Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Thanh Luyện

(Mt 24,42-51)

Nghe bài Phúc Âm hôm nay (thứ Năm 21QN), có thể có người sẽ nói: Chuyện gì Chúa nói sẽ xảy ra sau này, thì cứ để sau này sẽ tính. Hôm nay trời vẫn đẹp và hy vọng càng ngày càng đẹp, đất vẫn tốt và hy vọng càng ngày càng tốt. Thế thì có gì mà phải lo, để rồi phải đặt vấn đề tỉnh thức và cầu nguyện!

Nếu nói như vậy, thì tôi e rằng không hợp lý. Bởi vì, điều Chúa muốn dạy ở đây là việc thanh luyện bản thân. Mà thanh luyện bản thân là vấn đề thời sự mỗi ngày. Nó là một yêu cầu bức thiết thường xuyên của ơn gọi làm con Thiên Chúa.

Quan sát quá trình thanh luyện dân Chúa, ta thấy Chúa đã dùng những phương pháp rất khoa học. Thí dụ sự giảng khuyên, sự nêu lên những gương sáng, sự khen thưởng, sự răn đe, sự sửa phạt. Có khi những người của Giáo Hội tự ý thanh luyện mình. Có khi chính Chúa chủ động thanh luyện họ. Hoặc bằng cách êm đềm, hoặc bằng cách đau đớn. Cũng có khi Chúa dùng sự nọ sự kia xảy ra, đụng mạnh đến họ, gây ra những sức ép có tác động cảnh cáo và uốn nắn họ. Ðó cũng là trường hợp Phúc Âm nói tới hôm nay.

Thanh luyện là vấn đề thường xuyên đặt ra trong đạo. Nhưng nó đã trở thành một vấn đề được nhấn mạnh một cách hết sức khẩn trương, từ khi Công Ðồng Vaticăng II đưa ra quyết tâm canh tân Giáo Hội.

Nhìn lại hai mươi năm qua, ta thấy đã có nhiều kết quả tốt. Thí dụ có sự kính trọng hơn đối với các giá trị trần thế, đã có sự khiêm tốn hơn đối với các tôn giáo bạn và sự vô tín ngưỡng, đã có thích ứng hơn trong phụng vụ, đã có sự dễ dàng hơn trong các bí tích, bí tích Hôn Nhân và Mình Thánh, đã có sự cởi mở hơn trong việc để cho giáo dân tham gia các việc của Hội Thánh.

Tuy nhiên, chuyển biến tốt vẫn chưa đều, chưa đủ. Phải nói thực là chúng ta còn cần phải thanh luyện. Vẫn còn nhiều vướng vít làm cho bao người có đạo, và người hoạt động tôn giáo chưa thực sự sống mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Phục Sinh. Vẫn còn nhiều trăn trở làm cho ta chưa được là: “Dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp nhất với Chúa, và hiệp nhất với con người hôm nay”. Những vướng vít, những trăn trở là một số não trạng nào đó, là một số thói quen nào đó, là một số yếu đuối nào đó.

Ðang khi ấy, vì chương trình cứu độ, Chúa hối thúc công việc thanh luyện Giáo Hội, phải sao cho trung thực hơn, mau lẹ hơn.

Chính vì nhận thức như thế, nên thú thật với anh chị em là, tôi nhìn lại sự đang xảy ra trên thế giới, như cũng có ý nghĩa hối thúc Chúa. Thí dụ khi thấy những phê phán gay gắt của nhiều trào lưu tư tưởng đối nghịch với giáo lý Công Giáo, tôi tự hỏi: Phải chăng Chúa muốn nội dung giáo lý, cũng như cách dạy giáo lý cũng cần được thanh luyện, để căn bản Phúc Âm được trong sáng hơn, sát thực tế cuộc sống con người Việt Nam hôm nay hơn. Rồi thí dụ, khi thấy số linh mục bớt dần đi, bớt nổi nang hơn, nhưng lại vất vả hơn, tôi tự hỏi phải chăng Chúa muốn thanh luyện các linh mục, các giám mục và cách phục vụ của họ đạo, để họ càng có khả năng gần Chúa hơn, và càng có dịp chia sẻ với thực tế cuộc sống con người hôm nay hơn.

Anh chị em thân mến,

Trong mọi suy nghĩ về việc thanh luyện bản thân và địa phận, tôi cầu nguyện và tìm ý Chúa trong Kinh Thánh, trong Công Ðồng,trong thực tại cuộc sống cụ thể hôm nay, và trong những chia sẻ ý kiến của nhiều tâm hồn có hiểu biết. Vì thế, thanh luyện là trở về với Phúc Âm, đồng thời cũng là thích ứng với thực tại. Ðó cũng là ý nghĩa của chủ trương: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

Lạy Chúa Thánh Thần, con tin rằng Chúa đang thanh luyện Giáo Hội Việt Nam với tất cả lòng yêu thương. Con nhìn thấy một lễ Hiện Xuống mới, đang tràn vào các linh hồn Chúa chọn. Con cảm tạ và ngợi khen Chúa. Con chúc tụng lòng thương xót Chúa đến muôn đời. Amen.

Lễ Thêm Sức, Nhà thờ Bò Ót Thới Thuận ngày 25/8/1985