Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Hy Vọng

Nhiều lần, tôi nhìn lên tượng Ðức Mẹ đặt ở tháp nhà thờ Long Xuyên và nói với Ðức Mẹ: “Mẹ ở trên cao, chắc Mẹ nhìn rõ hơn con. Mẹ thấy chung quanh Mẹ đầy dẫy những dân nghèo. Họ là những người suốt ngày suốt tháng đi tìm hy vọng và chạy theo hy vọng, nhiều khi bằng nhiều cách não nề bi thảm. Có người tần tảo ngược xuôi mà không đủ sống, như săn bắt một hy vọng, nhưng là hy vọng quá khắt khe. Họ mua một tấm vé số cũng là mua một hy vọng nhưng là hy vọng quá mong manh. Họ bới đống rác để tìm những bọc ni-long phế thải, cũng là bới tìm một hy vọng, nhưng là hy vọng quá nghèo nàn. Họ đi ăn xin, cũng là đi xin một hy vọng, nhưng là hy vọng mang nhiều cay đắng.

Cho nên nếu mỗi ngày, nếu Mẹ mỗi ngày, Mẹ hỏi con muốn xin ơn gì, thì ngày nào con cũng sẽ thưa với Mẹ lời xin này: Xin cho mọi người được niềm hy vọng, một niềm hy vọng giúp họ sống xứng phẩm giá con người, một niềm hy vọng giúp họ tạo được hạnh phúc tương đối đời này, và tới được hạnh phúc tuyệt đối đời sau”.

Tôi nói với Ðức Mẹ như thế, và tôi hiểu ý Ðức Mẹ trả lời qua bài Phúc Âm hôm nay. Ðại ý là: Muốn có hy vọng, thì phải tiếp nhận niềm hy vọng Chúa ban. Muốn giữ hy vọng, thì phải biết cho đi những hy vọng trong khả năng của mình.

Thực thế, bài Phúc Âm vừa nghe cho thấy, bà Elisabeth hôm nay được rất nhiều ơn: Nào là ơn nhận biết Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, nào là ơn con mình đang cưu mang được thánh hoá. Vì đâu bà được những ơn ấy? Thưa, vì bà đã biết tiếp nhận niềm hy vọng của Thiên Chúa ban. Niềm hy vọng của Thiên Chúa chính là Ðức Mẹ. Gọi Ðức Mẹ là niềm hy vọng của Thiên Chúa ban, vì Chúa đặt các ơn của Thiên Chúa muốn ban cho loài người nơi Ðức Mẹ, như trong một kho tàng được chọn lựa, như nơi một bàn tay được trao quyền phân phát. Ai tiếp nhận Ðức Mẹ là có một hy vọng chắc chắn sẽ được vô vàn ân huệ cần thiết phần hồn, phần xác. Vì là Mẹ Thiên Chúa, Ðức Mẹ đã nhận được tất cả. Vì là Mẹ loài người, Ðức Mẹ muốn cho đi tất cả.

Ðiều làm cho thân phận chúng ta đôi khi thành bi đát, là không biết đón nhận nguồn hy vọng thực sự chính đáng và phong phú là Ðức Mẹ, không năng cầu nguyện với Người, không năng lui tới với Người, không chứng tỏ lòng mình tha thiết gắn bó với Người.

Nhưng có điều này ta cũng cần lưu ý, đó là cách tiếp nhận. Có nhiều cách tiếp nhận. Cách tiếp nhận đẹp lòng Ðức Mẹ, là cách bà Elisabeth đã thực hiện hôm nay. Ðó là khiêm tốn. Bà nói: “Bởi đâu tôi được Ðức Mẹ đến viếng thăm tôi”. Ta đừng bao giờ ỷ vào công trạng việc lành của ta. Ðừng bao giờ nghĩ: Nhờ tôi làm việc lành này, nhờ tôi có nhân đức kia, mà Ðức Mẹ đã thương tôi. Ðức Mẹ không thích những ý nghĩ như vậy. Mỗi lần tôi lầm lỗi, tôi lại nhìn lên Ðức Mẹ, và tôi nghe như Ðức Mẹ nói với tôi: “Những khuyết điểm của con giúp con thấy rõ kích thước sự bé nhỏ nghèo nàn của con. Và nếu con vẫn cố gắng, mà vẫn thấy mình còn quá xa lý tưởng, thì con hãy nhớ rằng: Mẹ thương con là vì con như thế đó. Mẹ thương con với những gì là con. Con hãy nhớ lại xưa Mẹ đã nói với Chúa: “Chúa đã đoái nhìn đến thân phận hèn mọn của con nên từ nay muôn thế hệ sẽ khen con là kẻ có phúc”. Ta hãy khiêm tốn, để biết nhìn nhận niềm hy vọng Chúa ban.

Rồi, như tôi đã nói, muốn giữ hy vọng, thì phải biết cho đi những hy vọng trong khả năng mình.

Bài Phúc Âm vừa nghe cho biết: Ðức Mẹ vừa được ơn mang thai Chúa Cứu Thế, liền vội vã lên đường đến nhà bà Elisabeth. Ðến để thăm bà, đến để mừng bà mới có tin vui, đến để cho bà thấy bà là người đáng kính trọng. Tóm lại, Ðức Mẹ đến là để trao tặng bà Elisabeth những hy vọng cao quí. Hy vọng về tương lai bà. Hy vọng về tương lai con bà. Việc Ðức Mẹ làm là việc bác ái, là việc Chúa muốn Ðức Mẹ thực hiện để nuôi dưỡng và phát triển đặc ân Chúa đã ban cho Ðức Mẹ. Qua Ðức Mẹ, Chúa ban cho ta Ðức Kitô, là Ðấng cứu chuộc, Ðấng cứu ta khỏi tội. Ðấng chuộc ta khỏi hình phạt đời đời. Căn bản ơn cứu độ là bác ái. Muốn giữ ơn đó, thì phải làm việc bác ái. Chứ nếu muốn giữ ơn đó, mà lại không thực hành bác ái, thì Chúa sẽ ra đi với kho tàng hy vọng. Nếu ta hỏi Chúa tại sao thì Chúa sẽ trả lời: Con đọc kinh, ăn chay, nhưng Cha không nhận ra con, vì Cha là tình yêu. Cha chỉ nhận ra con cái Cha ở nét yêu thương bác ái. Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Cha, là chúng con thương yêu nhau.

ù

Cách đây vài hôm, một bà đến cho tôi xem một tấm ảnh màu, in một chùm hoa giữa hóc đá. Dưới bức ảnh có câu ngoại ngữ này: “Vinh quang của cuộc đời là một bông hoa chỉ hái được giữa khe đá”. Lời đó làm tôi suy nghĩ tới niềm hy vọng, và tôi nói: “Thành công của niềm hy vọng là một bông hoa chỉ hái được trên sườn núi đá”. Nghĩa là muốn tiếp nhận thành công niềm hy vọng Chúa ban cũng như muốn cho đi thành công niềm hy vọng trong chức năng mình, thì phải phấn đấu, phải vất vả, phải khổ đau, phải vác thánh giá. Tiếp nhận thành công niềm hy vọng Chúa ban, cũng như cho đi thành công niềm hy vọng trong khả năng mình, là phải tiến lên mỗi ngày trên con đường từ bỏ chính mình, là phải trèo lên bậc của chiếc thang thánh ý Chúa.

Thưa anh chị em,

Qua thánh lễ hôm nay, và qua những lời tôi nói hôm nay, nếu anh chị em có bắt gặp được một tia hy vọng nào, thì xin coi đó là một sự Ðức Mẹ đến viếng thăm cuộc đời anh chị em. Ðức Mẹ đến viếng thăm, như một Nữ Vương quyền thế, như một người mẹ dạt dào tình thương. Hãy tiếp nhận Ngài, hãy gặp Ngài. Và hãy nói với Ngài, với tất cả niềm tin, với tất cả niềm biết ơn, với tất cả niềm hy vọng. Amen.

Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Vương, Long Xuyên ngày 22/8/1982