Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Sức Khoẻ Linh Hồn

(Lc 3,1-6)

Bài Phúc Âm ta vừa nghe (CN II Mùa vọng C), ghi lại lời giảng của thánh Gioan Baotixita. Ðại khái, Ngài nói: Sự gì cong queo hãy uốn lại cho ngay, sự gì gồ ghề, lồi lõm, hãy sửa lại cho bằng.

Mấy lời giảng đó nghe thực vắn gọn, nhưng đặt ra một vấn đề. Vấn đề mà tôi hiểu Ngài muốn đặt ra là vấn đề sức khoẻ linh hồn. Ngài muốn khuyên mọi người hãy liệu sao cho linh hồn mình được khoẻ mạnh tốt đẹp.

Nhưng liệu cách nào? Tôi thấy sách đạo có nhiều lời khuyên, thí dụ hãy ăn năn, xưng tội, đền tội, chừa tội, tránh tội, cầu nguyện, rước lễ, vv... Tôi cũng nhiều lần khuyên người ta như vậy, và tôi thấy những lời khuyên như thế là đúng.

Thế nhưng, vấn đề còn phải giải quyết thêm một cách rộng hơn, xa hơn. Vì thực ra càng ngày khoa học về con người càng cho thấy các vấn đề về con người thường chằng chịt gắn bó với nhau. Thí dụ, đau bụng không luôn luôn là do cái bụng, mà nhiều khi là do các nghĩ ngợi lo lắng ở trong đầu. Như thế, nghĩ ngợi lo lắng, tuy thuộc tinh thần, nhưng lại là tiền đề của bệnh đau bụng thuộc về thể xác. Cũng vậy, sức khoẻ linh hồn thường không tách lìa hoàn toàn khỏi ảnh hưởng của sức khoẻ thân xác, sức khoẻ tâm sinh lý, sức khoẻ môi trường gia đình xã hội. Một người thường xuyên ốm đau, bệnh tật, suy dinh dưỡng, cũng như những người lâm cảnh cơ cực nghèo túng, thường dễ bị chia phối bởi một số cám dỗ nhất định, thường dễ sa ngã vào một số tội nhất định. Tội họ phạm phải được hiểu qua những tiền đề của nó. Ðó là hoàn cảnh sức khoẻ thân xác, hoàn cảnh kinh tế, xã hội của họ.

Vì thế, tôi thấy cái chuyện cong queo, gồ ghề, lồi lõm của linh hồn, nên được xem xét một cách rộng rãi. Trong Phúc Âm ta thấy, Chúa Giêsu khi rao giảng việc lo phần rỗi linh hồn, cũng đã chữa rất nhiều bệnh nhân, cũng đã lo cho dân có của ăn áo mặc, cũng đã lo tháo gỡ mặc cảm cho nhiều người, cũng đã chia sẻ tình người với nhiều chi tiết tế nhị. Chúa lo cho sức khoẻ phần xác, sức khoẻ tâm sinh lý, chính cũng là để lo cho sức khoẻ phần hồn một cách khoa học.

Những suy nghĩ trên đây, mặc dầu sơ sài cũng đưa tôi đến một số kết luận thực hành:

Kết luận thực hành thứ nhất là khi thấy ai có tội, tôi nên tìm hiểu họ một cách rộng rãi và thông cảm. Bởi vì, tội nơi mỗi người thường là hậu quả của một giai đoạn lịch sử chung riêng, mà nhiều yếu tố đã gây nên.

Kết luận thực hành thứ hai là khi quan tâm đến sức khoẻ linh hồn, tôi không được phép coi thường những vấn đề khác của con người, như các vấn đề xã hội, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, y tế, lương thực, giáo dục vv... Bởi vì sức khoẻ linh hồn cũng được giải quyết một phần từ những khâu đó.

Kết luận thực hành thứ ba là tôi coi những người lo việc đời, việc xã hội, việc phần xác, là những người có chức năng góp phần không nhỏ vào việc cứu độ con người theo chương trình của Chúa. Nếu thiếu sự cộng hiến của họ, sức khoẻ linh hồn tôi và của bao người khác sẽ bị thử thách rất nặng nề.

Anh chị em thân mến,

Hồi nãy, các em đã hát: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, tôi nào còn sợ chi”. Khi nghe lời ca đó, tôi đã thầm nói với Chúa: Ðó là những lời ca của hy vọng, của niềm tin. Chứ thực ra, lúc này con còn thiếu thốn nhiều lắm, con đang lo sợ nhiều lắm. Có những thiếu thốn về sức khoẻ, có những lo âu về hồn về xác. Con lo cho con, con lo cho đồng bào con. Con tin Chúa, nên con mới nói thiệt với Chúa như vậy. Con tin Chúa, mà không xin phép lạ. Con chỉ xin Chúa giúp con biết kiên trì phấn đấu, để đồng bào con mỗi ngày mỗi được ổn định hơn, mỗi ngày mỗi được khá hơn về sức khoẻ phần xác, về sức khoẻ phần hồn.

Xin cảm tạ Chúa!

Chợ Thủ, ngày 9/12/1985