Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Truyền Giáo Và Những Chuyển Biến Nội Bộ

Trong nội bộ Công giáo chúng ta, truyền giáo được hiểu là truyền đạo chúng ta cho những người ngoài Công giáo.

Ðang khi truyền giáo, với ý hướng cao đẹp, được nêu lên như một mệnh lệnh cực kỳ quan trọng, thì trong chính nội bộ Công giáo chúng ta lại xảy ra những chuyển biến đáng ngại.

Những chuyển biến đó vốn đã có từ rất xưa. Nay vẫn tiếp tục, nhưng với những cách khác nhau.

Một số sách báo tại nhiều nơi trên thế giới đã đề cập sâu rộng đến những chuyển biến đó. Vì những mục đích: Ðể thông tin, để nghiên cứu, để báo động, để cảnh báo, để dự báo.

Tôi thiết nghĩ việc đề cập đến những hiện tượng đó là một nhu cầu hợp lý. Nó cần cho việc tái truyền giáo chính nội bộ mình.

Mà tái truyền giáo chính mình là một điều kiện quan trọng cho việc truyền giáo, nên tôi xin phép được gợi lên ở đây vài hiện tượng dễ thấy.

 1/ Hiện tượng bỏ đạo

Bỏ đạo hoặc để gia nhập đạo khác, hoặc để trở thành vô tín ngưỡng.

Theo một số tài liệu, thì hiện nay hiện tượng bỏ đạo đang phát triển mạnh. Ðặc biệt là tại Nam Mỹ, số người công giáo bỏ đạo hằng năm để gia nhập các giáo phái đang là một thách đố lớn cho Giáo Hội.

Mới rồi, một bà mẹ đến than phiền với tôi là con bà đã bỏ đạo Công giáo và đã gia nhập Phật giáo. Ðiều đáng suy nghĩ là từ ngày trở thành Phật tử, con bà trở nên sùng đạo một cách khác thường, khác hẳn thời còn theo đạo Chúa.

Cũng mới rồi, một mẩu tin nhỏ đăng trên một nội san nhỏ thuộc một nhóm nhỏ tại Pháp đã khiến tôi sững sờ.

Chuyện xảy ra tại Ðức. Một linh mục công giáo, vì mục đích giúp Công giáo và Tin Lành gần lại với nhau, đã rước lễ từ tay một mục sư. Ðược tin đó, Ðức Giám Mục giáo phận ngài đã ra lệnh tạm “treo chén” linh mục.

Phản ứng của giáo dân trước lệnh của Ðức Giám Mục đã nổ ra dữ dội.

Từng ngàn lá thư phản đối Ðức Cha được gởi về Toà Giám Mục. Từng vạn ngọn đèn đã thắp sáng kéo dài nhiều cây số trong nhiều đêm để tỏ dấu ủng hộ cha Sở. Sau cùng, một số giáo dân đã công khai từ bỏ đạo Công giáo.

Hiện tượng bỏ đạo công khai và bỏ đạo âm thầm không còn là thời sự hiếm hoi trong thời buổi hiện nay.

 2/ Hiện tượng tin đạo, nhưng không giữ đạo

Số người không bỏ đạo, vẫn tin đạo nhưng không giữ đạo, cũng đang là hiện tượng khá phổ biến.

Không giữ đạo là không thực hiện những điều đạo dạy. Có người bỏ thực hành toàn bộ. Có người chỉ thực hành một phần.

Khi tìm hiểu lý do không giữ đạo, tôi thấy nhiều nguyên nhân. Ở đây, tôi chỉ xin lưu ý đến sự phát triển rất mạnh hiện nay của ba chủ nghĩa sau đây:

a) Chủ nghĩa cá nhân.

Giữ đạo theo chủ nghĩa cá nhân là tin và giữ những gì mình tự chọn theo sự tự do cá nhân của mình. Càng ngày chủ nghĩa cá nhân càng trở thành một sức mạnh hung hãn tràn vào sự ổn định của đời lẫn đạo.

b) Chủ nghĩa tương đối.

Giữ đạo theo chủ nghĩa tương đối là không coi gì trong đạo là tuyệt đối. Lời Chúa được hiểu một cách tương đối, lúc thế này, lúc thế nọ. Các tiêu chuẩn đạo đức Phúc Âm bị lợi dụng, bị bóp méo, cũng cùng một số phận như các tiêu chuẩn thông thường của xã hội.

c) Chủ nghĩa thực dụng.

Giữ đạo theo chủ nghĩa thực dụng là thực hành những điều gì trong đạo mà mình thích, chứ không vì Chúa muốn. Trong mọi hoạt động tôn giáo, cái tôi vẫn khôn khéo vơ vào mình những lợi lộc vật chất và tinh thần. Trong nhiều trường hợp, tính thực dụng dễ dẫn con người đến chỗ bê trễ, lười biếng đối với bổn phận tu thân, dấn thân và hiến thân.

 3/ Hiện tượng giữ đạo rất ít lệ thuộc vào cơ chế

Những người giữ đạo kiểu này thường có một số đặc điểm khá rõ, như: Tôi giữ đạo không vì cơ chế bắt buộc, nhưng do quyền tự do của tôi.

Tôi thực hiện những việc đạo đức do ý muốn của tôi tự chọn, chứ không do luật lệ của cơ chế áp đặt.

Tôi có quyền linh động trong việc giữ đạo theo ý riêng tôi, chứ không giữ đạo theo một khuôn khổ cứng nhắc của cơ chế.

Tôi giữ đạo độc lập, khỏi ràng buộc của cộng đoàn.

Tôi chịu trách nhiệm việc giữ đạo của tôi trước lương tâm tôi với Chúa, chứ không dưới quyền của cơ chế tôn giáo, dù là trung ương, dù là địa phương.

ù

Trên đây là ba hiện tượng đáng ngại đang xảy ra đó đây trong Hội Thánh Việt Nam. Các hiện tượng này đang diễn biến phức tạp.

Trong một nội bộ đang có những chuyển biến như thế, phong trào truyền giáo nên chú trọng hơn đến việc tái truyền giáo. Tái truyền giáo để có những hồn truyền giáo cháy lửa truyền giáo.

Hy vọng, người truyền giáo có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Với Ðức Kitô sống trong tôi, tôi nhận thức rõ ràng: Ðức Kitô là Ðấng vô tội, nhưng Người đã tự nguyện chịu đóng đinh, chết trên thánh giá để cứu chuộc tôi.

Chính tôi là kẻ tội lỗi, đáng chịu nhiều hình phạt, kể cả hình phạt hoả ngục. Nhưng Chúa Giêsu đã thương hy sinh chính mình để cứu tôi.

Người thực là Ðấng Cứu độ tôi. Tôi phải đón nhận Người và đi theo Người. Ðó là Tin Mừng tôi muốn chia sẻ. Ðó là chân lý tuyệt đối.

Rao giảng và chia sẻ chân lý đó đòi một sự can đảm thiêng liêng.

Dửng dưng, từ chối hoặc chống lại chân lý đó cũng là một can đảm ghê gớm.

Hai can đảm cùng đều là can đảm, nhưng sẽ dẫn đưa con người tới những hiệu quả rất khác nhau.

Hồn truyền giáo của tôi sống trong xác tín đó. Nên tôi thực sự rất lo ngại, rất bức xúc trước những biến chuyển nói trên.

Long Xuyên, ngày 13 tháng 02 năm 2004