Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Nguyện Cầu Trong Mùa Vọng
Và Mùa Giáng Sinh

Mùa Vọng và mùa Giáng Sinh có những lời cầu riêng, thích hợp. Một số do Hội Thánh chỉ định. Một số do các nhóm soạn ra. Một số do từng người tự phát.

Phần tôi, năm nay, tự nhiên thấy bị thúc đẩy đưa tinh thần cầu nguyện về ba nhu cầu sau đây:

 Nhu cầu rút vắn khoảng cách

Nếu tôi không lầm, thì giữa những lời Chúa dạy trong Phúc Âm và thực tế đời sống nhiều người chúng ta có một khoảng cách lớn. Nghĩa là Chúa dạy một đàng, ta sống một nẻo. Chỉ xin nêu lên vài thí dụ:

Chúa dạy hãy giữ thái độ âm thầm khi làm việc lành phúc đức, như khi làm từ thiện (Mt 6,1-4), khi cầu nguyện (Mt 6,5-6), khi ăn chay (Mt 6,16-18). Thế nhưng, trong thực tế, nhiều khi ta đã không vâng lời Chúa mà làm việc đạo đức một cách âm thầm. Thay thế âm thầm là phô trương. Một thứ phô trương nhiều khi lố bịch, ấu trĩ và phản Tin Mừng.

Rồi, Chúa dạy sống đạo là hãy đi vào đường hẹp, cửa hẹp (Mt 7,13-14), hãy vác thánh giá mình mà theo Chúa (Mt 10,38), hãy học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29). Thế nhưng, trên thực tế, nhiều khi đời sống ta lại rất khác với những Lời Chúa trên đây. Sống tự do buông thả, sống kiêu căng gian ác, mà vẫn coi khoảng cách như thế là bình thường.

Nhất là đức bác ái, yêu thương. Bác ái được Chúa xác định là căn bản của đạo (Mt 22,37-40), là giới răn mới mà Chúa cứu thế đã trối lại (Ga 14,34), là dấu chỉ người môn đệ Chúa (Ga 14,35). Thế nhưng, thực tế chưa chứng minh được Lời Chúa truyền dạy trên đây được nhiều người chúng ta quan tâm đúng mức. Ðến nỗi, không thiếu chứng từ cho thấy bác ái yêu thương không còn được coi là hình ảnh chính thức của đạo Chúa nữa.

Ðáng buồn hơn cả là nơi một số người chúng ta, giữa lời đạo đức và thực tế đời sống có một khoảng cách sâu rộng. Thực tế đáng buồn này làm người ta nhớ lại khoảng cách xưa nơi giới kinh sư và Pharisêu, khiến Chúa Giêsu phải lên tiếng chỉ trích nặng nề (Mt 23,1-32).

Những khoảng cách như trên thực đáng lo ngại. Cầu xin Chúa cho những khoảng cách đó được rút vắn lại, thiết tưởng đó là nhu cầu chính đáng để dọn đường Chúa đến.

Còn một nhu cầu chính đáng khác nữa, đó là nhu cầu xoá được ngăn cách.

 Nhu cầu xoá được ngăn cách

Chúa Giêsu nói rõ: Chúng ta cần phải được sinh lại bởi ơn trên (Ga 3,3), để nên con Chúa, được thông hiệp vào sự sống của Chúa.

Sự thông hiệp đó phải hết sức mật thiết. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh cành gắn chặt vào thân cây (Ga 15,6).

Thánh Phaolô thực hiện điều đó. Ngài diễn tả như sau: “Tôi tin chắc rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Ðức Kitô Giêsu. Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).

Gắn bó mật thiết với Chúa như vậy mới đúng là cách thờ phượng, mà Chúa muốn.

Gắn bó mật thiết với Chúa như vậy tất nhiên đòi phải từ bỏ mình, để biến bản thân mình làm của lễ, như lời thánh Phaolô dạy: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).

Thế nhưng, trên thực tế, chúng ta tự nuôi dưỡng biết bao ngăn cách, không cho ta gắn bó với Chúa, không cho ta thờ phượng Chúa một cách xứng hợp.

Tệ hơn nữa, không thiếu trường hợp người ta lại nhân danh việc thờ phượng Chúa, để kiếm tư lợi. Ðôi khi đâu có hiến chính mình làm của lễ cho Chúa, mà là chờ những kẻ khác hiến thay cho mình.

Những sự việc như thế không những là khoảng cách giữa thực tế và Tin Mừng, mà còn là một ngăn cách đớn đau. Nó ngăn người ta nhận ra Tin Mừng. Nó cản người ta đi về với Chúa.

Xin Chúa thương xoá đi những ngăn cách, ít là về phía chúng ta, nếu do chúng ta gây ra và chúng ta phải chịu trách nhiệm.

Ngoài khoảng cách và ngăn cách, tôi thấy còn một vết thương nơi ta cần được chữa lành, đó là phân cách.

 Nhu cầu chữa trị phân cách

Ðã có một thời, nhiều người có đạo quen phân cách ai là kẻ lành, ai là kẻ dữ. Việc phân cách được thực hiện một cách đơn giản. Thí dụ: “Kẻ lành là kẻ giữ đạo nên, kẻ dữ là kẻ chẳng có đạo và kẻ giữ đạo chẳng nên” Câu đó trích từ một kinh bản hỏi được phổ biến trước đây tại vài giáo phận.

Thêm vào thói quen phân cách con người, nhiều nơi còn có thói quen phân cách các tôn giáo. Việc phân cách này cũng được thực hiện một cách đơn giản. Thí dụ: “Ngoài đạo Công giáo, không ai được ơn hưởng hạnh phúc thiên đàng”.

Một phân cách nữa vẫn còn xuất hiện đó đây, đó là phân cách kẻ giàu người nghèo.

Những phân cách như thế gây nên những xa cách, những vết thương, những mặc cảm, những chia rẽ.

Về điểm này, thánh Phaolô viết: “Dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi xin nói với từng người trong anh em: Ðừng đi quá mức khi đánh giá mình” (Rm 12,3).

Còn Chúa Giêsu thì khuyên môn đệ phải rất cẩn trọng trong việc phân định. Người phán: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy... Sao anh em thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7,1-3).

Chúa dạy rõ như thế. Nên tôi thiết nghĩ: Việc quan trọng nhất của người con Chúa là hãy sống theo ý Chúa, vâng phục ý Chúa.

Thánh ý Chúa là mỗi người chúng ta hãy xây dựng chính mình, không phải theo ý mình muốn, cũng không phải theo dư luận thích, mà chỉ theo thánh ý Chúa mà thôi.

Thánh ý Chúa là mỗi người chúng ta hãy là chứng nhân, không phải của một nền văn hoá, của một truyền thống, mà là chứng nhân của Tin Mừng.

Thánh ý Chúa là con người của ta hãy toả sáng tình yêu, một tình yêu trong tự do và với tinh thần trách nhiệm, theo một bậc thang giá trị được Phúc Âm chỉ dẫn.

Phúc Âm mùa Vọng và mùa Giáng sinh nhắc nhở rất nhiều đến Tỉnh thứcCầu nguyện, và đề cao Khiêm nhường bác ái trong bậc thang giá trị của chương trình cứu độ.

Chúng ta có quyền hy vọng, nếu chúng ta tỉnh thức, cầu nguyện và khiêm nhường, bác ái, thì những khoảng cách, ngăn cáchphân cách sẽ được Chúa thương chữa trị.

Nếu không tỉnh thức, cầu nguyện và khiêm nhường, cứ chủ quan tự tôn tự đại, coi thường các dấu chỉ của thời đại, thì tôi sợ tương lai Hội Thánh ta sẽ khó tránh được những mất mát đau lòng.

Trong trường hợp chẳng may đó, chúng ta nên vững tin chạy lại bên Chúa. Bởi vì Chúa vẫn là Ðấng cứu độ ta. Người sẽ đến ban ơn cứu độ cho những ai sám hối khiêm nhường và khát khao đón nhận Người.

Chúa giàu lòng thương xót đang đến một cách rất âm thầm và một cách rất nghèo. Nhưng lịch sử rồi sẽ còn thấy nhiều bất ngờ như Noël xưa.

Long Xuyên, ngày 7 tháng 12 năm 2003