Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Hiền Lành Và Khiêm Nhường

Khi kiểm điểm đời sống nội tâm của tôi, tôi thấy thế này:

Cái đã làm cho tôi thấy Chúa Giêsu dễ thương dễ mến, không phải là sự Ngài hay làm phép lạ, nhưng chính là sự Ngài hiền lành và khiêm nhường.

Cái đã làm cho tôi dễ gần gũi Chúa Giêsu, không phải là sự Ngài luôn dạy dỗ điều hay lẽ phải, nhưng chính là sự Ngài hiền lành và khiêm nhường.

Cái đã làm cho tôi dễ nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, không phải là sự Ngài tỏ uy quyền cao sang, nhưng chính là sự Ngài hiền lành và khiêm nhường.

Những gì xưa Chúa Giêsu đã nói, đã làm, đã chịu trong cuộc khổ nạn, đều nói lên Chúa Giêsu rất hiền lành và rất khiêm nhường. Ngài hiền lành và khiêm nhường trong việc vâng phục thánh ý Chúa Cha. Ngài hiền lành và khiêm nhường trong việc tuân giữ luật pháp Nhà Nước và trọng kính Chính Quyền. Ngài hiền lành và khiêm nhường trong việc yêu thương các tông đồ, yêu đồng bào của Ngài, tổ quốc của Ngài và tất cả nhân loại.

Chúa Giêsu đã hiền lành và khiêm nhường tới mức bị người ta cho là yếu kém. Yếu kém của Chúa Giêsu là một vấp phạm cho nhiều người, nhưng lại là một mầu nhiệm vô cùng đẹp đẽ, và đó cũng chính là một ân huệ cho thân phận con người chúng ta.

Nếu ta thực sự hiền lành, nếu ta thực sự khiêm nhường, ta sẽ gặp được con người đích thực của ta, ta sẽ gặp được Chúa, ta sẽ gặp dược tâm hồn kẻ khác.

Tất nhiên, nói hiền lành là hiền lành với kẻ khác, nói khiêm nhường là khiêm nhường với kẻ khác. Có nghĩa là hiền lành khiêm nhường là dấu chỉ đạo đức của các liên hệ. Nó là những vẻ đẹp của lòng thương yêu. Nó là cái gì tích cực. Nó làm cho những ai gặp ta, nói với ta, sống với ta cảm thấy dễ chịu. Họ thấy sự có mặt của ta làm cho họ vui tươi hơn, hạnh phúc hơn. Sự có mặt của ta, không những không là một bất hạnh cho họ, mà còn là một đóng góp ý nghĩa vào hạnh phúc đời họ. Biết sống như thế chính là sống đạo.

Vì thế, trong những ngày này, ta nên xem xét lại khuôn mặt của ta trong các liên hệ. Thí dụ, trong liên hệ với gia đình, với các người quen thân, ta có luôn hiền lành và khiêm nhường, biết quên mình cho đi, hay ta vốn còn ích kỷ, thích chờ đợi nhận lãnh. Trong liên hệ với đồng bào, ta có luôn hiền lành và khiêm nhường, biết nhiệt tình cống hiến mình vì mọi người, hay ta vốn còn riêng rẽ, chỉ biết đòi hỏi mọi người vì mình. Trong liên hệ với Ðất Nước, ta có luôn hiền lành và khiêm nhường, trung thành yêu mến tổ quốc, tích cực phục vụ xã hội, quảng đại đóng góp vào lợi ích chung, hay ta vốn còn dửng dưng hẹp hòi, làm theo ý riêng mình. Hiền lành và khiêm nhường là sắc đẹp và là hương thơm của tình yêu vị tha, ta có sắc đẹp và hương thơm đó không?

Chúng ta hãy nội tâm hóa lời Chúa Giêsu dạy: “Chúng con hãy học cùng Cha, vì Cha hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Nội tâm hóa là làm cho sự hiền lành khiêm nhường trở thành hết sức chân thành, hết sức tích cực, hết sức tự nhiên, phát xuất tự đáy lòng.

Ðể được như thế, giờ đây, chúng ta hãy xin Thánh Thần Chúa Giêsu giúp ta thông hiệp với tâm tình của Chúa Cứu Thế khi Ngài rửa chân cho môn đệ, và khi Ngài trối lại: “Cha cho chúng con một điều răn mới, là chúng con hãy thương yêu nhau”. Amen.

Thứ Năm Tuần Thánh, Long Xuyên ngày 19/4/1984