Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Trái Tim Chúa Giêsu
Hiền Lành Và Khiêm Nhường

Trong các lời kinh thường đọc kính Trái Tim Chúa Giêsu, có một lời tôi ưa đọc đi đọc lại, để nói với Chúa. Lời đó là câu: “Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho trái tim con nên giống Trái Tim Chúa”. Tôi hay dùng lời kinh đó để tâm sự với Chúa. Tâm sự chỉ bấy nhiêu thôi. Nhưng chẳng bao giờ chán. Trái lại, càng đọc lời kinh đó, tôi càng cảm thấy có một sự bình an ngọt ngào như trái tim Chúa trào vào trong tôi, để biến đổi đời tôi, để làm cho nó nên mới hơn.

Hôm nay, tôi xin được nói lên kinh nghiệm đó, để cảm tạ Chúa và cũng để chia sẻ với anh chị em vài suy nghĩ vắn tắt của tôi về một bí quyết có khả năng dẫn tới ơn cứu độ. Bí quyết đó là thông hiệp với sự hiền lành và khiêm nhường của Ðức Kitô.

Chúng ta quá biết, Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai. Lịch sử cứu độ của Ngài, được tóm tắt trong mấy câu kinh Tin Kính: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng tôi, chịu khổ hình và mai táng thời Phongxiô Philatô. Ngày thứ ba, Người sống lại như lời Thánh Kinh...”.

Nếu ta để tâm suy gẫm từng câu những lời kinh Tin Kính đó, ta sẽ thấy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường đến thế nào.

Ngay trong nhà thờ này, khi nhìn lên các ảnh tượng và bàn thờ, ta cũng thấy những bài học về hiền lành và khiêm nhường của Chúa Kitô: Ðây là thánh giá, kia là chặng đàng và đó là nhà tạm, tất cả đều nói lên sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Trong Phúc Âm, Chúa đã dạy: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Lời Chúa kêu gọi ta đáng ta suy nghĩ nhiều lắm. Chúa cũng dạy: “Ai muốn vào Nước Thiên Ðàng, thì phải qua cửa hẹp”. Cửa hẹp có thể hiểu là sự khiêm nhường, sự hiền lành.

Tôi nghĩ rằng: Hiền lành và khiêm nhường là một vẻ đẹp, là một sức mạnh, là một tài nguyên làm cho con người có khả năng đạt được hạnh phúc đời sau.

Trong lễ Thêm Sức bây giờ, ta xin cho con em ta và cho ta ơn thêm đức tin. Nhưng một cách cụ thể, ta cũng xin ơn biết sống hiền lành và khiêm nhường. Hiền lành và khiêm nhường không phải chỉ đối với Chúa, mà cũng đối với mọi người trong cách nhìn, trong cách đối xử, trong cách phán đoán, trong lời nói và thái độ phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho trái tim con, trở nên giống tim Chúa”.

Lễ Thêm Sức, Tân Châu ngày 16/6/1985