Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Những Ðiều Thực Tế Dạy Ta

Ðứng bên Chợ Thủ nhìn sang, tôi thấy nhà thờ Cồn Én rất gần. Nhưng để từ đó qua đây, tôi phải dự kiến một thời gian tương đối dài. Vì sông quá lớn, vì đường quanh co. Thực tế là như vậy. Không thể giải quyết cách khác. Giải quyết nào cũng phải sát thực tế.

Tôi nói như trên là để đi vào một vấn đề khác, đó là vấn đề sống đạo. Sống đạo phải rất sát thực tế. Bởi vì đạo là một thái độ của cuộc sống con người. Ở đây tôi xin chia sẻ với anh chị em vài ý kiến.

Ðiều thứ nhất mà thực tế khuyên tôi về cách sống đạo, là hãy phát huy những đức tính nhân bản. Những đức tín nhân bản như lương tri, lương tâm, lương thiện, lễ phép, tế nhị, chân thành, trọng lời hứa, tự trọng, biết ơn. Những đức tín như thế không có gì gọi là cao siêu, nhưng chúng giới thiệu con người. Người ta phải biết sống đạo làm người trước khi sống đạo Chúa. Hay nói cho đúng, đạo Chúa kiện toàn đạo làm người, và hòa trong đạo làm người, chứ không đứng ngoài hay đứng trên đạo làm người. Tôi thấy có một số người quan niệm sống đạo như chỉ sống với những mầu nhiệm cao sâu xa vời, ít để ý tới những đức tín nhân bản. Với cách sống đạo như thế, họ tự tách mình ra khỏi thực tế, để trở thành những đối tượng lạc lõng, gây phiền hà và tức cười cho bao người khác. Ðức tin lành mạnh đâu có dạy như thế. Tôi mong muốn những ai dạy đạo, dạy giáo lý nên để ý dạy nhiều về các đức tính nhân bản. Phải coi nhân bản là nhân tố của đạo. Phải biết làm người trước khi họ làm thánh.

Ðiều thứ hai là thực tế khuyên tôi về cách sống đạo, là hãy phát huy những đức tính dân tộc. Những đức tính dân tộc như yêu thương đồng bào, gắn bó với Quê Hương, tự hào về Ðất Nước, hòa mình vào đời sống xã hội, chia sẻ trách nhiệm với địa phương, có mặt trong mọi vấn đề chung của lịch sử Tổ Quốc. Cuộc sống của ta không thể tách rời khỏi cuộc sống dân tộc, thì đạo trong cuộc sống của ta cũng thế. Tôi ví dụ cuộc sống hôm nay có được là nhờ bao nhiêu nhân tố: Từ chính quyền tỉnh đến chính quyền ấp, từ những người không tín ngưỡng đến những người có tín ngưỡng, từ Tòa Giám Mục đến từng cá nhân trong họ đạo, từ họ đạo ta đến các họ đạo xung quanh đây đã có bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu chiếu cố, bao nhiêu vất vả, bao nhiêu tình cảm từ gần đến xa, đã đổ vào cuộc lễ hôm nay. Ðó là một phần nhỏ cụ thể của liên đới dân tộc. Có người, có ta. Có ta, có người. Ðạo dạy phải có liên đới tốt giữa người với ta, giữa ta và dân tộc ta.

Ðiều thứ ba mà thực tế khuyên ta về cách sống đạo, là hãy phát huy những đức tính của cộng đoàn tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. Hồi các thánh tông đồ, các tín hữu sống đạo một cách đơn sơ khiêm tốn vắn gọn, nhưng trong sáng. Họ chuyên chăm cầu nguyện, gắn bó với lời Chúa, thiết tha với bí tích Thánh Thể, sống tình huynh đệ và phục vụ kẻ nghèo. Với chừng ấy việc, họ đã sống đạo Chúa rất tốt, không phải chỉ là đạo với Chúa, nhưng cũng qua cách sống đạo làm người, đạo đối với đồng bào dân tộc. Tôi thấy đạo nghĩa nhiều nơi còn rườm rà lắm. Tệ hơn nữa, có nơi người ta lại quá bám vào những rườm rà đó, đến nỗi bỏ quên cốt lõi của đạo. Thực là đáng tiếc!

Anh chị em thân mến,

Khi nghĩ tới họ đạo Cồn Én, tôi không thể không đồng thời nghĩ tới con sông lớn, và những kênh rạch, những lùm cây và những mái ngói. Tất cả gắn liền với nhau. Cũng vậy, khi nghĩ tới sống đạo, tôi không thể không nghĩ tới những đức tính nhân bản, những đức tính dân tộc, những đức tính Giáo Hội thời các thánh tông đồ. Tất cả gắn liền với nhau. Tất cả làm nên một thực tế, là cuộc sống đạo hôm nay.

Nguyện Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết sống đạo một cách đúng đắn nhất.

Lễ Thêm sức, Cồn Én ngày 9/12/1985