Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Ðời Sống Nội Tâm,
Một Ưu Tiên Của Môn Ðệ Chúa

Tại Việt Nam hôm nay, nhiều cộng đoàn đức tin đang tự hào với những phát triển của mình. Phát triển về cơ sở, về của cải, về nhân sự, về các hoạt động tôn giáo và xã hội.

Nhưng trước những phát triển đó, không thiếu người lại lo về một sự kiện không được phát triển đủ. Sự kiện đó là đời sống nội tâm.

Lịch sử quá khứ cho thấy: Ðời sống nội tâm nghèo là một yếu tố đã làm suy tàn biết bao giáo đoàn và tu viện. Lịch sử hiện tại cũng đang báo động: Ðời sống nội tâm không được ưu tiên chăm sóc đang là sự kiện đưa một số cộng đoàn đức tin ra khỏi chức năng làm men làm muối Tin Mừng cho xã hội hôm nay.

Tôi cũng đang rất lo như thế cho chính bản thân tôi.

Vì thế, tôi xin chia sẻ rất vắn tắt về một ít điều, tôi đang lo cho đời sống nội tâm của tôi.

 Ý thức về đời sống nội tâm

Tôi khởi sự hiểu về vai trò ưu tiên của đời sống nội tâm, từ câu Chúa Giêsu phán: “Chúng con đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây. Cha chúng con trên trời thừa biết chúng con cần tất cả những thứ đó. Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,31-33).

Với lời trên đây, Chúa Giêsu không dạy chúng ta đừng lo cho các chi tiết đời sống. Nhưng điều Người muốn dạy là: Hãy ưu tiên tìm kiếm một điều quan trọng nhất. Người muốn chúng ta thay đổi trọng tâm của các lo âu, xác định đâu là lo âu ưu tiên chính yếu của mình, đâu là chỗ ta phải đặt trái tim ta vào, như nhà ở ổn định của ta.

Trung tâm quan trọng đó, ưu tiên chính yếu đó, nhà ở ổn định đó được Chúa Giêsu gọi là Nước Thiên Chúa. Dựa trên Phúc Âm, tôi hiểu một cách mộc mạc thế này:

Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu, Ðấng luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, luôn sống thông hiệp mật thiết với Chúa Cha, trong hoạt động yêu thương của Chúa Thánh Thần.

Như vậy, Nước Thiên Chúa không phải là một địa lý, một hệ thống quyền lực, nhưng là một Ðấng sống động, một tình yêu chan hoà, một hoạt động đầy ánh sáng chân lý phát xuất từ Thiên Chúa.

Tôi gọi sự sống đó là sự sống thiêng liêng. Và sự sống thiêng liêng đó, khi chi phối nội tâm, sẽ chính là sự sống nội tâm.

 Ðặc điểm của đời sống nội tâm

Trình bày trên đây của tôi là hết sức đơn giản, thô sơ, nhưng hy vọng cũng có thể cho thấy đặc điểm của người có đời sống nội tâm dồi dào.

Một đặc điểm nổi bật của họ là luôn cố gắng hiệp thông với Chúa Giêsu, để có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, nhưng chính Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Sự hiệp thông này phải thực sự ở trong Chúa Thánh Thần, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là lửa yêu thương. Người giúp cho cuộc đời ta được phong phú, được đổi mới, được biết sáng tạo theo kế hoạch cứu độ của Chúa.

Một đặc điểm dễ thấy nữa nơi người sống nội tâm là luôn tìm thánh ý Chúa Cha, luôn đón nhận thánh ý Chúa Cha, luôn cộng tác với thánh ý Chúa Cha.

Họ biết rằng: Chúa Giêsu đã cứu chuộc loài người, không phải chỉ nhờ lời nói việc làm yêu thương dành cho nhân loại, mà chính vì Người đã nói, đã làm, đã sống theo ý Chúa Cha. Sự vâng phục thánh ý Chúa Cha là trung tâm cuộc đời Ðấng Cứu thế.

Một đặc điểm nữa cũng dễ nhận thấy nơi người sống nội tâm là tha thiết với việc loan báo Tin Mừng. Tin Mừng, mà họ loan báo là tất cả những niềm vui khôn tả, họ đã lãnh nhận từ Thiên Chúa là tình yêu vô biên: Chúa Cha tạo dựng giàu lòng thương xót, Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ khiêm nhường nhân ái, Chúa Thánh Thần là nguồn sống đổi mới ban an ủi và bình an.

Chính nhờ một Tin Mừng như thế, mà người sống nội tâm có một tấm lòng tha thiết quan tâm đến mọi người. Càng là những người nghèo khó bất cứ về phương diện nào, họ càng là đối tượng gần gũi của những người sống dồi dào sức sống nội tâm.

 Kỷ luật của người sống nội tâm

Ðời sống nội tâm là một ơn Chúa ban. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền nhận một cách thụ động. Chúa Giêsu nói rõ: “Các con hãy tìm kiếm” (Mt 6,33).

Tìm kiếm không có nghĩa chỉ là ước muốn, mà còn phải quyết tâm đi tìm. Ði tìm với mọi cố gắng cần thiết.

Tìm đời sống thiêng liêng của Nước Trời là một việc không dễ. Có lần Chúa Giêsu đã phán: “Những người có của thì khó vào Nước Chúa biết bao” (Mc 10,23).

Chúa Giêsu lại nói thêm: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Thầy” (Mt 16,24).

Ðó là một khung kỷ luật của người đi tìm đời sống nội tâm. Ở đây, tôi chỉ xin nhắc qua một trong những việc quan trọng trong khung đó chính là sự tĩnh mạc và cầu nguyện nội tâm: “Hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha của con, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của con, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho con” (Mt 6,6).

Cầu nguyện không phải chỉ là nói với Chúa, mà còn là lắng nghe Chúa. Biết thánh ý Chúa và thực thi ý Chúa trong thời buổi này là việc rất cần. Bởi vì rất nhiều người hay nói và làm theo ý riêng, ngược lại ý Chúa. Thói quen này gây nhiều tai hại.

Rất nhiều khi, Chúa cũng nói với ta về thánh ý Ngài qua cộng đoàn đạo đức, qua những người có lương tâm trách nhiệm, và qua những dấu chỉ thời đại. Một sự lắng nghe khiêm tốn với ơn phân định của Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa ta tới những lựa chọn khôn ngoan, thích hợp, có khả năng làm chứng cho Nước Trời giữa một xã hội đầy phức tạp.

Tiêu chuẩn đời sống nội tâm luôn phải là Chúa Giêsu. Mọi sự trong đời sống nội tâm phải được hướng dẫn bởi Thần Linh của Ðức Giêsu.

ù

Chia sẻ trên đây của tôi tất nhiên không nói lên đủ đời sống nội tâm. Nhưng cho dù chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc” (Mt 3,3) nó vẫn mang một hy vọng được góp phần nào vào những công trình của các đời sống nội tâm đang hoạt động đó đây. Những đời sống nội tâm ấy tuy âm thầm, nhưng rất phong phú và mạnh mẽ, thuộc nhiều thành phần khác nhau trong nhân loại nói chung và tại quê hương Việt Nam nói riêng.

Ðược Thần Linh Ðức Kitô hướng dẫn, họ đang cùng nhau đi về hướng tương lai rạng rỡ “sự công chính của Thiên Chúa” (Mt 6,33).

Long Xuyên, ngày 10 tháng 6 năm 2003