Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Nhận Thức Khi Tuyên Hứa

Cha cho chúng con một điều răn mới, là chúng con hãy thương yêu nhau, như Cha đã thương yêu chúng con”. Ta vừa hát lời đó. Ta đã nghe lời đó không biết bao nhiêu lần rồi. Ta biết là Lời Chúa. Bây giờ, nếu hỏi lòng mình, tôi e rằng: Lời đó vẫn chỉ là một lý tưởng đẹp, chứ thực hiện thì ta chưa được bao nhiêu.

Nếu bây giờ, tôi viết Lời Chúa đó dán khắp các nhà thờ trong địa phận, chắc nhiều người sẽ đọc, sẽ thuộc. Nhưng tôi e rằng: Lời đó cũng vẫn chỉ là những hạt giống tốt để trưng bày, để học hỏi, chứ gieo trồng và sinh cây trái thì lại là chuyện khác.

Nếu bây giờ, tôi ra chợ, vào các cơ quan, nói lớn cho mọi người nghe: Chúng ta hãy thương yêu nhau, như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chắc sẽ có nhiều người nghe được tiếng tôi. Nhưng tôi e rằng: Thái độ của người ta đối với Chúa sẽ không vì thế mà nên tốt hơn, có thể xấu hơn là đàng khác.

Những sự kiện trên đây cho ta thấy: Lời Chúa là chân lý, rất hay, rất đẹp. Nhưng thực tế, vô số người không biết. Vô số người biết nhưng không tin. Vô số người tin, nhưng không thực hành. Vô số người thực hành, nhưng chẳng tới đâu. Lý do là vì: Bản tính con người yếu đuối. Hiện nay có những triệu chứng cho thấy bản tính vốn đã yếu đuối của con người đang bị thoái hóa mỗi ngày một trầm trọng thêm. Có một sự suy thoái trong bản tính con người. Ðó là khó khăn lớn nhất trong việc thực thi Lời Chúa.

Cho nên, khi chúng ta tuyên hứa, chúng ta cần thấy rõ khó khăn đó. Hãy nhìn rõ cái bản tính yếu đuối con người đang bị nguy cơ đẩy xuống đà suy thoái mỗi ngày một sâu hơn. Hãy nhìn bản tính đó nơi chính mình. Hãy nhìn bản tính đó nơi người khác. Cần nhận thức rõ khó khăn đó, để biết khiêm tốn và cố gắng dùng mọi cách siêu nhiên và tự nhiên để cải tạo bản tính đó cho nên quân bình hơn, quảng đại hơn, cương quyết hơn.

Việc cải tạo bản tính con người sẽ sát thực tế hơn, nếu ngoài các việc đạo đức quen làm, ta để ý thêm đến một điểm vừa hợp Phúc Âm, vừa hợp thời cuộc. Ðó là tổ chức đời sống theo tinh thần tiết kiệm.

Hiện nay, khắp nơi nói đến tiết kiệm. Ở đây, tôi muốn hiểu tiết kiệm một cách rộng rãi. Thí dụ: Tiết kiệm thời giờ. Thời giờ là vàng. Nhưng nhiều người chưa biết tiết kiệm cho mình và cho người khác thứ vàng quí đó. Thí dụ: Tiết kiệm lời nói. Nói nhiều không tốt, nhất là những lời than trách, phô trương, hàm hồ. Thí dụ: Tiết kiệm nhu cầu và yêu cầu. Cần nhiều không hay. Xin nhiều không đẹp. Thí dụ: Tiết kiệm những chiều chuộng đối với bản thân, từ tư tưởng, cảm tình đến hành động. Sống tiết độ, khổ hạnh, hãm mình vốn là phương pháp cần thiết để rèn luyện bản thân và để đón nhận ơn Chúa.

Thưa anh chị em,

Bản tính con người, sẽ được cải tạo không do những việc lớn, nhưng do những việc nhỏ làm đi làm lại. Mỗi ngày phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu. Năm mới sắp đến, tôi có cảm tưởng là Chúa sẽ chủ động cải tạo chúng ta bằng nhiều cách. Tôi nói Chúa chủ động nghĩa là Chúa chọn cách cải tạo, chứ không phải ta chọn. Sẽ có những cách rất khó chịu, ta bó buộc phải chịu, vì chính Chúa chủ động.

Giờ đây tuyên hứa, và những tháng năm sắp tới, ta hãy nhìn vào bản tính của ta cần được cải tạo. Ðồng thời cũng nhìn vào Chúa là Ðấng cải tạo rất nhân lành. Ta khiêm tốn và cậy trông phó thác. Chúa là Cha, ta là con Ngài. Cha thương con. Con tin cậy tình Cha. Có thế thôi. Rồi ta sẽ thấy sự cải tạo sẽ giúp ta nên tốt hơn, dòng ta nên vững vàng hơn. Giáo Hội ta nên tươi trẻ hơn.

Xin Chúa thương xót chúng con! Amen.

Tu Viện Thánh Gia, ngày 28/1/1984