Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Mẫu Người Mến Chúa Yêu Người

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, là mừng chứng nhân đáng mến của Phúc Âm. Mai là lễ Quốc Khánh, một kỷ niệm lớn đầy vinh quang tự hào của dân tộc. Một lễ nhắc tới Phúc Âm. Một lễ nhắc tới dân tộc. Vì thế, hai lễ này gợi cho tôi một câu nổi danh của Thư Chung Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 1980: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”. Câu đó được coi là đường hướng sống đạo của Hội Thánh Việt Nam. Câu đó được coi là giáo lý thu hẹp của người Công Giáo Việt Nam hôm nay.

Trong bài giảng vắn tắt này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ của tôi, về tinh thần câu: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Anh chị em thân mến,

Nội dung cả cuốn Phúc Âm tóm lại 2 điều: Một là mến Chúa, hai là yêu người.

Có lần tôi hỏi: Tìm đâu ra mẫu người mến Chúa yêu người. Thì có người chỉ lên bàn thờ Chúa mà nói: Ai năng đi lễ đọc kinh, năng học hỏi về Chúa, đó là mẫu kẻ mến Chúa, và cũng là mẫu kẻ yêu người. Bởi vì, thờ phượng Chúa, lo việc Chúa, tất nhiên là những việc nói lên lòng mến Chúa, nhưng những việc đó cũng có tính cách cầu nguyện cho kẻ khác, phục vụ kẻ khác. Phục vụ kẻ khác nên cũng phải được coi là những việc yêu người.

Nhưng có người lại nghĩ khác: Họ chỉ vào người ta mà nói: Ai yêu thương con người, năng giúp đỡ đồng bào, giữ công bình bác ái với người chung quanh, tích cực phục vụ xã hội, Tổ Quốc. Ðó là mẫu kẻ yêu người và đồng thời cũng là mẫu kẻ mến Chúa. Bởi vì, những việc đó nói lên lòng yêu người, nhưng cũng có nhiều khả năng làm chứng lòng mến Chúa đích thực, như thánh Gioan tông đồ đã dạy.

Như thế là có hai chủ trương. Chủ trương thứ nhất đề cao việc thờ phượng Chúa. Chủ trương thứ hai đề cao việc yêu thương con người. Không rõ anh chị em nghĩ thế nào, về hai chủ trương nói trên. Theo tôi thì cả hai chủ trương đều tốt. Nhưng chủ trương thứ hai tốt hơn. Và nếu hai chủ trương bổ túc cho nhau theo một mức độ hợp lý, thì sẽ thành một chủ trương tốt nhất.

Bổ túc cho nhau theo một mức độ hợp lý, có nghĩa là phải biết sắp xếp. Thí dụ, một ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Nếu ta dành ra một thời gian vắn chừng mười lăm phút, hoặc nửa giờ mà thôi, để đọc kinh chiều hôm sớm mai, để đọc một trang Kinh Thánh, chủ ý thờ phượng Chúa một cách đặc biệt, còn hai mươi ba tiếng rưỡi nữa, sẽ dành cho việc phục vụ gia đình, phục vụ xã hội và các việc khác, thì thiết tưởng đó là một phương thức sống Phúc Âm có thể tạm gọi là hợp lý.

Rồi thí dụ, một tuần lễ có 168 tiếng đồng hồ. Nếu ta dành ra một thời gian vắn khoảng hai tiếng mà thôi, để đến nhà thờ dự lễ đọc kinh, nghe giảng, chủ ý thờ phượng Chúa một cách đặc biệt, còn 166 tiếng đồng hồ nữa sẽ dành cho việc gia đình, việc xã hội và các việc khác, thì thiết tưởng đó cũng là một phương thức sống Phúc Âm có thể gọi là hợp lý. Bởi lẽ chính vì ta đặt nặng việc phục vụ con người trong đời sống Phúc Âm, nên ta dành hầu hết thời gian cho việc đó, còn thời giờ dành cho kinh lễ rất là giới hạn, và thời giờ vắn vỏi này thực sự cũng lại là thời giờ bồi dưỡng nội tâm ta, giúp ta được an ổn tâm hồn, được nghị lực thêm, để càng phục vụ xã hội một cách tốt hơn nữa.

Trong việc sắp xếp, tôi thường theo hai nhận định sau đây:

Một là cái tốt, cái hay nếu kéo dài quá mức cần thiết, sẽ trở thành cái không tốt, cái không hay. Vì thế, tôi vẫn khuyên các họ đạo hãy sắp xếp các sinh hoạt tôn giáo sau cho vắn gọn. Nhưng sự vắn gọn cũng phải trong mức độ hợp lý hợp tình, kẻo gây nên hậu quả không tốt.

Hai là cái tốt cái hay, nếu không thể hiện được đúng lúc, sẽ không còn gọi được là tốt, là hay. Vậy, lúc này là lúc rất cần thể hiện đời sống Phúc Âm qua những đức tính xã hội, qua việc yêu thương phục vụ con người. Nếu không thể hiện được, hoặc không muốn thể hiện, thì ta đừng nên trách bất cứ ai, nếu họ khi nhìn cách ta sống, vẫn không nhận ra Phúc Âm là hay là tốt.

Anh chị em thân mến,

Trong niềm tự hào chung của cả nước, và với tinh thần “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, chúng ta giờ đây nghĩ tới những vị đã có công dựng nước, nghĩ tới chính quyền của ta, nghĩ tới tất cả đồng bào của ta, nghĩ tới các người đã đổ máu mình ra để góp phần xây dựng Hội Thánh Việt Nam. Nghĩ tới để cảm mến, để cảm ơn, để gắn bó. Ta sốt sắng cầu nguyện cho Tổ Quốc ta được bình an thịnh vượng, cho mọi tín hữu được sống đức tin một cách trong sáng, cho chính chúng ta được luôn luôn là người hữu ích cho Tổ Quốc và cho Hội Thánh. Lạy Chúa, xin ở giữa chúng con. Xin các thánh tử đạo Việt Nam phù trợ chúng con. Amen.

Lễ các thánh tử đạo Việt Nam, Long Xuyên ngày 1/9/1985