Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Tĩnh Tâm Tuần Thánh

Tuần Thánh sắp đến. Ðể dọn mình đón nhận ơn cứu độ đặc biệt, chúng ta thường thực hiện một vài hình thức hồi tâm. Hồi tâm tập thể. Hồi tâm nhóm nhỏ. Hồi tâm cá nhân.

Hồi tâm là một thứ tĩnh tâm. Tĩnh tâm tất nhiên đòi tĩnh lặng. Tĩnh lặng ở đây không phải chỉ là xa tránh ồn ào bên ngoài. Nhưng chủ yếu là đi vào cõi tĩnh lặng nội tâm.

Hôm nay, tôi xin gợi ý vắn tắt về ba thứ ích lợi tĩnh lặng nội tâm, để giúp tĩnh tâm Tuần Thánh.

 1. Tĩnh lặng nội tâm phục vụ chính mình

Thực vậy, mỗi người chúng ta cần biết mình. Biết mình cốt yếu là nhận ra cái gì là căn bản đời mình. Rồi đặt nó ở vị trí ưu tiên, luôn qui chiếu đời mình về nó, luôn làm nó sáng thêm lên, luôn thanh luyện nó cho mỗi ngày thêm vững. Rồi từ đó sắp xếp những giá trị khác đúng trong trật tự. Trật tự của các ước muốn. Trật tự của các hoạt động.

Thí dụ, đối với tôi, một giá trị tôi cho là căn bản nhất, chính là lắng nghe thánh ý Chúa và vâng phục thực thi thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa chung chung theo sứ vụ được trao. Thánh ý Chúa đặc biệt trong từng thời điểm. Thánh ý Chúa riêng trong từng việc cụ thể. Tất cả đều vì mục đích phục vụ Chúa trong hướng chuẩn bị cho mọi người đón nhận Nước Trời.

Một sự nhận biết như thế thường chỉ đạt được trong tĩnh lặng nội tâm. Tĩnh lặng lâu. Tĩnh lặng sâu. Tĩnh lặng trong thẳm sâu thinh lặng của Chúa Thánh Thần.

Trong thinh lặng này, chúng ta cũng có dịp xem lại những kinh nghiệm đã qua. Có những kinh nghiệm đã chỉ thấy sơ sơ. Có những kinh nghiệm bây giờ mới thấy.

Tất cả một hồ sơ dầy cộm về đời mình được hiện lên lặng lẽ. Có khi như những câu chất vấn. Có khi như những khích lệ ủi an. Chúng hiện lên dưới một ánh sáng mới của Chúa. Dưới ánh sáng mới này, chúng ta mới thấy rõ mình đã có những đầu tư tốt, và cũng đã có những nhọc nhằn phí phạm.

Trong thinh lặng, từ những kinh nghiệm như thế, ta sẽ thấy nảy sinh ra những sáng kiến mới. Ðể cái vốn Chúa trao cho mình sẽ mãi được sinh lời, cho dù hoàn cảnh muôn bề khó khăn.

 2. Tĩnh lặng nội tâm phục vụ người khác

Tôi vẫn hay nhắc lại cho lòng mình câu Phúc Âm nói về Ðức Mẹ Maria: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).

Ðức Mẹ ghi nhớ trong cõi lòng thinh lặng. Ðể suy niệm, để cầu nguyện. Các người xung quanh vì thế đều được nhờ.

Rất nhiều trường hợp, sự thinh lặng nội tâm lại là một cách tốt nhất để hiệp thông với nỗi lòng người khác. Thế mà, đôi khi người ta tưởng phải nói nhiều, náo động nhiều mới là hiệp thông. Thực ra, một lời nói mà không có giá trị xây dựng hoặc cho mình hoặc cho người khác, thường khó có thể là vô hại. Mà một lời nói có giá trị xây dựng bao giờ cũng phải nấu nung trong nội tâm thinh lặng trưởng thành.

Cởi mở không có nghĩa là cởi mở mồm miệng, nhưng là cởi mở tấm lòng. Tấm lòng cởi mở, nghe và cảm được nỗi lòng của người khác, phải là một tấm lòng thinh lặng, mang một khả năng đồng cảm sâu sắc. Ðể rồi, chính sự thinh lặng của nó lại là một ngôn ngữ tình thương có giá trị. Nhiều khi tín hiệu tình thương được trao đi một cách có hiệu quả qua một sự thinh lặng đầy hy sinh, cầu nguyện và thương cảm. Trái với những lời nói nhiều mà trống rỗng.

Có những lễ hội của vài đoàn thể, khi nhắc đến, còn làm tôi sợ. Bởi vì, suốt mấy đêm đó vang lên những tiếng hát thực vô duyên, khuấy động giấc ngủ của cả một vùng. Tôi gọi đó là những cuộc tra tấn thần kinh. Thiết tưởng chỉ một chút biết nghĩ tới người khác, biết thinh lặng ít là từ nửa đêm đến sáng, cũng là một cách phục vụ bao người đang rất cần được ngủ nghỉ.

Từ sự thiếu tĩnh lặng sơ đẳng bên ngoài, người ta có thể đoán được tình trạng thiếu thốn thê thảm sự tĩnh lặng nội tâm.

 3. Tĩnh lặng nội tâm phục vụ Thiên Chúa

Trong sách Khải Huyền, Chúa phán: “Này đây, Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa ra, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Chúa đến nhẹ. Chúa gõ nhẹ. Chúa vào nhẹ. Chúa nói nhẹ. Chỉ những ai thinh lặng nội tâm mới nghe được, và mới đón được Ngài vào tâm hồn mình.

Và cũng chỉ những tâm hồn thinh lặng và tỉnh thức mới cảm nghiệm được sự Chúa đến. Ngài đến như ngọn lửa làm nóng tâm hồn lên, muốn đốt sạch những dơ bẩn tội lỗi. Ngài đến như một bàn tay dịu dàng đánh thức tâm hồn, để gặïp gỡ một tình yêu cứu độ muốn nâng tâm hồn lên. Ngài đến như một luồng gió nhẹ, thổi sự sống mới vào tâm hồn, để thao thức về một Nước Chúa đang đến gần. Ngài đến như một dòng nước từ Trời, tưới vào tâm hồn những khát vọng về một hành trình, sẽ cùng với mọi người con Chúa đi về với Thiên Chúa Ba Ngôi là nơi họ sẽ ở lại đời đời.

Chỉ có những tâm hồn thinh lặng mới hiểu được và thực hiện được lời quan trọng của Chúa Giêsu: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

ù

Tuần Thánh năm nay như đang bị chìm vào những thời sự đau xót do chiến tranh và những lo ngại rất đáng sợ cho cả nhân loại, như Ðức Giáo Hoàng đã cảnh báo.

Chúng ta hãy cùng với vị Cha chung hiệp thông với Chúa Cứu thế thinh lặng trên đường đi vào Tuần Thánh.

Thinh lặng với tâm hồn sám hối nguyện cầu. Thinh lặng với tinh thần khiêm tốn hy sinh. Thinh lặng vác thập giá mình và chia sẻ thập giá của muôn vàn người đau khổ vì những lý do khác nhau. Thinh lặng biến Tuần Thánh này thành một hy lễ đền tạ dâng lên Chúa Cha giàu tình thương xót.

Với đức tin, chúng ta đợi chờ một sự vượt qua mới theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.

Long Xuyên, ngày 30 tháng 3 năm 2003