Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

NHÂN LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ
Thông Phần Ðau Khổ Của Chúa Giêsu

Tôi không thích đau khổ.

Nhưng khi nhìn những đau khổ của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy xót xa, trân trọng.

Lúc nhận ra rằng: Người chịu đau khổ vì tình yêu, tôi tự nhiên gần lại đau khổ, với cảm xúc thân thương.

Cho tới khi tôi gặp Người đang đau khổ đi tìm tôi, để cứu chuộc tôi, tôi ôm lấy Người, và tất nhiên cũng ôm lấy đau khổ của Người.

Từ đó, những đau khổ mà Người chia sẻ cho tôi mang một ý nghĩa mới, gây nên những tình cảm mới, mời gọi những dấn thân mới. Thứ đau khổ ấy trở thành một giá trị hết sức lớn lao và quan trọng.

Có thể cũng từ những cảm nghiệm như thế, mà thánh Phaolô đã ước ao “được thông phần những đau khổ của Chúa Giêsu” (Pl 3,10).

Ước ao trên đây của thánh Phaolô là một chỉ hướng cho tôi trước vấn đề “được thông phần đau khổ của Chúa Giêsu”. Tôi cho đây là nguồn ơn gọi cao quý.

 Những ơn gọi cao quý

Trước hết đau khổ là vinh dự đi kèm với ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu.

Chúa phán: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24). Ba điều kiện: từ bỏ mình, vác thập giá mình, bước theo Chúa Giêsu, tất cả đâu là chuyện dễ. Phải phấn đấu nhiều, phấn đấu thường xuyên. Những phấn đấu ấy bao giờ cũng gây nên nhiều khổ đau thể xác và tinh thần. Nhưng, chấp nhận những đau đớn ấy để nên môn đệ Chúa, tôi cho là một vinh dự , một lời lãi.

Nhất là vì thế, mà người môn đệ Chúa lại được gọi bước lên một bậc nữa, đó là ơn gọi trở nên giống Thầy mình. Thánh Phaolô đã diễn tả ơn gọi đó bằng câu nói sau đây: “Nên đồng dạng đồng hình với Chúa Giêsu trong cái chết của Người” (Pl 3,10).

Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết thế nào? Thưa là tụ điểm của mọi thứ xúc phạm, mọi thứ khích bác, mọi thứ nhục hình tấn công Người.

Tôi nghĩ rằng, Chúa không gọi tôi nên giống Chúa trong cái chết thê thảm tột độ đó, vì tôi quá yếu đuối. Nhưng, nếu Chúa gọi tôi chia sẻ phần nào, để cũng được kể là đồng dạng đồng hình với Chúa Giêsu, thì tôi cho đó là một ơn gọi quí giá, một ân huệ lớn lao.

Thực ra, yếu tố làm cho đau khổ của Chúa trở thành cao quý, chính vì nó là một mặt của tình yêu cao quý. Vì yêu mà chịu khổ. Vì xót thương mà chịu chết. Chịu khổ, chịu chết để đền tội thay, để làm giá cứu độ nhân loại.

Chính từ đó, mà thánh Phaolô nhìn thấy được thông phần đau khổ của Chúa Giêsu với “hy vọng sẽ được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,11). Ơn gọi sẽ được sống lại với Chúa Giêsu, đó là một ơn gọi có tính cách ban thưởng sau cùng.

Khi nhìn đau khổ trong ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu trong ơn gọi nên nên giống Người để cứu chuộc nhân loại, cũng như trong ơn gọi được cùng với Người vào cõi sống lại, tôi nhìn đau khổ với một cái nhìn của đức tin và của đức ái. Nhờ vậy, mà tôi bớt sợ đau khổ, sẵn sàng thông phần đau khổ của Chúa Giêsu. Trong tư thế đó, tôi đi gặp Chúa Giêsu.

 Gặp gỡ Chúa Giêsu đau khổ

Tôi gặp Chúa Giêsu trong lịch sử 2000 năm về trước. Lịch sử này được ghi trong Phúc Âm và truyền thống.

Tôi cũng gặp Người trong lịch sử hôm nay. Lịch sử này đang là dòng thời sự. Tôi tạm dừng lại ở dòng thời sự hôm nay.

Trong dòng thời sự hôm nay, tôi thấy Chúa Giêsu cũng đang đau khổ.

Người đau khổ trước hết trong chính Hội Thánh của Người. Chỉ một hiện tượng này thôi cũng đã làm Người đau khổ rất nhiều. Ðó là hiện tượng nhiều người tín hữu mang một thứ đức tin chết. Thánh Giacôbê nói: “Ðức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17) ... “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24). Những hành động mà Chúa Giêsu nhấn mạnh là bác ái và phục vụ khiêm nhường. Nhưng thực tế cho thấy những hành động đó còn rất thiếu tại nhiều nơi, nhiều người trong Hội Thánh.

Ngoài ra, trong lịch sử hôm nay, Ðức Kitô cũng đau khổ trong những người nghèo nàn cùng khổ. Xưa cũng như nay, Người vẫn khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi không thương giúp một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).

Hơn nữa, trong thế giới hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đau khổ, vì một số người số nơi không nhỏ luôn khăng khăng từ chối Tin Mừng. Chúa phán: “Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, họ đã không có tội. Nhưng nay họ đã thấy, mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy” (Ga 15,24).

Chính vì sự cố tình từ chối Tin Mừng, nhiều người đã đánh mất tình người, thậm chí đánh mất cả tính người, để rồi từng bước đi vào cái chết thê thảm. Họ sống giả trong cái chết thực. Chúa Giêsu đau đớn, vì thấy sự tự do, mà Thiên Chúa ban cho họ, đã bị lạm dụng. Thay vì chọn con đường lên cõi phúc đời đời, cho dù con đường đó hẹp và lầy lội, họ đã chọn con đường xuống cõi khổ muôn kiếp, chỉ vì con đường đó rộng và bằng phẳng.

Gặp Ðức Kitô hôm nay, tôi thấy đau khổ vẫn vây quanh Người. Người vẫn là Ðức Kitô hôm qua và thuở trước. Ðau khổ vì yêu. Nhờ đau khổ vì yêu, mà hy vọng kéo được nhiều thiện chí về với Tin Mừng.

Thấy thế, tôi ao ước được thông phần đau khổ với Người.

 Cách thông phần đau khổ với Chúa Giêsu

Tôi thực hiện ao ước này, trước hết bằng sự chính tôi phải cố gắng hết sức mình, đừng làm cho Ðức Kitô phải khổ.

Sám hối, cầu nguyện và phấn đấu làm việc bổn phận mình một cách tốt nhất có thể.

Thực tình mà nói, trong một địa vị nào bất cứ, người ta muốn sung sướng theo ý riêng, thì vẫn có cách để sung sướng, còn muốn tận tuỵ, lo hết việc này đến việc nọ, cho Nước Trời theo ý Chúa, thì vẫn không tránh được vất vả, thậm chí phải đón nhận cả đến những khổ đau. Nhưng thiết nghĩ, thà mình được đau khổ vì Chúa và vì Hội Thánh, còn hơn là được sung sướng, thoải mái vì tư lợi cho mình.

Ngoài ra, thông phần đau khổ của Chúa trong thời sự hôm nay còn là thông phần đau khổ của nhân loại nói chung, và của những người nghèo, người bệnh tật, người bị áp bức nói riêng. Thông phần với họ không phải chỉ là tìm cách cứu giúp, mà nhất là bằng sự chia sẻ đời sống của họ qua sự đồng hành, đồng cảm, đồng khổ, đồng phấn đấu.

Theo kinh nghiệm mục vụ, tôi thấy khả năng nhạy cảm là một yếu tố cần cho sự thông phần đau khổ của Chúa và của những người xung quanh.

Khả năng nhạy cảm đó thường do trực giác. Trực giác rung động cảm giác. Cảm giác đánh thức cảm xúc. Cảm xúc thúc đẩy cái tâm. Cái tâm ảnh hưởng đến lý trí và ý chí, để đưa ra ngôn ngữ, và hành động thích hợp.

Như vậy, có thể nói, vấn đề thông phần đau khổ của Chúa, của Hội Thánh Chúa, và của tha nhân tuỳ thuộc rất nhiều ở cái tâm.

Huấn luyện cái tâm của mình trong trường trái tim Mẹ Maria là một quyết định sơ khởi của những ai muốn thông phần đau khổ của Chúa Giêsu. Bởi vì trái tim Mẹ có rất nhiều kinh nghiệm về ơn gọi cao quý đó.

Long Xuyên, ngày 5 tháng 9 năm 2003