Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Một Gặp Gỡ Buồn

Từ kho tàng kỷ niệm, trong ký ức của tôi, có một hình ảnh hay bất chợt hiện ra. Ðó là hình ảnh một cảnh chết tang thương.

Tôi chứng kiến cảnh chết này, lúc tôi còn rất trẻ. Cảnh chết này đã đào sâu con người tôi. Tôi muốn quên mà không quên được. Suy đi nghĩ lại, tôi cho rằng: Có những đau buồn, mình nên nhớ, mình dám nhớ, mình cần nhớ.

Ðối với tôi, đây không là một hình ảnh để tả lại, nhưng là một ray rứt để gẫm suy.

Tháng Ba năm ấy, nay quen gọi là tháng Ba đói của năm Ất Dậu, 1945, tôi đang sống tại đất Bắc. Phải nói là cảnh đói bấy giờ khủng khiếp không thể tưởng. Ðúng là một một chặng đường lịch sử ảm đạm, âm u, sầu thảm. Nhiều người đói quá, đã chết vì đói. Nhiều người đói quá, nên đành bỏ nhà, bỏ quê.

 Một gặp gỡ buồn

Chiều hôm ấy, tôi đi bộ từ Thái Bình về Thượng Phúc. Ðường vắng. Thỉnh thoảng tôi gặp những thân người tiều tuỵ ốm o, lê bước, ngẩn ngơ, mệt mỏi. Họ đi kiếm ăn. Ði một mình, hoặc đi chung gia đình. Họ tìm bới hy vọng ở những đám cỏ, ở những đống rác bụi cây.

Ðến gần một bờ sông, tôi thấy ba người gầy guộc nằm bất động. Một phụ nữ trẻ đã chết, tay vẫn ôm đứa con nhỏ. Ðứa con nhỏ cũng đã chết, miệng còn ngậm vú người mẹ đã chết. Một người đàn ông trẻ nằm sát bên kia đứa nhỏ đã chết, tay như đang cố với tìm chiếc chiếu rách cạnh bên, để đắp cho vợ con. Anh ngấp ngoáy chết. Tôi nghẹn ngào ngồi lại. Anh nhìn tôi. Vài phút sau, anh tắt thở.

Tôi không có gì để giải quyết cảnh tang thương đó. Tôi tiếp tục tiếp nối cuộc sống họ để lại. Với tình cảm xót thương dạt dào, tôi cảm nhận nỗi khổ đau và tuyệt vọng họ trối lại cho tôi.

Tôi tự an ủi mình là những người này đã được an táng trong trái tim tôi. Họ như những người thân đồng hành với tôi. Thỉnh thoảng họ có những nhắn nhủ nhẹ nhàng, thân thương, để giúp tôi biết sống. Sống sao cho xứng là người. Sống sao cho xứng là môn đệ Ðức Kitô. Một trong những điều kiện để được thế, là hãy biết thương cảm, xót thương.

 Biết thương cảm, để nên người

Ðã từ lâu, nhưng nhất là từ cuộc gặp gỡ đau buồn ấy, tôi tự nhiên phân định: Ai là người mà không nên người. Ai là người mà xứng là người. Khác nhau ở chỗ biết xót thương người hay không.

Dần dần, tôi xác định với tôi: Biết xót thương người là một chiều kích tâm linh làm cho một người trở nên người đích thực.

Ðến một kinh nghiệm trưởng thành hơn, tôi dám nghĩ rằng: Phải biết xót thương người, để có thể biết suy tư về con người.

Nếu những suy tư và cách suy tư của một người phác hoạ nên chân dung của chính người suy tư, thì tâm tình xót thương của họ sẽ là dây chỉ vàng xuyên suốt dòng suy tư của họ. Nhờ đó chân dung người suy tư sẽ toát ra được nét đẹp của cái tâm nhân hậu.

Cuộc đời không thiếu những dữ dằn. Lịch sử có vô số những độc ác. Nhưng nếu mọi người hay ít là phần đông con người tại quê hương ta có một chiều kích nội tâm nặng tình xót thương, thì loài người nói chung, và đồng bào ta nói riêng, sẽ nên người hơn. Nếu không, thì cho dù văn minh tiến, văn hoá cao, kinh tế mạnh, con người sẽ ít nên người. Và như vậy, khủng hoảng sẽ nẩy sinh thêm khủng hoảng. Một dây chuyền khủng hoảng, từ tư tưởng đến đời sống, sẽ đưa lịch sử giật lùi về phía sau: Con người chưa phát triển tính người. Hậu quả sẽ rất tệ hại, nhất là khi đem cảnh đó soi dưới ánh sáng Phúc Âm.

Trong Phúc Âm thánh Matthêu, khi nói về ngày phán xét chung, Chúa Giêsu nhắm đặc biệt đến những người có tình xót thương. Xót thương kẻ đói khát. Xót thương kẻ rách rưới. Xót thương người bệnh, người tù. Chúa Giêsu nói rõ: "Ta bảo thật, mọi việc các con làm cho một người trong những kẻ bé mọn nhất của Ta, là các con làm cho Ta" (Mt 25,40).

Tất nhiên, xót thương nói đây là xót thương thực sự bằng tình cảm và việc làm, chứ không phải chỉ xót thương trong lý thuyết hoặc bằng lời nói suông. Biết xót thương và sống xót thương chính là phát triển tính người nơi ta.

Hơn nữa, biết xót thương và sống xót thương còn là đặc điểm người môn đệ Chúa Kitô.

 Biết xót thương, để nên môn đệ Ðức Kitô

Qua mấy xác chết tôi gặp chiều xưa ấy, Chúa vẫn đánh thức lương tâm tôi trên đường sống ơn gọi của người môn đệ Ðức Kitô tại Việt Nam hôm nay.

Tại Việt Nam hôm nay, tôi thấy có những người đang đói. Họ đói nhiều thứ lương thực cần thiết. Số người đang đói lương thực Tin Mừng là rất đáng kể.

Cùng với Hội Thánh Việt Nam, tôi cố gắng góp phần bé nhỏ của tôi, để phục vụ những người đang nghèo đói, nhất là trong lĩnh vực Tin Mừng. Rất nhiều người đang làm gương cho tôi về việc đó.

Tuy nhiên, xem ra phần đông đồng bào chúng ta chưa nhận ra những người công giáo là chứng nhân thực sự của "Thiên Chúa tình yêu" (1 Ga 4,6). Rất nhiều người cũng vẫn chưa nhận ra cả nơi các môn đệ Ðức Kitô sức sống của giới răn mà Ðức Kitô tha thiết để lại. Ðó là "yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương" (Ga 14,34). Rất nhiều người cũng vẫn chưa nhận ra đặc điểm của người tin theo Chúa là yêu thương phục vụ con người vì Chúa (x. Ga 13,35).

Lỗi tại đâu?

Từ ít lâu nay, tôi thấy trong Hội Thánh tại Việt Nam đang rộ lên tưng bừng những lễ lạy, những mở mang, những bồi dưỡng, những quy tụ, những tổ chức, những biểu dương quyền chức. Ðiều đó đáng quan tâm. Nhưng cũng đáng ngại, nếu những phát triển đó không cân đối với sự phát triển lòng xót thương, tình bác ái. Theo tâm lý, sự phát triển khập khiễng đó sẽ làm yếu đi sức thu hút thiêng liêng của đạo. Theo đạo đức, với sự kiện như thế, nhiều hoạt động tôn giáo sẽ dần dần không còn là máng chuyên chở ơn thánh vào các linh hồn.

Thực đáng buồn, nếu cảnh những người chết đói Tin Mừng lại diễn ra, ngay trong hoàn cảnh có nhiều người được nhận chức rao giảng Tin Mừng và có nhiều phương tiện làm chứng cho Tin Mừng qua 8 mối phúc và 14 mối thương xót.

Nhiều người sống đói, túng nghèo, cơ cực, cô đơn. Trước cảnh đó, thương cảm hay vô cảm của chúng ta sẽ được Chúa phơi bày rõ rệt và phân xử công minh trong ngày phán xét (x. Mt 25,31-46).

Long Xuyên, ngày 13 tháng 11 năm 2004