Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Lo Âu

Bài Phúc Âm hôm nay (x. Mc 13,13) gợi ý cho tôi nhìn về một tâm trạng khá thông thường của mỗi người chúng ta, đó là sự lo âu. Tôi nhìn thấy những chuyện xảy ra ở mặt trời, mặt trăng, các vì sao, trên núi, dưới biển, thường ít khi làm cho ta lo âu. Trái lại, cái làm cho ta lo âu nhiều chính là những gì thường ngày đụng tới đời sống của ta. Thí dụ, nạn nghèo túng, nạn suy dinh dưỡng, nạn mòn mỏi, những đe dọa mất mùa, những đe dọa bệnh tật, những đe dọa chiến tranh... Ðó là những sự làm ta lo âu không ít.

Lo âu là những phản ứng bình thường. Nó là dấu chỉ mang ý nghĩa báo động của những sự sống ý thức có bản năng tự vệ. Có lo âu, con người mới tìm đối phó, mới tìm khắc phục.

Trong những tình huống như thế, mỗi người chúng ta, dù lớn, dù nhỏ, đều tìm giải quyết cách nào mình cho là hữu hiệu nhất. Thí dụ đói thì lo ăn. Không sẵn của ăn thì lo làm ra, lo tìm kiếm. Tự mình không được, thì đi xin đi mượn. Có việc tự mình lo lấy được. Có việc ta phải nhờ người khác cùng lo. Ðối với người có tín ngưỡng, thì đang khi mình tự lo lấy, hoặc nhờ người khác cùng lo, ta cũng thường cầu xin cậy trông ơn Chúa giúp đỡ. Ta làm việc đó một cách tự nhiên, theo một bản tính đã được đức tin soi sáng cho biết, Chúa quyền năng và hay thương xót, có thể giải đáp cho những giới hạn vô vàn của ta.

Thế rồi, khi nghĩ đến những gì sẽ xảy ra cho tôi, và cho những người thân của tôi sau cái chết tất nhiên phải đến, tôi cũng thấy lo âu rất nhiều. Tôi muốn đừng lo âu. Nhưng trong những việc quan trọng, thiết tưởng lo âu vẫn tốt hơn là không lo âu. Lo âu trước cái chết, cũng là một phản ứng nhân bản của một bản năng, muốn tìm về hạnh phúc trường sinh.

Trong việc tìm giải quyết thứ lo âu này, tôi không hoàn toàn tự mình làm được, tôi cũng không hoàn toàn nhờ vào người khác làm giúp tôi được, mà dứt khoát tôi phải cậy trông vào Chúa. Tôi tin chắc chắn, chính Chúa nắm giữ vận mạng của tôi, một vận mạng được thử thách, được xây dựng ở đời này, nhưng chỉ được thực sự kết luận ở đời sau. Tôi tin cậy Chúa. Tôi coi niềm tin cậy đó là một ơn huệ quí giá Chúa ban. Niềm tin cậy này là nguồn an ủi lớn lao, là cái phao bảo đảm để tôi bám vào, khi băng qua sự chết mà về đời sau.

Phúc Âm hôm nay khuyên dạy những kẻ tin cậy Chúa hãy tỉnh thức và cầu nguyện. Hiểu một cách đơn giản, thì tỉnh thức là hãy cố gắng làm hết sức mình để tránh tội lỗi, để làm việc lành. Cầu nguyện là hãy năng gặp gỡ Chúa trong tinh thần thờ phượng, cảm tạ, thống hối và cầu xin sự tốt lành cho kẻ khác.

Ðời sau bắt đầu ngay từ đời này. Nhưng đời này không dẫn tới đời sau theo một quy luật nhiều người tưởng nghĩ. Chúa Giêsu có lần đã nói: “Rồi đây, nhiều dân từ phương đông phương tây sẽ được vào nước Chúa. Ðang khi đó vô số con cái trong nhà sẽ bị loại ra”. Lời Chúa phán đó cảnh cáo những người có đạo đừng tự phụ tự đắc với vốn liếng đạo đức của mình. Lời cảnh cáo đó khuyên giục ta phải khiêm tốn rất nhiều trong cái nhìn về mình và trong mọi phán đoán về kẻ khác. Kẻ ngoại khiêm tốn sẽ được Chúa ban cho niềm tin cậy vào phút chót, để họ vào Thiên Ðàng. Còn kẻ có đạo kiêu căng, đã làm hư hỏng đức tin cậy ngay trong quá trình cuộc sống, sẽ bị loại ra ngoài. Lời Chúa Giêsu cảnh cáo rất đáng ta lo âu.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin thương thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi sự xấu làm lụi tàn đức tin cậy. Con cầu xin Chúa thương cho mọi người đều được lên Thiên Ðàng. Con cầu xin Chúa thương đến những kẻ bất xứng nhất, trong đó có con, được ơn cậy tin vững bền vào lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa con cảm tạ Chúa. Amen.

Lễ Thêm Sức, Ðịnh Mỹ ngày 20/10/1985