Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Cảm Tạ Biết Ơn

Nếu ta muốn đoán thử những ai trong nhà thờ này lát nữa sẽ lên lãnh bí tích Thêm Sức thì chẳng có gì là khó cả. Chỉ việc quan sát chỗ ngồi, nhất là quan sát xem những ai có đeo bảng tên trước ngực, thì đoán ra được. Họ có vài khác biệt gọi là dấu chỉ.

Nhưng nếu ta muốn đoán thử ai trong họ đạo Long Xuyên này, sau khi chết sẽ được Chúa chọn lên thiên đàng, thì chắc chắn là khó lắm. Khó lắm! Tuy nhiên, một tác giả uy tín đã viết: Dấu chỉ để phân biệt những kẻ Chúa chọn lên thiên đàng, là lòng cảm tạ biết ơn Chúa. Ngài nói: Một người có thói quen cảm tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh thì như mang một trái tim tỏa sáng. Trái tim tỏa sáng đó là dấu chỉ họ được Chúa chọn. Trái lại, kẻ quen sống vô ơn thì như phủ trên mình một bóng đen lạnh lẽo đó là dấu chỉ họ sẽ bị loại trừ.

Tác giả đó nói rất có lý. Bởi vì trong gia đình và xã hội, sự cảm tạ biết ơn đó là việc sơ đẳng của con người có giáo dục. Phương chi trong liên hệ với Chúa, sự cảm tạ biết ơn Chúa chính là một việc hiếu thảo sơ đẳng, một việc công bình tối thiểu của người được gọi là con Chúa. Hôm nay, để giúp làm tốt bổn phận sơ đẳng và tối thiểu đó của người con Chúa, của người được Thêm Sức, tôi xin lưu ý hai điều.

 Ðiều thứ nhất là nên để ý trong việc cảm tạ biết ơn Chúa, là hãy khiêm tốn nhìn mình và ơn mình được

Ðiều đó ta có thể học trong Phúc Âm. Phúc Âm ghi lại: Khi Ðức Mẹ tỏ bày cảm tạ biết ơn Chúa, Ðức Mẹ đã nói: “Linh hồn tôi chúc tụng Chúa...Vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa”. Ðức Mẹ nhìn mình là tôi tớ. Ðức Mẹ nhận mình là hèn mọn. Ðức Mẹ ý thức ơn mình được không phải do mình có công trạng gì, mà hoàn toàn do tình Chúa đoái thương đến mình. “Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ Chúa”. Khiêm tốn như thế là nhìn đúng sự thật. Và cái nhìn như thế làm cho tâm tình cảm tạ biết ơn được đẹp lòng Chúa.

Phúc Âm cũng kể: Một viên chức ngoại giáo, sai người đến xin Chúa Giêsu vui lòng chữa bệnh người giúp việc của ông. Chúa nhận lời. Khi nghe tin Chúa đang trên đường đến nhà ông, viên chức đó vội vã chạy đi đón. Ông quỳ lạy và nói: “Xin cảm tạ Ngài, tôi không xứng được Ngài bước vào nhà tôi”. Mặc dầu ông là cấp lớn, ông nhận mình là bất xứng. Rõ ràng ông nhìn thấy một khoảng cách sâu rộng giữa Chúa và ông. Chính lòng thương xót Chúa chủ động vượt qua khoảng cách đó. Chứ phần ông, ông nhận mình không có quyền gì đòi hỏi cả. Nhìn khiêm tốn như vậy là cái nhìn đúng. Chính nhờ cái nhìn khiêm tốn như thế mà ônh càng được Chúa thương hơn.

Trái lại Phúc Âm cũng ghi lại hậu quả xảy ra cho những người được ơn mà không khiêm tốn. Thí dụ trong chuyện người con phung phá ta thấy người anh gọi là không phung phá đã phiền trách cha mình, vì đã đối xử quá tốt với người em phung phá. Thực sự, thì người anh gọi là không phung phá đó, đã được rất nhiều ơn huệ, nhưng không ngờ anh ta không lo cảm tạ biết ơn, lại coi ơn huệ như là một quyền lợi, anh đã đòi hỏi, thay vì nài xin. Tệ hơn nữa, anh tự cho mình cái quyền phê phán cha mình là thiếu công minh. Chính vì sự kiêu căng đó mà trước đây anh ta được coi là người tốt, nay bị Chúa coi là người xấu.

Rồi thí dụ, chuyện những người được mời đến chăm sóc vườn nho của chủ. Ðến lúc ông chủ tặng quà cho tất cả, thì có người trong những kẻ được mời, lên mặt chỉ trích ông chủ vì đối xử quá tốt với kẻ đến sau. Thực sự thì chính người chỉ trích đó đã nhận phần của mình. Nhưng anh ta không lo cảm tạ biết ơn, mà lại coi ơn huệ đó như một cái gì mình có quyền đòi hỏi, và còn muốn đòi hỏi hơn nữa. Hơn nữa, còn dám kết án chính kẻ làm ơn cho mình. Cái nhìn như thế là cái nhìn sai lệch, là cái nhìn kiêu căng.

Những cái nhìn kiêu căng như thế, sẽ làm chết đi tâm tình cảm tạ biết ơn. Nếu sự biết ơn là một vẻ đẹp làm cho một người trở nên dễ thương, thì sự vô ơn là một vết dơ làm cho con người trở nên ghê tởm. Sự vô ơn sẽ làm cho trái tim trở nên cằn cỗi. Rồi từ cằn cỗi, trở nên cô độc. Rồi từ cô độc trở thành cay nghiệt. Và đó là một sự tự sát thành công nhất.

Trái lại, sự khiêm tốn biết ơn sẽ làm cho trái tim trở nên đền thờ của Chúa Thánh Linh. Thánh Thần Chúa ngự trong đó. Ta được cảm thấy sự ngọt ngào của ơn bình an, mà Chúa Thánh Linh dành cho kẻ khiêm tốn biết ơn Chúa.

 Ðiều thứ hai ta nên để ý trong việc cảm tạ biết ơn Chúa, là hãy qui hướng mọi ơn ta được về vinh quang cao cả Chúa

Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa”. Lời đó ta đọc thuộc lòng. Ðó là lời trong kinh Vinh Danh. Có nghĩa là: Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được biết ơn vinh quang Chúa. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được ơn tham dự vào vinh quang Chúa. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được góp phần vào việc ca tụng vinh quang Chúa. Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được ơn sẽ hưởng vinh quang Chúa. Cảm tạ như thế là một cách phát huy ơn Chúa Thánh Thần.

Ðôi khi tôi nhìn vào chiếc áo lễ tôi đang mặc và nghĩ: Nếu sợi chỉ trong chiếc áo lễ này có mắt, có tai, có trí khôn và có trái tim, chắc nó sẽ vui sướng vô vàn. Bởi nó được theo tôi đi biết bao nhiêu nơi, đã được thấy bao cảnh huy hoàng, đã có mặt trong bao cuộc lễ trang trọng đẹp đẽ. Chắc nó sẽ vui sướng vô vàn, nhất là nó được cái may mắn góp phần vào công trình làm nên chiếc áo lễ, để được ở sát bàn thờ bên Mình Thánh, để được dùng trong thánh lễ ca tụng vinh quang cao cả của Chúa. Rồi tôi nghĩ rằng: Tôi cũng giống như một sợi chỉ. Các người khác cũng là những sợi chỉ. Mỗi sợi chỉ có vị trí của nó trong công trình dệt may nên chiếc áo lễ , thì mỗi người cũng có vị trí của mình trong công trình ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Mỗi sợi chỉ có màu sắc riêng của nó, để góp phần làm nên vẻ đẹp chung của toàn thể chiếc áo lễ, thì mỗi người cũng có màu sắc riêng của đời sống mình, để góp phần làm nên vẻ đẹp chung của công trình mình, phản ánh vinh quang cao cả của Chúa. Ơn đó quá lớn lao, ta có cảm tạ Chúa đến muôn đời cũng chẳng đủ.

Ở đây, tôi có một nhận xét muốn nói là: Nhiều người, khi được may mắn, thì dễ quên bổn phận phải dùng những may mắn đó để làm vinh danh Chúa. Còn khi gặp điều rủi ro thì lại rất dễ trở thành vô ơn. Tôi nói thiệt là cách ăn ở như thế rất có hại cho chính mình. Thánh Gióp, khi bị mất hết tài sản, khi bị ném vào cảnh nghèo túng bệnh nạn cùng cực, ông vẫn nói: Chúa ban cho, rồi Chúa lại cất đi. Tôi xin cảm tạ Chúa. Tôi vẫn biết ơn Chúa. Chúa thấy lòng ông vẫn trung thành biết ơn, dù trong thử thách đắng cay, nên Chúa càng thương ông, và sau cùng Chúa đã ban cho ông gấp bội những gì ông đã mất.

Anh chị em thân mến,

Mấy ngày nay, khi nghe nói Chúa Nhật này tôi làm lễ ở nhà thờ Long Xuyên, nhiều người xứ khác đã nói một cách tự nhiên: Giáo dân họ đạo Long Xuyên có phước lớn. Bao nơi khác trong địa phận, giáo dân từng trông đợi mấy năm mới được Ðức Cha tới một lần. Mà tới rồi cũng chỉ trong mấy tiếng đồng hồ rồi đi, còn họ đạo Long Xuyên thì có hai Ðức Cha ở thường xuyên. Bao nơi trong địa phận không có linh mục, không có thầy giúp, còn họ đạo Long Xuyên, thì có nhiều Cha, nhiều thầy. Bao nơi trong địa phận không có thánh lễ, không có nhà thờ, còn họ đạo Long Xuyên thì có nhà thờ lớn đẹp, ngày nào cũng có thánh lễ. Giáo dân Long Xuyên thực có phước. Người ngoài Long Xuyên nhìn giáo dân Long Xuyên là có phước lớn. Còn chính người họ đạo Long Xuyên thì sao.

Xưa Chúa Cứu Thế đã nói với một người chưa biết Chúa rằng: “Chớ chi con biết được ơn Chúa ban cho con”. Lời đó hôm nay, Chúa nói với mọi người đã biết Chúa, với mọi người họ đạo Long Xuyên: “Chớ chi con biết được ơn Chúa ban cho con”.

Xin Chúa Thánh thần giúp ta hiểu lời đó! Amen.

Lễ Thêm Sức, Long Xuyên ngày 28/11/1982