Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Chúa Ba Ngôi

Nói về Chúa Ba Ngôi là nói về một mầu nhiệm. Tôi nhớ hồi xưa ở chủng viện, tôi phải qua nhiều năm học Triết, Thần, mới dần dần hiểu thế nào là Ngôi, thế nào là bản tính, để rồi mới lại càng thấy Thiên Chúa Ba Ngôi cùng một bản tính là điều hết sức khó hiểu. Tôi phải nhức đầu, nhức óc lắm mới hiểu được một chút. Dù có hiểu được tới đâu, Thiên Chúa Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm.

Tuy nhiên, khi tôi cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi, tôi chẳng bao giờ dùng đến những lý thuyết phức tạp đó. Tôi gặp gỡ Chúa Ba Ngôi một cách đơn sơ, theo như một số hình ảnh Chúa Giêsu dùng trong Phúc Âm.

Trong Phúc Âm, khi nói về Thiên Chúa Ngôi Cha, Chúa Giêsu thường gọi Người là Ðấng sai đi: “Lời các con nghe không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Ðấng sai Thầy”.

Trong Phúc Âm, khi nói về Thiên Chúa Ngôi Ba, Chúa Giêsu thường gọi Người là Ðấng được sai đi để Phù Trợ: “Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Chúa Cha sẽ sai đến để nhân danh Thầy, chính Ngài sẽ dạy các con mọi điều”.

Trong Phúc Âm , khi nói về chính mình là Thiên Chúa Ngôi Hai, Chúa Giêsu thường xưng mình là kẻ được sai đi để cứu độ: “Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần, không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Người mà được cứu độ”.

Những quan niệm đơn giản trên đây , tạo nên những hình ảnh đơn giản. Chúa Cha là Tình Yêu vô cùng tạo dựng. Chúa Con là Tình Yêu vô cùng cứu độ. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu vô cùng phù trợ. Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi đọc kinh “Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần”, tôi để mình như chìm vào Tình Yêu vô cùng ấy.

Anh chị em có để ý điều này không: Các kinh Ðức Mẹ và các thánh, thường dài và nhiều. Có những ông thánh bà thánh nhỏ, thế mà kinh lại kể lể dài dòng. Chỉ kinh Thiên Chúa Ba Ngôi là đơn giản: “Sánh danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con và Ðức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”. Ðừng tìm hiểu tại sao cả. Ðơn sơ vắn tắt là một hình thức dễ nhớ, dễ đọc. Bởi đó là một kinh rất nên đọc. Ðọc rất có lợi.

Ðọc kinh Sáng Danh, ta tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng ta, đã cứu độ ta, vẫn phù trì ta. Ðọc kinh Sáng Danh, ta mong nuốn được Chúa không ngừng tạo dựng những điều tốt nơi ta, được Chúa không ngừng cứu độ ta, được Chúa không ngừng phù trợ ta. Ðọc kinh Sánh Danh, ta tìm cách thực hiện ơn Chúa sai ta đi vào lịch sử hôm nay. Sai đi để tạo dựng những gì là tốt trên mọi lãnh vực. Sai đi để cứu độ con người khỏi những tội lỗi, khỏi cơ cực, khỏi mặc cảm, khỏi áp bức bất công. Sai đi để phù trợ Hội Thánh và những kẻ bé mọn nghèo nàn.

Thánh Bernadette kể: Những lần Ðức Mẹ hiện ra ở Lộ Ðức, mỗi khi Ðức Mẹ lần chuỗi chung với Bernadette, đến kinh Sáng Danh, Ðức Mẹ bao giờ cũng vừa đọc vừa cúi đầu. Hiện nay phụng vụ nhiều nơi vẫn còn giữ thói quen cúi đầu khi đọc kinh Sánh Danh. Cúi đầu để tỏ dấu thờ lạy, cung kính.

Phần tôi, tôi cúi đầu, cũng còn có ý phó thác trọn vẹn bản thân và đời tôi cho Chúa Ba Ngôi, với những yếu đuối vô vàn, với những khó khăn vô kể, với những thiện chí bé mọn. Phó thác trọn vẹn tất cả, vì tôi vững tin vào tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Dưới sức mạnh vạn năng của tình yêu Thiên Chúa , tất cả đều có thể trở thành Sáng Danh Ba Ngôi Thiên Chúa đời đời. Amen.

Lễ Chúa Ba Ngôi, Rạch Sâu ngày 29/5/1983