Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Một Thoáng Nhìn Lại
Một Năm Thánh Lễ

Năm Phụng vụ 2004 bắt đầu từ Chúa nhật I Mùa Vọng, tức ngày 30/11/2003.

Nhân dịp này, tôi thiết nghĩ: Sẽ không phải vô ích, nếu chúng ta nhìn lại một năm thánh lễ. Nhìn lại với hai việc này:

Một là ta cảm tạ Chúa đã ban cho ta được dâng và tham dự thánh lễ trong nhiều dịp suốt một năm qua. Thánh lễ là nguồn tuôn chảy muôn vàn ơn thiêng cao quý.

Hai là ta xét mình, xem ta đã đón nhận thế nào các ơn của thánh lễ, cho việc đổi mới bản thân, cho việc truyền giáo và cho việc xây dựng hoà bình hiện nay đang là nhu cầu số một.

Ở đây, tôi sẽ không đi vào chi tiết của hai việc gợi ý trên, mà chỉ nhắc qua vai trò quan trọng của việc tế lễ trong đời sống đạo. Hy vọng nhờ ý thức đó, mỗi người sẽ tự thực hiện được việc cảm tạ và xét mình theo cách của mình.

Tế lễ là việc vốn được coi là căn bản của mọi tín ngưỡng. Riêng đối với đạo Công giáo chúng ta, việc tế lễ càng được coi là cực kỳ quan trọng. Bởi vì tế lễ của ta không phải do tự ý ta muốn làm gì thì làm, nhưng phải làm những gì Chúa truyền dạy.

Ðể có một chút nhận thức về vấn đề này, ta nên tìm hiểu trong Kinh Thánh.

 Thờ phượng Chúa trong sa mạc

Ðọc sách Xuất Hành, chúng ta thấy một lý do được nhắc tới như một động lực để xuất hành. Ðó là dân Israel được Chúa truyền ra khỏi Ai Cập, để tới một miền đất dành riêng cho mình.

Nhưng cũng còn một lý do khác không kém quan trọng, được chính Chúa truyền đạt cho vua Pharaon. Ðó là “Hãy cho dân Chúa ra đi, để chúng tế lễ thờ Chúa của họ trong sa mạc” (Xh 7,16).

Tế lễ cách nào, thì Chúa đã mạc khải dần dần.

Trước hết, phải tế lễ thờ phượng Chúa trong nơi thanh vắng, với tất cả những gì mình có.

Chúa đòi điều đó một cách dứt khoát.

Ban đầu, Pharaon đồng ý cho Israel tế lễ thờ phượng Chúa trong Ai Cập, không cần đi vào sa mạc. Nhưng, Môisen, theo lệnh Chúa, trả lời Pharaon: “Chúng tôi phải đi ba ngày vào sa mạc, mới tới được nơi Chúa muốn chúng tôi tế lễ” (Xh 8,23).

Bị nhiều cảnh cáo, Pharaon miễn cưỡng hứa cho phép Israel ra đi, với điều kiện là không được đi quá xa. Nhưng Chúa không chịu (Xh 8,24).

Sau nhiều điều đình, Pharaon đồng ý cho phép chỉ các người đàn ông được ra đi mà thôi. Nhưng Chúa không chấp nhận (Xh 10,11).

Sau nhiều hình phạt, chịu không nổi, Pharaon đành nhượng bộ. Ông hứa cho phép toàn dân được ra khỏi Ai Cập. Nhưng phải để lại chiên cừu bò dê (Xh 10,24). Chúa không chấp nhận.

Sau cùng, dưới áp lực của nhiều thứ tai hoạ Chúa giáng xuống, Pharaon mới chịu để dân Israel ra đi, mang theo các súc vật, của cải (Xh 12,21-22).

Trong sa mạc, từ núi Sinai, Chúa đã ban bố luật pháp, luân lý và phụng vụ. Riêng về phụng vụ, Chúa chỉ dẫn từng chi tiết phải thực hiện. Như Nhà Tạm, khung lều, hòm bia, bàn để dâng lễ, khuôn viên, dầu thắp đèn, phẩm phục các tư tế, lễ vật...

Tất cả như một giao ước. Ðể chứng minh dân Israel chỉ tế lễ thờ phượng một Thiên Chúa mà thôi. Ðó là Thiên Chúa đã cứu họ, đã giải thoát họ, một Thiên Chúa mà họ xin ơn tha tội, ơn đền tội, và ơn bình an.

Tuy nhiên, việc tế lễ thờ phượng Chúa trong sa mạc như thế này, tuy dầu chưa hoàn thiện, cũng dần dần mất đi chiều kích tinh thần, mà chỉ còn nặng nề về hình thức. Và bị lạm dụng cho nhiều mục đích xấu. Vì thế, Chúa đã giáng trần, để sửa lại.

 Thờ phượng Chúa trong Chúa Giêsu

Chính Chúa Giêsu đã mạc khải về sự chấm dứt kiểu thờ phượng cũ, khi Người nói với các người Israel: “Các ông phá đền thờ này, nhưng trong ba ngày, tôi sẽ dựng lại” (Ga 2,19). Có nghĩa là sự phá thân xác Người trên thánh giá sẽ đánh dấu ngày kết thúc việc thờ phượng Chúa trong đền thờ, và sự Người phục sinh sẽ khai mạc một cách tế lễ thờ phượng mới. Ðó là thân xác phục sinh của Người trước mặt Thiên Chúa sẽ trở nên nơi thờ phượng. Người có ý nói về phép Thánh Thể. Phép Thánh Thể sẽ là nhà cầu nguyện. “Nhà của Ta sẽ được gọi là một nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc” (Mc 11,17).

Cách tế lễ thờ phượng này tương hợp với lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria. Ðây là cách tế lễ thờ phượng mang chiều kích rộng lớn, phổ quát, vì đây là cách “thờ phượng bằng tinh thần và trong chân lý” (Ga 4,23). Trong cách tế lễ thờ phượng này chính Chúa Giêsu sẽ vừa là đền thờ, vừa là của lễ.

Về điều này, tác giả thư gởi Do Thái đã viết: “Khi vào trần gian, Ðức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa, như sách thánh đã chép về con” (Dt 10,5-7).

Tế lễ này chính là giao ước mới. Theo giao ước này, tất cả mọi sự ta làm, ta nói, ta muốn, đều sẽ qua Chúa Cứu thế. Người là Ðấng đã chịu chết trên thánh giá, đã sống lại. Nay Người đang ngự trong phép Thánh Thể.

Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà ta tế lễ thờ phượng Thiên Chúa,

mà ta cầu nguyện,

mà ta hoà giải,

mà ta xin ơn cứu độ,

mà ta xin ơn đổi mới

mà ta xin ơn bình an.

Với giao ước mới này, mọi tế lễ của ta sẽ qua tế lễ Chúa Kitô. Vì thế, để cụ thể hoá điều đó, tế lễ thờ phượng của ta phải tập trung vào

- Thánh Thể Chúa,

- Thánh giá Chúa,

- Lời của Chúa.

 Thờ phượng Chúa trong Hội Thánh

Với lòng tôn trọng giao ước mới, Hội Thánh đã ra nhiều chỉ thị về thánh lễ. Như nhà thờ để tế lễ. Bàn thờ để làm lễ. Các lời kinh trong tế lễ. Các lời Chúa trong tế lễ. Các nghi thức trong tế lễ. Sự thinh lặng trong tế lễ. Sự dọn mình và cám ơn sau tế lễ. Nhân sự trong tế lễ. Thánh nhạc trong tế lễ, vv...

Chính vì thế, mà thánh lễ trong Hội Thánh, dù được cử hành ở bất cứ nơi nào, cũng có thể gọi được là việc tế lễ của Hội Thánh, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, làm cho Chúa Giêsu được hiện diện giữa loài người, và nhờ vậy, mà Chúa Cứu thế đi vào đời sống mỗi người.

Do đó, thánh lễ trở nên một kho tàng ơn thánh, một vẻ đẹp vô song, một nguồn suối vô tận tưới gội các linh hồn.

Với những nền tảng trên đây, thánh lễ đã đổi mới biết bao người. Họ dâng thánh lễ. Họ tham dự thánh lễ. Thánh lễ đã giải thoát họ khỏi các xiềng xích nô lệ, khỏi các thứ tối tăm, khỏi những gian tà. Nhất là thánh lễ đã cứu họ khỏi sự chết dưới mọi hình thức, và đã cho họ sự sống mới.

Chính vì vậy, mà chính con người họ, với cuộc đời họ, trở thành vinh quang của Chúa, góp phần không nhỏ vào việc làm chứng cho Chúa trong sứ mạng truyền giáo giữa thế giới hôm nay.

Ta có được như vậy không?

Hiện nay, trên thế giới, kể cả tại Việt Nam, việc tế lễ thờ phượng Chúa đang có nhiều biến chuyển. Có biến chuyển tốt, và có biến chuyển xấu.

Mỗi người chúng ta nên tự xem lại chính mình. Ta có biết khiêm nhường đón nhận những ơn Chúa sẵn sàng ban cho ta, nếu ta biết thông hiệp vào lễ tế của Chúa Giêsu không?

Hoặc chẳng may chính ta đã có phần nào làm cho việc tế lễ thờ phượng do Chúa truyền dạy, trở nên tục hoá. Vì tế lễ đó đã biến thành một thứ hàng hoá với nhiều thứ giá trả bằng tiền bạc, hoặc một thứ hình thức trống rỗng nội tâm, hoặc một thứ máy móc công nghệ trình diễn, hoặc một thứ lễ hội ồn ào, chỉ chăm chú nhìn vào chủ tế và nhìn nhau hơn là tập trung vào Chúa Giêsu.

Xin Chúa Giêsu thương ban ơn cho ta bước vào năm Phụng vụ mới, với tinh thần phụng vụ mới mà Chúa muốn, và do chính Chúa ban cho.

Long Xuyên, ngày 20 tháng 11 năm 2003