Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 2 - 2001-2004
 ÐỜI TÔI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH -2003-
 THÁCH ÐỐ MỚI TRÊN ÐƯỜNG TRUYỀN GIÁO -2004-
 

Sống Lại Trong Cuộc Ðời

Lễ Phục sinh chỉ vỏn vẹn một ngày. Nhưng mùa Phục sinh vẫn kéo dài.

Trong lịch Phụng vụ, mùa Phục sinh kéo dài nhiều tuần lễ. Còn trong cuộc đời, mùa Phục sinh kéo dài mãi mãi.

Ðời mỗi người có những sống lại riêng tư. Mỗi quãng đời một người lại có những sống lại mang màu sắc cụ thể của hoàn cảnh lịch sử riêng của nó.

Tôi nói như vậy, từ kinh nghiệm đời tôi. Kinh nghiệm cuộc đời là trường dạy khôn cho tôi, nhất là khi biết đọc những kinh nghiệm đó bằng ánh sáng Chúa Phục sinh. Tôi xin phép chỉ nhắc lại vắn tắt một quãng đời.

 Một quãng đời như hấp hối

Cách đây gần hai chục năm, tôi bị rơi vào tình trạng rất khó khăn. Bệnh tật kéo dài, lo âu chồng chất, tâm hồn nhiều khi như đi quờ quạng trong hầm tối.

Thấy vậy, một người bạn thân mời tôi sang Ðức nghỉ ngơi.

Sáng thứ hai tuần thánh, tôi đi bệnh viện. Một phụ nữ người Ðức đi theo. Khi thang máy sắp tự động đóng cửa, để lên tầng cao, thì một bà trong hành lang chạy vội lại, muốn kịp cùng đi chuyến thang đó. Chúng tôi chặn cửa thang máy, mời bà vào. Vừa nhìn thấy tôi, bà hỏi chị phụ nữ theo tôi: Linh mục này có phải Á châu không? Rồi bà kể: Cách đây 30 năm, một linh mục Á châu đã rửa tội cho con trai tôi tại Freiburg này. Ðó là đứa con muộn màng. Tôi đã hứa với Chúa: Suốt đời sẽ cầu nguyện cho linh mục đó. Với ý nguyện: Xin cho con tôi được sống. Vì tôi hiếm hoi. Tôi đã giữ lời hứa. Và Chúa đã nhậm lời tôi. Tôi không biết linh mục đó bây giờ ở đâu? Tôi và con tôi hằng ngày cầu nguyện, mong được gặp lại linh mục thân yêu đó ít là một lần để cùng gia đình tôi tạ ơn Chúa.

Tôi hiểu những gì hai người đang nói. Tôi đột nhiên nhớ lại hoàn cảnh của bà. Tôi trả lời: “Linh mục đó chính là tôi đây. Tôi còn giữ tấm ảnh chụp lễ rửa tội”. Một giây phút gặp gỡ, sau 30 năm cầu nguyện. Một giây phút thôi. Nhưng một giây phút ấy đã được Chúa sắp xếp bằng trăm ngàn yếu tố khác nhau, băng qua không gian mấy đại dương, và trải qua thời gian mấy chục năm dài. Bà oà lên khóc. Còn tôi thì như người sống lại. Trong một tình trạng nặng trĩu lo âu, đau đớn, sự gặp gỡ vừa kể giúp tôi tin vững vàng vào Chúa. Tôi thấy Chúa rất gần, dẫn đưa tôi từng bước. Tôi như bước vào một thế giới hồng ân đặc biệt. Tôi thấy rõ Chúa rất yêu thương tôi.

Sau giải phẫu, tôi nằm trên giường bệnh suốt tuần thánh. Mỗi sáng, một chị nữ tu đem Mình Thánh tới. Mỗi chiều, mấy người bạn Ðức ghé thăm. Thân mật nắm tay tôi, cùng nhau đọc một kinh Lạy Cha, rồi để lại một bông hồng. Chỉ thế thôi, nhưng họ như chuyền vào tôi hy vọng phục sinh cần thiết.

Sáng thứ ba, sau Phục sinh, một người khách lạ tới thăm. Họ kể một tin vui: “Trong cuộc Ðức Giáo Hoàng tiếp kiến phái đoàn người Ðức dịp lễ Phục sinh, tôi trình với Ngài là tại Freiburg có một giám mục Việt Nam đang trị bệnh. Nghe thế, Ðức Giáo Hoàng tỏ vẻ rất thương cảm. Sau khi đi một vòng thăm hàng trăm người xếp hàng sẵn, Ðức Giáo Hoàng trở lại chỗ tôi đứng. Ngài dặn tôi rất rõ: “Khi về Ðức, con hãy vui lòng chuyển lời Cha chào thăm vị giám mục Việt Nam đang đau bệnh. Cha chúc ngài mau khoẻ. Cha hứa cầu nguyện cho ngài, và mong gặp ngài”. Họ kể với nhiều cảm xúc.

Khi được Ðức Giáo Hoàng ưu ái gởi lời thăm riêng, tôi như được ơn sống lại, cả về thân xác lẫn về tâm hồn.

Ngày trở về Việt Nam, tại sân bay Ý tôi gặp rắc rối. Hãng máy bay khi xem giấy tờ của tôi, đã không đồng ý cho phép tôi lên máy bay, vì máy bay sẽ ghé lại Thái Lan, mà tôi thì thiếu chiếu khán của Thái Lan. Luật thời đó buộc mọi người Việt Nam, ghé Thái Lan, dù chỉ quá cảnh, cũng phải có chiếu khán Thái. Ðang lúc bế tắc, thì một người Ðức từ đâu tới. Khi nghe trường hợp của tôi, họ xin có ý kiến. Họ gọi điện thoại cho Toà Ðại Sứ Toà Thánh tại Bangkok, mà họ quen, xin bảo lãnh cho tôi. Thế là tôi lên máy bay bình an. Tới Bangkok, Ðức Tổng giám mục Ðại sứ Toà Thánh đã chờ sẵn, để trao đổi với an ninh Thái, rồi đưa tôi về Toà Ðại Sứ Toà Thánh tại Thái Lan.

Lại một lần nữa, tôi cảm thấy ơn Phục sinh của Chúa đến với tôi. Tôi như được sống lại, sau một thời gian thanh luyện.

 Ơn Phục sinh

Tất cả những sự kiện kể trên đều bất ngờ. Chúng mang lại ơn, mà tôi gọi là ơn Phục sinh. Ðối với tôi, chúng thực sự không chỉ là những bất ngờ đánh động con tim, giúp tôi vượt qua thử thách, nhưng còn đi sâu vào đời tôi, với những ánh sáng thiêng liêng mới mẻ. Như:

- Tăng thêm niềm tin cậy vào Chúa.

- Xếp đặt lại trật tự trong tâm hồn.

- Tìm ra thánh ý Chúa một cách cụ thể trong từng giai đoạn mà Chúa sai mình vào.

- Hăng hái dấn thân thực hiện thánh ý Chúa, cho dù gặp muôn vàn trắc trở.

Ánh sáng thiêng liêng không phải chỉ đến từ hoàn cảnh cụ thể đời mình, mà đến từ Lời Chúa thông qua thực tế, nhờ Chúa Thánh Linh.

Như vậy, sự phân định điều nên làm, điều không nên làm, trong một thực tế lịch sử, xem ra đòi mấy yếu tố sau đây:

 Ðón nhận ơn Phục sinh

Trước hết phải cầu nguyện suy gẫm thực nhiều.

Trong đạo, nhất là trong chức vụ mục tử, có những điều buộc phải giữ, và có những điều chỉ là lời khuyên.

Phúc Âm kể chuyện một thanh niên giàu có đến hỏi Chúa Giêsu con đường trọn lành. Chúa trả lời: “Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy về bán hết mọi sự anh có, đem tiền phát cho kẻ nghèo, rồi trở lại theo Thầy” (Mc 10,21). Nghe vậy, người thanh niên đã ra đi, không theo Chúa.

Nhiều người công giáo, kể cả các mục tử, cũng thuộc loại giàu. Có thể không giàu lắm về tiền của, nhưng giàu về nhiều tham vọng thế tục và ham được hưởng những lợi lộc bất chính giấu ẩn dưới hình thức đạo đức. Chúa khuyên bỏ những thứ đó đi. Nếu ít cầu nguyện và suy gẫm, thì không thiếu người sẽ không muốn bỏ. Họ sẽ buồn bã ra đi, cách này hay cách khác. Họ không còn thực sự theo Chúa. Vì thế Chúa phán: “Các con ơi, vào được Nước Chúa thật khó biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10,24-25). Như thế, thực là rất khó từ bỏ các thứ của cải, để vào Nước Trời. Cái khó nhất thiết tưởng là biết dùng sự tự do Chúa ban cho mình. Nhưng với ơn Chúa, cái khó sẽ trở thành dễ (Mc 10,27).

Ngoài sự cầu nguyện và suy gẫm, tôi thấy các ơn Phục sinh Chúa ban, cũng nhiều khi đòi có sự cộng tác của một số điểm tựa đạo đức.

Ðiểm tựa nói đây là những cá nhân, những nhóm, những cộng đoàn. Họ là những người không những giàu đức tin, mà cũng giàu tâm tình cảm thương, tế nhị, sẵn sàng nâng đỡ.

Tôi đã thấy một cử chỉ, một thái độ, một lời nói có thể giết chết hay cứu sống một người. Tuỳ cử chỉ đó, thái độ đó, lời nói đó mang ác cảm, lạnh lùng, ác độc, hay có tình yêu, chia sẻ, xót thương.

Ðể kết, tôi xin phép nói lên một cảm tưởng của tôi:

Trong lãnh vực siêu nhiên, nếu chúng ta không tỉnh thức và cầu nguyện, không biết nâng đỡ nhau, thì không chừng chính chúng ta tự huỷ mình, chính chúng ta tự treo cổ mình, chính chúng ta tự giết mình. Chúng ta là bản thân ta, là anh chị em của ta, là chính nội bộ của ta.

Trái lại, nếu chúng ta tỉnh thức cầu nguyện, biết nâng đỡ nhau, thì ơn Phục sinh sẽ được ban cho chúng ta một cách dồi dào, và ta sẽ biết đón nhận ơn Phục sinh một cách khiêm nhường, bình an, mang đầy sức sống truyền giáo.

Hãy cảm tạ Chúa vì bao ơn Phục sinh Chúa đã ban cho ta.

Hãy nhớ ơn bao điểm tựa đạo đức đã cộng tác vào các ơn Phục sinh đó.

Long Xuyên, ngày 8 tháng 4 năm 2004