Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Giáo Dục Lương Tri

Hồi nãy, trong phát biểu đáp từ trước thánh lễ, tôi có nói là tinh thần Giáo Hội thúc đẩy chúng ta đi lên. Tư tưởng đó, tôi muốn tiếp tục trong bài giảng nầy, bằng sự nhấn mạnh đến hai điểm:

 Ðiểm thứ nhất tôi muốn nhấn mạnh, là ta cần đưa trí óc ta đi lên con đường hiểu biết

Ðó là điều Giáo Hội rất mong muốn. Giáo lý bí tích Thêm Sức cũng nói lên điều mong muốn đó, khi mời gọi chúng ta đến với Chúa Thánh Thần, để xin Ngài ơn hiểu biết. Chúa Thánh Thần là Thần dạy chân lý. Chúa Thánh Thần hiện ra dưới hình lưỡi lửa, để biểu hiện khả năng chiếu sáng như lửa, dẫn đường chỉ lối cho con người được hiểu biết điều hay lẽ phải.

Chúng ta nên hiểu biết những gì không sao kể ra hết được. Vì trong phạm vi đời đạo, có vô số vấn đề mời gọi ta tìm hiểu. Nhưng có một điều ai cũng có bổn phận phải biết, có một khả năng ai cũng cần phải xây dựng, đó là biết nhận ra điều phải điều sai, đó là biết phân biệt điều lành điều xấu, đó là biết phán đoán điều đạo đức và điều vô đạo đức. Ðơn sơ chỉ có thế thôi.Ðiều đơn sơ gọi là lương tri, gọi là lương tâm. Ðó là nền tảng, làm cho một người nên người.

Tối thứ tư vừa qua, tức 13.10.1982 đài truyền hình Việt Nam Cần Thơ, đã chiếu trên màn ảnh một kịch nói của Bungari có tính cách giáo dục, tựa đề: “Ðảm bảo bằng vàng”. Trong một đoạn trao đổi, một nhân vật trong kịch đã phát biểu một nhận xét đáng ta chú ý. Ðại khái là: Trước đây, người ta có hai phạm trù một là đạo đức, hai là vô đạo đức. Còn bây giờ, nơi một số người trẻ lại có ba phạm trù một là đạo đức, hai là vô đạo đức, ba là mù quáng, không biết phân biệt cái gì là đạo đức, cái gì là vô đạo đức. Nhận xét trên đây rất đúng. Hiện nay trên thế giới này, có vô số người không còn biết phân biệt cái gì là đạo đức, cái gì là vô đạo đức. Ðối với họ, hễ cái gì thích là làm, cái gì lợi cho mình trước mắt là chạy theo. Sống kiểu đó sẽ đi về đâu? Và nếu những người sống kiểu đó, lại chiếm được địa vị trong xã hội đời đạo, thì họ sẽ đưa xã hội của họ đi về đâu?

Lương tri lành mạnh, hiểu biết phải trái không phải là cái gì có sẵn từ lúc sinh ra đâu! “Nhân chi sơ tính bản thiện”, câu đó chỉ đúng cho Adong trước khi phạm tội thôi. Bình thường thì phải qua một quá trình dài giáo dục, con người ta mới có được một lương tâm lành mạnh. Giáo Hội Công Giáo chú trọng đặc biệt đến việc giáo dục đó. Giáo dục bằng các phương tiện tự nhiên: Qua giáo lý, qua các bí tích, qua sự cầu nguyện, qua môi trường nhà thờ, qua môi trường gia đình, qua môi trường họ đạo. Kinh nghiệm cho thấy, tôn giáo đóng góp một phần rất quan trọng trong việc xây dựng lương tri.

Tháng 5/82 tại Mascơva, thủ đô Liên Xô đã có một hội nghị quốc tế qui tụ đông đảo đại diện các tôn giáo thế giới, để bàn về hòa bình, trước nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Một vị đại biểu hội nghị đã nói với chúng tôi “Ðối với những người có quyền, có của, có vũ khí phá hoại, mà họ lại không còn biết sợ bất cứ ai, bất cứ cái gì, không thèm nghe ai, vâng ai, thì chỉ có Ðấng thiêng liêng tối cao mới uốn nắn được lòng họ. Nếu họ còn tin có Ðấng Tối Cao trên đầu họ, nếu họ còn tin có đời sau thưởng phạt họ, thì ít ra niềm tin như thế cũng giúp làm cho họ sợ, không dám làm bậy làm liều”.

Phát biểu trên đây là rất thực tế, là rất đúng. Tóm lại, hòa bình trật tự gia đình xã hội, an ninh quốc tế và thế giới cần được bảo vệ tốt và xây dựng đẹp. Muốn được thế, phải có những người có lương tâm. Giáo dục con người có lương tâm là việc mà tôn giáo có khả năng đóng góp rất nhiều.

Tôi nhắc qua như thế, để lưu ý các người làm cha mẹ, ông bà, anh chị và đỡ đầu các em về bổn phận cụ thể này, là tìm mọi cách thích hợp để uốn nắn lương tri con em mìmh, cho nó biết, cho nó hiểu thế nào là phải, thế nào là trái, thế nào đạo đức, thế nào là vô đạo đức. Tiện đây, tôi cũng nói ngay là trong việc giáo dục lương tâm, ta cần chú ý cách riêng đến sự giữ công bình và bác ái.

 Do đó, điểm thứ hai tôi muốn nhấn mạnh hôm nay, là ta cần đưa trái tim ta đi lên con đường yêu thương nhân ái

Ðây là điểm Giáo Hội luôn luôn kêu gọi chúng ta. Tại sân nhà thờ Thạnh An đây, có tượng Chúa Giêsu Trái Tim. Tượng đó, đối với chủ đề trái tim cũng chính là một kêu gọi: Hãy sống với Chúa bằng tất cả tình mến chân thành của trái tim mình. Hãy sống với nhau bằng tất cả tình liên đới chân thành của trái tim mình. Hãy sống với Quê Hương Tổ Quốc bằng tất cả tình gắn bó chân thành của trái tim mình.

Cũng trong bản kịch “Ðảm bảo bằng vàng” tôi vừa nói ở trên, nhân vật chính đã phát biểu một câu làm nòng cốt vở kịch. Ðại khái nói: “Lịch sử được xây dựng không phải bằng những khối óc lớn lao, mà cũng bằng những trái tim lớn lao”. Và để cắt nghĩa câu đó, nhân vật chính đã cho thấy, ai chỉ giỏi về chuyên môn, về chính trị, chỉ làm đúng pháp luật, nhưng lại đối xử cứng cỏi, thô bạo nhỏ nhen như người không có trái tim, vịn vào luật pháp để bắt bẻ, bới móc, làm nhục kẻ khác thì sau cùng, những người như thế dù trí óc có giỏi giang tới đâu, cũng sẽ bị lịch sử đào thải. Nhận xét trên đây là nhận xét đúng có tính cách răn đời, rất đáng chúng ta suy nghĩ.

Sống với trái tim to lớn là sống khiêm tốn, nhưng cầu tiến, biết vươn lên những gì cao đẹp hơn. Sống với trái tim to lớn là sống cảnh giác nhưng cởi mở, biết tìm kiếm và biết đón nhận những cái hay của người khác. Sống với trái tim to lớn là sống cho mình, nhưng sống cho Tổ Quốc, cho Thiên Chúa nhiều hơn. Sống với trái tim to lớn là sống nghiêm minh nhiều đối với chính mình, nhưng sống bao dung nhiều hơn đối với người khác.

Sống được như thế không luôn dễ. Sống được như thế cũng là kết quả của một nền giáo dục hướng thượng mà tôn giáo chúng ta luôn chú trọng.

Nói tới đây, tôi tự nhiên nghĩ tới một hiện tượng đang xảy ra tại nhiều nơi, là sự thi đua bị lạm dụng. Sự thi đua tự nó có tính cách thúc đẩy con người đi lên. Nhưng khi bị lạm dụng, khi không được hướng dẫn tốt, sự thi đua trở thành một cách giáo dục khuyến khích con người dùng tôn giáo, dùng dân tộc làm bậc thang leo lên địa vị và quyền lợi riêng cá nhân mình. Sau cùng, tôn giáo, dân tộc, tổ quốc trở thành phương tiện. Bản thân họ mới là đích. Lòng họ được khuyến khích trở nên kiêu căng, phô trương, ghen tị, nhỏ bé. Họ sống và làm, coi như vì tôn giáo, vì dân tộc, nhưng xét kỹ, thì thấy rõ là họ sống và làm vì lợi ích riêng. Ðó là một nguy cơ cho tôn giáo, cho dân tộc. Ta phải cảnh giác với những cách giáo dục bị lạm dụng đó.

Thánh Gioan Baotixita nói: “Tôi phải nhỏ bé đi, để Chúa Kitô được lớn lên”. Chỉ có trái tim to lớn như Ngài mới có một chọn lựa vừa khiêm tốn vừa cao cả như thế.

Anh chị em thân mến,

Những điều tôi nói hôm nay, chắc chắn người lớn hiểu nhiều hơn trẻ em. Tôi hy vọng những điều đó sẽ được anh chị em hiểu đúng và thực hiện cho mình và cho con em mình. Nguyện Chúa Thánh Linh là Ánh Sáng hiểu biết, và là Tình Yêu nhân ái thương hướng dẫn chúng ta. Amen.

Lễ Thêm Sức, Thạnh An ngày 16/10/1982