Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Sự Trở Về

Ngày hôm nay, cũng như ngày hôm qua và cũng như mọi ngày khác chỉ là một thời gian 24 giờ. Nhưng thời gian 24 giờ hôm nay, đối với Giáo Hội nói chung và dòng Phanxicô nói riêng mang nặng ý nghĩa: Ý nghĩa của một quá khứ, vá ý nghĩa của một tương lai. Thánh Phanxicô sinh ra là một việc quá khứ 800 năm rồi. Nhưng thánh Phanxicô vẫn sống. Nên mừng kỷ niệm ngày sinh của Ngài là một cách đem quá khứ sống động của thánh Phanxicô dọi vào hiện tại và tương lai, để tìm một hướng đi cho Giáo Hội, cho nhà dòng, cho các môn đệ Chúa.

Quá khứ phong phú của thánh Phanxicô quả là một thứ ánh sáng tiên tri, giúp ta nhìn thấy hình ảnh đang hình thành của các người được ơn gọi trong hiện tại và những năm sắp tới. Hình ảnh đó thế nào?

Trước hết, đó là hình ảnh của người biết trở về. Trở về đâu? Thưa là cùng với thánh Phanxicô trở về sự đơn sơ trong sáng nguyên thủy của Tin Mừng. Thánh Phanxicô biết Tin Mừng là nội dung Phúc Âm in trong sách và thường nghe đọc trong thánh lễ. Ngài đã cảm nghiệm say sưa tính chất độc đáo của Tin Mừng không phải khi đọc Phúc Âm, khi nghe Phúc Âm, khi học hỏi Phúc Âm, mà là khi Ngài trở về với Chúa một cách quyết liệt hồi 25 tuổi. Ngài trở về để được Chúa hoàn toàn chiếm đoạt và để được Chúa sai đi. Từ đó, đối với thánh Phanxicô, Tin Mừng là chính Chúa Giêsu Kitô được sai đi: “Thánh thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Ðối với Phanxicô, mang Chúa Giêsu Kitô trong mình mới thực sự là mang Tin Mừng. “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Và như thế, sống Tin Mừng là sống trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô, một Chúa Kitô được sai đi cho một mục đích đơn sơ trong sáng, với những giáo lý đơn sơ trong sáng.

Nhìn thấy Phanxicô đó, nghe Phanxicô đó, người ta đụng tới một minh chứng sống động mạnh mẽ về sự tuyệt đối của Thiên Chúa, một Thiên Chúa rất đáng yêu mến tôn thờ. Gặp Phanxicô đó, sống với Phanxicô đó, người ta đụng tới một minh chứng sống động mạnh mẽ về lòng hiếu thảo và vâng phục đối với Hội Thánh của Chúa và của mình, một Hội Thánh có nhiều sự thánh thiện và cũng có nhiều yếu đuối.

Thời đó, rất nhiều người được thu hút bởi Tin Mừng, không phải Tin Mừng theo thánh Matthêu, theo thánh Marcô, theo thánh Luca, theo thánh Gioan, mà là Tin Mừng hiện thân trong Phanxicô, con người đơn sơ chiếu tỏa sự bình an chan hòa sâu sắc.

Những con người trở về với Chúa để sống Tin Mừng và mang Tin Mừng như Phanxicô, rất cần cho thế giới hôm nay và những năm tháng sau này. Thiết tưởng mọi người chúng ta đây đều được Chúa gọi trở về. Ðiều quan trọng là hãy để Chúa chiếm đoạt và hãy để Chúa sai đi. Nhưng hãy cảnh giác với những ảo tưởng về sự được Chúa chiếm đoạt và được Chúa sai đi. Phanxicô rất rõ rệt về những điểm đó, khi nhận biết mình hèn mọn, sẵn sàng vâng phục những chỉ dẫn của các vị có thẩm quyền trong Giáo Hội.

Ngoài thái độ trở về, hình ảnh đang được hình thành của các người được ơn gọi trong hiện tại và những năm sắp tới còn thấy nơi Phanxicô, đó là hình ảnh của người biết bước xuống.

Bước xuống là gì?

Thưa là bước xuống cuộc đời khiêm tốn chấp nhận nhiều thương đau.

Xem ra Chúa đã muốn dùng Phanxicô để giới thiệu cho thế giới lúc đó hình ảnh sống động của Chúa Cứu Thế. Ðấng đã được Kinh Thánh gọi là “Ðấng đi xuống” “Người đã từ trời xuống thế”. Phanxicô đã từ cuộc sống giàu sang bước xuống cuộc đời nghèo hèn, đã từ nếp sống hưởng thụ bước xuống thân phận lao lung, đã từ địa vị cao bước xuống chỗ chẳng ai thèm ngó tới, đã từ cuộc sống được phục vụ bước xuống cuộc sống phục vụ những người bệnh tật, túng nghèo, tội lỗi, những người bị xã hội bỏ rơi. Phanxicô đã chịu đói khát, rách rưới, đã bị xỉ nhục khinh chê, đã chịu túng thiếu cùng cực. Về cuối đời, Ngài đã chịu đau đớn triền miên đêm ngày do năm dấu thánh.

Quả thực, Phanxicô đã bước xuống cuộc đời đau đớn, để được nên giống Ngôi Hai Cứu Thế: “Ngài đã nhận lấy trọn vẹn thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi”. Phanxicô phải có nhiều tình thương lắm, mới làm cho những bước xuống của mình trở thành gặp gỡ Chúa và gặp gỡ tha nhân.

Thánh Phanxicô đã đi vào lịch sử. Theo Ngài, hiện nay đang có những bước xuống đầy tình thương. Trong những năm sắp tới, những bước giống như thế sẽ càng nhiều hơn. Ðó là những bước đưa Giáo Hội tới mùa xuân.

Ở đây, tôi muốn nói lên một nhận xét của tôi. Tôi thấy sự ham chuộng của cải và sự ham muốn danh vọng làm hại cho Hội Thánh hơn bất cứ một ý thức hệ nghịch đạo nào, hơn bất cứ một thứ chính trị hại đạo nào. Bao lâu không vui lòng từ bỏ sự ham muốn đó, người ta sẽ chỉ làm cho Giáo Hội mình, nhà dòng mình, họ đạo của mình nên cằn cỗi, nặng nề, mù mịt.

Anh chị em thân mến,

Trên đây là những cái nhìn mạo muội của tôi về hiện tại và tương lai. Ðây là giai đoạn của nhiều tinh thần Phanxicô. Trong cái nhìn đó, tôi cầu mong cho cộng đoàn Phanxicô Cù Lao Giêng và anh em mừng Ngân Khánh nói riêng, được là những hứa hẹn sinh động cho hiện tại và tương lai giáo phận Long Xuyên. Anh em có ít người, nhưng số ít mà nhiều tinh thần thì vẫn làm được cho Niềm Vui và Hy Vọng của Tin Mừng được lan rộng, bén sâu và trổ sinh nhiều bông trái. Với tinh thần đơn sơ khiêm tốn và thực tiễn, anh em sẽ được Chúa dùng như khí cụ bình an của Chúa, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hạnh phúc chân thực cho đồng bào, cho Quê Hương Tổ Quốc, cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Amen.

Kỷ niệm 800 năm ngày sinh thánh Phanxicô Assisi,
tu viện dòng Phanxicô Cù-Lao-Giêng ngày 4/10/1982