Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Sát Thực Tế

Cách đây hai mươi lăm năm, tức là năm 1960, nhà thờ Rạch Giá này đã được chọn làm địa điểm cho một giáo hạt của địa phận Long Xuyên mới được thành lập. Cách đây hai mươi lăm năm, giáo hạt Rạch Giá đã được khai sinh không lâu sau ngày khai sinh của địa phận mới Long Xuyên. Từ hai mươi lăm năm nay, cái tên “Giáo hạt Rạch Giá” đã trở thành một tên quen thuộc và trân trọng trong giáo phận Long Xuyên chúng ta.

Những ai ở Rạch Giá lâu năm chắc đã chứng kiến những biến chuyển trong nếp sống đạo từ 25 năm nay. Tôi nói ngay trong nhà thờ ta đây thôi. Ðã có thời thánh lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh, hát tiếng La Tinh, bàn thờ thì đặt sát nhà tạm, linh mục làm lễ thì đứng quay lên, giáo dân rước lễ thì phải quì và chỉ được phép rước lễ một lần.

Thế rồi đã có những đổi mới dần dần. Những đổi mới đó đã được thực hiện do tinh thần Công Ðồng Vatican II, muốn đạo phải sát với tinh thần dân tộc và với não trạng con người của thế kỷ hiện nay.

Cũng theo tinh thần đó, cách đây 5 năm, Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đã ra một Thư Chung, vạch ra cho Giáo Hội Việt Nam một đường hướng sống đạo thích hợp, đó là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Có người hỏi tôi: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” là thế nào? Ðể cắt nghĩa, tôi đã chỉ ra biển mà nói: Dân tộc Việt Nam ta ví như biển cả. Hội Thánh Việt Nam ta ví như con tàu. Con tàu đi được là nhờ có biển, nó phải dựa vào biển, nó phải đi trong biển, nó phải yêu mến và gắn bó với biển. Anh chị em họ đạo Rạch Giá là những người đứng trước biển, chắc dễ hiểu hình ảnh tôi đưa ra.

Hôm nay, khi nhắc đến đường lối “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, tôi muốn khuyên anh chị em hãy có những suy nghĩ tôn giáo càng ngày càng sát với thực tế hơn.

Riêng tôi, khi tôi suy nghĩ về cách sống đạo, bao giờ tôi cũng bám sát ba thực tế sau đây: Thực tế thứ nhất là Phúc Âm, thực tế thứ hai là dân tộc Việt Nam hôm nay, thực tế thứ ba là Công Ðồng Vatican II với những phát huy của nó.

Với ba thực tế đó, tôi thấy ta rất có nhiều điều kiện để phụng thờ Chúa, và để phục vụ đồng bào Ðất Nước ta hôm nay một cách an tâm và thanh nhàn.

Ðể được thế, tôi thiết nghĩ, cần có một điều quan trọng, đó là sự khiêm tốn. Khiên tốn để nhận biết mình và Giáo Hội mình. Cần phải sửa sai nhiều điều. Khiêm tốn để học hỏi những cái hay của những người không cùng tín ngưỡng như ta. Khiêm tốn trong cái nhìn về mình. Khiêm tốn trong cái nhìn về người khác. Ðể rồi, càng phải biết khiêm tốn cùng với Chúa Giêsu, phục vụ đồng bào Việt Nam ta, Ðất Nước ta, Tổ Quốc ta.

Khiêm tốn sửa sai, khiêm tốn học hỏi, khiêm tốn phục vụ. Ðó là vẻ đẹp của tuổi trẻ. Tuổi 25 là tuổi trẻ. Tôi cầu mong giáo hạt Rạch Giá nói chung và họ đạo Rạch Giá nói riêng, càng ngày càng có nhiều vẻ đẹp tôi vừa nói.

Xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lòng khiêm tốn của chúng ta. Xin sửa sai mọi sự trong ngoài chúng con.

Rạch Giá, ngày 21/8/1985