Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Ra Khơi Từ Ðâu?

Ðã lâu lắm rồi, “Ra khơi” là một mệnh lệnh ra đi truyền giáo. Chính Chúa Giêsu ra lệnh đó.

Tại Việt Nam, từ đầu năm thánh Truyền giáo bắt đầu với lễ Sinh nhật vừa qua, “Ra khơi” được nhiều nơi dùng như một khẩu hiệu phong trào.

Trong nhiều trường hợp, “Ra khơi” chỉ là ra khơi với một địa chỉ khơi khơi, trông trống vậy thôi. Không biết khởi hành từ đâu, không nhắm địa chỉ nào chính xác.

Nhận thức sự kiện đó, tôi xin phép góp vài ý kiến, rút ra từ Phúc Âm và kinh nghiệm truyền giáo.

Góp ý của tôi lần này là về một số ưu tiên trong truyền giáo.

 1/ Ưu tiên khởi hành từ nội tâm

Nội tâm nói đây là một tâm hồn cháy rực lửa mến. Họ mến Chúa yêu người một cách thiết tha. Họ có Chúa trong lòng. Họ có cảm nghiệm về Chúa. Họ đã gặp được Chúa cứu độ giàu lòng thương xót. Một Chúa đã chịu nạn chịu chết và đã phục sinh. Một Chúa là hy vọng và là hạnh phúc của họ.

Từ niềm tin và cảm nghiệm đó, họ thấy việc chia sẻ Tin Mừng là một nhu cầu bức xúc.

Và cũng từ niềm tin và cảm nghiệm đó, họ thấy sự thực quan trọng này: Truyền giáo không chủ yếu là chuyển giao một lý thuyết, mà là chia sẻ một sự sống thiêng liêng có sức biến đổi con người nên người hơn và được trở thành con của Thiên Chúa Tình yêu.

Sự chia sẻ đó được thực hiện qua con đường cầu nguyện, hy sinh, bác ái, và qua những cửa hẹp là tu thân tích đức, âm thầm nêu gương sáng.

Một người với nội tâm vừa kể, dù bị bệnh nằm liệt, cũng vẫn có thể ra khơi. Nội tâm của họ sẽ là máng Chúa dùng, để đổ ơn thánh vào nhiều tâm hồn.

Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux là một nữ tu dòng Kín, không bước ra khỏi nhà dòng vì vâng luật dòng, nhưng lại đã ra khơi truyền giáo. Nhờ nội tâm chị là của lễ tình yêu luôn cháy trong đời tu nhiệm nhặt. Chị “từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa Giêsu”. Chị đã được Hội Thánh tôn phong là bổn mạng các nơi truyền giáo.

Sự kiện Têrêsa rất đáng cho chúng ta suy nghĩ. Nhất là khi chúng ta lao mình vào những hoạt động bề ngoài, ồn ào, nhuộm màu sắc quyền lực, giàu sang, danh vọng.

 2/ Ưu tiên cho địa phương mình

Chúa Giêsu đã làm gương về ưu tiên này. Ðịa phương gồm nhiều bậc. Từ gia đình, họ hàng, xóm ngõ, cho đến thôn làng, xứ sở.

Trong các bậc của địa phương, Chúa Giêsu tỏ ra gắn bó, phục vụ, để được chấp nhận, để được mến thương. Hình ảnh của Người ăn rễ sâu vào từng cá nhân và tập thể cộng đoàn, như một hình ảnh đẹp, mà Phúc Âm đã diễn tả vắn tắt. “Con trẻ Giêsu, càng lớn lên, càng thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,46). “Ngài được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,51).

Tôi có cảm tưởng là: Ðức Kitô được địa phương thương mến, vì Người thương mến địa phương, tôn trọng truyền thống địa phương, chia sẻ các vấn đề thuộc đời sống địa phương.

Thời gian ở với địa phương là 30 năm. Ðó là một ưu tiên về thời gian, về hiện diện, về tình nghĩa, về hội nhập.

Tôi coi ưu tiên với những việc như thế là rất cần cho việc truyền giáo.

Thí dụ, tôi được sai tới địa phương này để truyền giáo. Ðây là một địa phương không công giáo, nhưng rất sùng đạo. Hằng ngày họ đọc kinh cầu nguyện, hằng tháng ăn chay ngày rằm, thường xuyên bố thí, làm việc từ thiện. Tất cả các sinh hoạt tôn giáo như thế được thực hiện tại gia, không lệ thuộc vào đền thờ, chỉ vâng phục Ðấng lập đạo của mình là một người Việt Nam đã từng sống nêu gương đạo đức tại địa phương này.

Ðây là một thực tế sống động mang sức mạnh thiêng liêng. Trước thực tế đáng kính này, nếu tôi không được địa phương chấp nhận và mến thương, chắc chắn việc truyền giáo của tôi sẽ thất bại. Còn nếu hôm nay cánh đồng truyền giáo của Tin Mừng được xanh tươi và mở rộng, thì phải nhận vai trò ưu tiên của địa phương là đúng đắn và tích cực.

 3/ Ưu tiên tỉnh thức trong Chúa Thánh Thần

Người truyền giáo là dụng cụ trong tay Chúa. Người truyền giáo là người đầy tớ của Chúa. Một dụng cụ thô thiển. Một đầy tớ bất xứng.

Nên tôi phải biết tỉnh thức lắng nghe ý Chúa. Tôi phải khiêm nhường thực thi ý Chúa.

Chưa nói tới những điều cao siêu mầu nhiệm trong đạo, chỉ nói về những gì là sơ đẳng thuộc nhân bản, tôi cũng cần đến ơn Chúa Thánh Thần, để giữ được sự quân bình và khôn ngoan, xứng với một chứng nhân của Chúa.

Cũng như người nông dân bình thường biết chọn hạt giống tốt, biết dọn đất cho tốt, biết gieo trồng đúng lúc tốt, thì người truyền giáo cũng phải biết những điều sơ đẳng đó, khi gieo hạt giống Tin Mừng.

Cũng như người chài lưới, biết ra khơi lúc nào là tốt nhất, biết thả lưới chỗ nào là có hy vọng nhất, biết cùng làm việc với những ai là an tâm nhất, biết phân biệt các loại cá trong lưới một cách chính xác nhất, thì người truyền giáo cũng phải biết những điều sơ đẳng đó, khi ra đi truyền giáo, khi chọn người cùng đi, khi gặp gỡ đủ thứ người trên đường mình đi.

Ðôi khi nhìn thấy một vài nhà truyền giáo mang vẻ đạo đức khắt khe, bức xúc trầm trọng, tôi lại nhớ tới một câu của một cha Sở nói với cậu bé giúp lễ đạo đức quá nặng nề sao đó: “Các nhân đức như thế này của con sẽ đưa con xuống hoả ngục”.

Chúng ta dễ bị cám dỗ khoác vào mình những thứ nhân đức và chứng từ giả tạo, nếu không có ơn Chúa Thánh Thần chỉ dẫn, giúp phân định cái tốt thực cái tốt giả.

Nhất là thời nay, tiền của, hưởng thụ và quyền lực đã hầu như trở thành giá trị cao nhất trong thực tế đời sống. Cả đời sống tôn giáo, thậm chí cả đời sống tu trì cũng bị ảnh hưởng sâu xa. Vì thế, hơn bao giờ hết, việc truyền giáo rất cần nhắm vào chất lượng, hết sức trung thành với Tin Mừng, dưới sự soi dẫn của Thần Linh Chúa Giêsu, Ðấng được sai đi do Chúa Cha giàu lòng thương xót, để cứu chuộc chúng ta bằng hy sinh trên thánh giá.

Long Xuyên, ngày 5 tháng 02 năm 2004