chúa Giêsu “Có phải nộp thuế cho vua Xê-da không?”. Nếu Ngài thưa không, thì Ngài sẽ bị buộc tội là phản loạn chống lại nhà vua. Nếu Ngài thưa có, thì Ngài sẽ bị cắt nghĩa là phản bội ơn gọi cứu độ của dân Thiên Chúa. Ðức Kitô khôn ngoan trả lời: “Sự gì của Xê-da, thì hãy trả cho Xê-da. Sự gì của Thiên Chúa, thì hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21).

Làm kinh tế thời nay, tại đây, là phải biết quan sát, so sánh, bàn bạc, suy tính và biết chọn lựa. Những việc đó, một người khôn ngoan bình thường vẫn có thể làm. Nhưng làm mục vụ và truyền giáo, thì ngoài những việc như thế, còn cần có ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Bởi vì, rất nhiều khi, chúng ta sẽ loan báo về “những điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1 Cr 2,9).

Hơn nữa, khi người loan báo Tin Mừng phải rao giảng sự khôn ngoan của thánh giá, của bí tích Thánh Thể, là những vấn đề quá sức hiểu biết của trí khôn loài người, thì ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần sẽ mở lòng trí kẻ nói người nghe, để họ gặp gỡ được một cách nào đó “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8).

Ngay lúc này, với tình trạng yếu đau, tôi rất cần ơn khôn ngoan, để biết phục vụ Hội Thánh theo thánh ý Chúa. Không thể như trước kia, nhưng vẫn cố gắng bằng những việc bé nhỏ theo khả năng hạn chế của mình.

Ơn khôn ngoan cũng sẽ được ban cho những ai khiêm tốn cầu xin Chúa Thánh Thần.

 Một xác tín sống động

Ðể kết, tôi xin nói tắt một ý là: Suốt đời, nhất là suốt đời linh mục, tôi đã sống và hoạt động nhờ được lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Người ban cho tôi thứ ánh sáng riêng của Người và thứ lửa riêng của Người để tôi trở thành dụng cụ của Người . Ðiều tôi rất hối hận là nhiều khi tôi không đón nhận và không dùng nên tất cả các ơn Người ban.

Tôi là một dụng cụ rất mong manh, chỉ biết phó thác mình trọn vẹn cho Chúa. Chúa đã cho tôi những kho tàng quí báu. Nhưng theo thánh Phaolô nói: “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cor 4,7).

Khi bình sành là dụng cụ lỡ lầm, thì Chúa cho ơn sám hối và hy vọng. Thành ra, suốt con đường tôi đã đi là một chuỗi dài những lãnh nhận, để tôi không thể tự hào, mà chỉ biết tạ ơn. Tôi tạ ơn Chúa, cảm ơn Quê Hương và mọi ân nhân. Còn sống ngày nào, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, hầu có thể đền đáp phần nào ơn Ðấng đã gọi, đã chọn, đã sai đi, đã luôn xót thương tha thứ, và không ngừng đào tạo kẻ Người thương muốn.

Phải chăng đó cũng là một chứng từ sống động của Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Với những gì tôi đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, tôi có thể quả quyết rằng: Không những tôi tin, tôi xác tín, mà tôi còn cảm nghiệm một cách sống động sức mạnh của lời Chúa Giêsu đã hứa xưa: “Thầy sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Long Xuyên, ngày 29 tháng 6 năm 2003