Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Phục Vụ

Phục vụ là một từ đã trở thành thông dụng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nó được dùng nhiều trong các phát biểu. Nó được viết to trên các bích chương. Nó được ghi đậm trên các bảng trước của tiệm. Nó được trân trọng đưa vào các tiêu chuẩn khen ngợi tung hô.

Trong đời tôi, nhất là trong thời gian tại chức Giám mục giáo phận, tôi đã phục vụ, đã được phục vụ, đã bị phục vụ. Vì thế tôi có đôi chút kinh nghiệm về phục vụ.

Chút kinh nghiệm này rút ra từ lý thuyết về trách nhiệm phục vụ trong mục vụ và thực tế thực hành trách nhiệm phục vụ trong mục vụ.

 Lý thuyết về trách nhiệm phục vụ

Sắc lệnh nhiệm vụ mục vụ của các giám mục trong Giáo Hội là một lý thuyết dài của Công đồng Vatican II.

Lý thuyết nhấn mạnh đến nhiệm vụ giáo huấn, thánh hoá và cai quản (Chương 2, số 11).

Từ những nhiệm vụ đó sẽ thấy những nhu cầu như:

- Phải qui tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc Âm và Thánh Thể.

- Phải là chứng nhân của Chúa trước mặt mọi người, chẳng những săn sóc những kẻ đã theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà lại hết lòng hy sinh cho những người bất cứ lúc nào đã đi lạc đường chân lý, hay không biết Phúc Âm và lòng cứu chuộc của Chúa Kitô.

- Phải Loan báo cho mọi người biết Phúc Âm Chúa Kitô.

- Phải dựa theo giáo thuyết Giáo Hội, mà dạy cho tín hữu biết sống đời cho tốt như tôn trọng nhân vị, đời sống thể xác, gia đình, cộng đồng nhân sự, các vấn đề xã hội.

- Phải trình bày giáo thuyết Kitô giáo một cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại.

 Còn nhiều thứ “phải” nữa

Lý thuyết về phục vụ dành cho tôi phải nói là rất hay. Các bài học lý thuyết vẫn hoạt động trong lý trí. Một lý trí nghiên cứu có thể rất hài lòng.

Ngoài các bài học đó, tôi học được nhiệm vụ tôi một cách cụ thể ở cuộc sống đàn chiên của tôi, ở địa phương của tôi, ở từng giai đoạn lịch sử của đất nước, mà tôi cùng với dân tộc tôi phải phấn đấu mỗi ngày.

Các bài học cụ thể đó được tiếp thu bằng trái tim, và làm rung động tấm lòng liên đới. Từ đó, tôi hiểu mục vụ của người môn đệ Chúa Giêsu là trước hết phải gần gũi với cuộc sống đồng bào. Phần đông họ còn nghèo và sống chật vật. Phải thương họ. Phải chia sẻ phần nào nỗi đau của họ. Họ là những trái tim đợi chờ.

Tự nhiên, trong thao thức đó, tôi thấy nhiệm vụ quan trọng của người mục tử là phải có cái tâm, giàu tình yêu thương và phải biết hy sinh. Lời sau đây của Chúa Giêsu đủ nói lên điều đó:

Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20,28).

Hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người”: Lời này xoáy vào hồn tôi mỗi ngày mỗi sâu.

 Thực hành trách nhiệm phục vụ

Khi thực hành trách nhiệm phục vụ trong mục vụ, tôi có một kinh nghiệm chung vắn gọn thế này:

Phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, vào đúng lúc, với đúng cách.

Xin phép đưa ra vài thí dụ: Khi con chiên tôi đói rách, bệnh tật, nghèo khổ, thì phục vụ của tôi là ráng giúp cho cuộc sống đó bớt đi dần dần mức cam khổ. Ít ra bằng cách chia sẻ phần nào nỗi thương đau của họ. Ngày phán xét, Chúa cũng sẽ tra vấn tôi về cách phục vụ cụ thể như thế. “Ta đói, các con đã cho Ta ăn” vv... (x. Mt 25,31-46).

Khi giáo dân tôi khát khao được gặp Chúa, thì phục vụ của tôi là giúp họ mở lòng ra đón chính Chúa trong phép Thánh Thể, đón Lời Chúa trong Phúc Âm, đón thánh ý Chúa trong việc cầu nguyện và tỉnh thức để phân định các sự xảy ra hằng ngày. Bởi vì “Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Phục vụ là đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, vào đúng lúc, và còn phải đúng cách. Ðúng cách cũng là yếu tố phải quan tâm.

Tiện đây, xin phép kể lại một kinh nghiệm rất riêng tư. Kinh nghiệm này đã dạy tôi rất nhiều về cách phục vụ.

Sáng hôm đó, sau khi đồng tế với Ðức Thánh Cha tại nhà nguyện riêng của Ngài, tôi được mời dùng bữa sáng với Ngài.

Ngài dẫn tôi vào phòng ăn của Ngài. Tôi ngạc nhiên, khi thấy Ngài nhìn qua bàn ăn, tới ghế giữa dành cho Ngài, Ngài không dừng lại, nhưng Ngài đến đầu bàn có mấy chiếc ghế để sẵn. Chính Ngài cầm một chiếc ghế, đưa về phía bên kia bàn ăn, rồi để ở chỗ đối diện với Ngài. Ngài mời tôi ngồi vào đó. Tôi ngạc nhiên hết sức trước cách phục vụ của Ðức Thánh Cha.

Tôi càng ngạc nhiên hơn nữa, khi gần cuối bữa, Ðức Thánh Cha thân mật nói mấy lời cảm ơn tôi, vì tôi đã nhận lời mời đến dùng bữa và chia sẻ với Ngài.

Cách phục vụ của Ðức Thánh Cha đã gây ấn tượng sâu sắc nơi tôi. Ðó là bài học về cách phục vụ khiêm tốn, yêu thương và tế nhị. Bài học đó quý hơn mọi lý thuyết về cách phục vụ.

Thực thành trách nhiệm phục vụ trong mục vụ đã đem lại cho tôi nhiều vui mừng, nhưng cũng nhiều cay đắng.

Tôi xác tín: Ðể phục vụ tốt, tôi rất cần nhiều ơn Chúa.

Dù vui mừng hay sầu khổ, dù khoẻ mạnh hay yếu liệt, tôi vẫn xin Chúa giúp tôi và mọi giám mục, linh mục luôn biết ẩn mình trong Chúa Giêsu, và cùng với Người mà nói: “Tôi sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,27b). Phục vụ bằng hoạt động, và nhất là bằng những hy sinh, cầu nguyện âm thầm và tích cực đồng cảm với mọi thứ người nghèo túng, khổ đau.

Long Xuyên, ngày 6 tháng 9 năm 2004