Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Tuần Thánh Và Thánh Ðịa

Cách đây hơn 2000 năm, Chúa Giêsu đã sống trên đất nước Israel.

Lúc 33 tuổi, đã có một ngày tưng bừng dành cho Người tại thủ đô Giêrusalem. Người vào thành thánh giữa rừng người đón tiếp tung hô.

Nhưng chỉ sau vài ngày, Người đi vào thảm kịch. Người bị giết nhục nhã trên thập giá.

Quyền đạo quyền đời dùng tự do của mình, để hại Chúa. Nhưng Chúa không cản, không tránh. Người chịu muôn vàn khổ đau, với mục đích cứu độ nhân loại.

 Thánh địa

Từ đó, những nơi Chúa Giêsu đã sống với mục đích cứu độ, thường được gọi là Thánh địa. Thực tế, Thánh địa này là Israel.

Từ mấy chục năm nay, mảnh đất này và những mảnh đất xung quanh thường diễn ra những bất hoà, bất an, bất ổn.

Từ vài năm nay, mảnh đất danh tiếng đó đã bước thêm vào những xung đột gay gắt.

Từ mấy ngày nay, mảnh đất lừng danh ấy lại bị bao phủ trong bầu khí hận thù bừng bừng máu lửa. Bạo lực đã bắt đầu.

Ðang khi đó, sau 2000 năm, đất nước Israel vẫn trung thành với Do Thái giáo, các nước xung quanh vẫn sùng Hồi giáo.

Ðạo Công giáo vẫn chỉ là một thiểu số rất khiêm tốn tại quê hương Chúa Giêsu. Mảnh đất này vẫn gọi là Thánh địa, nhưng với một số người mà thôi.

Tôi được diễm phúc tham dự tuần thánh trên Thánh địa. Cảm động nhất là đêm thứ năm tuần thánh, những người hành hương qui tụ ở vườn Cây Dầu để canh thức, suy niệm. Quì bên tảng đá, nơi Chúa Giêsu đã quỳ cầu nguyện xưa, tôi cảm được một chút thế nào là bỏ ý riêng, để vâng phục thánh ý Chúa. Nhất là để biết xin vâng, hiến dâng chính mình làm của lễ, theo gương Chúa Giêsu.

Nỗi xúc động càng tăng thêm, khi tôi cùng nhiều người đi viếng đàng thánh giá. Chúng tôi đi trên chính con đường, mà xưa Chúa Giêsu đã vác thánh giá đi lên đồi Calvariô.

Ðang khi chúng tôi tưởng niệm cuộc thương khó Chúa với biết bao xúc động và nước mắt, thì hai bên đường, các cửa tiệm buôn bán vẫn sinh hoạt bình thường. Ðám đông người bản xứ nhìn đoàn hành hương với cặp mắt lãnh đạm.

Tôi thấy rõ: Người đồng hương với Chúa Giêsu hôm nay vẫn còn lãnh đạm với Chúa Giêsu, như thuở xưa.

 Một chút tìm hiểu

Khi tìm hiểu tại sao tình hình Ðất thánh hôm nay vẫn chưa là công giáo, như nhiều người và tôi mong muốn, tôi tạm thấy thế này:

Nhiều dân tộc rất tự hào với tôn giáo truyền thống của họ. Bỏ tôn giáo truyền thống để theo một đạo khác, đối với họ, là một phản bội lớn.

Nhiều tôn giáo gắn liền với một số dân tộc. Hễ là người thuộc dân tộc nào thì đương nhiên tin theo tôn giáo của dân tộc đó. Liên hệ đó là một che chở thân thương của họ.

Nhiều cuộc chiến đã đụng độ đến nhiều dân tộc và tôn giáo. Cũng như nhiều dân tộc và tôn giáo đã bị lợi dụng trong các cuộc chiến. Những đụng độ như thế dễ đẩy con người vào tư thế tự vệ đối với các dân tộc khác và tôn giáo khác.

Nhiều văn hoá và nhiều nếp sống mang màu sắc tôn giáo này, tôn giáo nọ. Khi đã quen với nếp sống và văn hoá nào, thì đương nhiên không đặt vấn đề đổi đạo, tức đổi cả nếp sống và văn hoá sẵn có của mình.

Nhiều người theo một tôn giáo vẫn cảm nghiệm được sự bình an tâm hồn, được khích lệ làm lành lánh dữ, dấn thân vào việc thiện, cứu nhân độ thế. Vì vậy, họ không hề nghĩ tôn giáo của họ là thua kém tôn giáo khác, để cần phải đổi đạo. Ðang khi họ thấy các người thuộc tôn giáo khác chẳng có gì hơn họ.

Trên đây chỉ là vài nhận xét thu lượm được từ dư luận, nhất là trong Năm Thánh Truyền giáo tại Việt Nam. Những nhận xét này, tuy sơ sài, nhưng cũng giúp tôi hiểu phần nào tình hình tôn giáo trên Ðất thánh, quê hương Ðấng Cứu Thế.

 Vào thực tế

Ðể đi vào một kết luận có tính cách thực tế hơn, tôi muốn nhìn vào Tuần thánh của tôi, trên Thánh địa của tôi hôm nay.

Tôi coi Thánh địa của tôi là nơi tôi đang sống đức tin. Cụ thể là Hội Thánh Việt Nam của tôi, giáo phận của tôi, cộng đoàn của tôi, gia đình của tôi.

Tôi tin Chúa đang ở những chốn này. Nơi nào có Chúa, thì nơi đó đáng gọi là nơi thánh, với một ý nghĩa rất rộng.

Nhưng ở những nơi này, vẫn có thể còn nhiều bất an, bất ổn, bất hoà, thậm chí vẫn có chia rẽ và nhiều lệch lạc.

Tuy nhiên, tuần thánh của tôi tại chốn này không vì thế mà thiếu sốt sắng. Trái lại, tôi lại thấy càng phải sốt sắng hơn.

Thánh địa của tôi đang có nhiều cơ may để nên thánh hơn, và cũng đang gặp nhiều nguy cơ làm suy giảm đạo đức một cách từ từ nhưng trầm trọng. Tôi tin hiến tế của Chúa Cứu thế sẽ cứu chúng tôi.

Tôi không có ảo tưởng: Sau tuần thánh, Thánh địa của tôi sẽ không còn bóng tối. Nhưng tôi tin chắc chắn: Nhiều người trong Thánh địa của tôi sẽ đón nhận được rất nhiều ơn lành của Ðấng Cứu thế. Người được ơn này, người được ơn nọ. Nhất là ơn sám hối và ơn cậy tin gắn bó vào Thiên Chúa đầy tình yêu thương xót.

Người sẽ ở lại với chúng ta một cách âm thầm, để cứu độ ta, và để giúp ta phát triển đức tin, bằng cách mà chính Người đã hứa: “Thầy là cây nho. Các con là cành. Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Long Xuyên, ngày 24 tháng 3 năm 2004