Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

Cộng Ðoàn Ðức Ái


(Mc 6,30-34)

Bài Phúc Âm hôm nay (Chúa Nhật 16 Quanh năm B) cho ta thấy một hình ảnh của Hội Thánh. Ðoàn chiên đến với chủ chiên. Chủ chiên đến với đoàn chiên. Mỗi người đến đều mang theo mình tất cả con người của mình, như tính tình, tâm tư, những gì đã tốt và những gì chưa thành đạt. Mục đích đến là để chia sẻ tình người, là cùng nhau phát huy cái tốt, là để cùng nhau khắc phục khó khăn. Liên hệ như thế là liên hệ xã hội, liên hệ bình thường. Lối sống đạo như thế của các người tin theo Chúa lúc đó thực đơn sơ. Họ làm thành cộng đoàn. Có thể gọi là cộng đoàn bác ái, vì bác ái phục vụ là sợi dây ràng buộc họ lại với nhau.

Ðó là một hình ảnh đẹp. Vì đó là một hình ảnh Hội Thánh mà Chúa Cứu Thế muốn xây dựng. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa đã nói rõ cái gì được Ngài chọn làm đặc điểm của người thuộc Hội Thánh Ngài. Chúa nói: “Người ta cứ dấu nầy, mà nhận biết các con là môn đệ Cha, là chúng con yêu thương nhau”.

Như thế đã quá rõ. Nếu người Công Giáo nào muốn khoe mình và họ đạo mình tốt, thì nên đem đời sống yêu thương ra mà khoe. Vì đó là cái gì căn bản nhất của đạo. Nếu người Công Giáo nào muốn phát triển đạo, thì ưu tiên nên phát triển đức yêu thương, như gieo rắc tình người, gây dựng sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết phục vụ. Ðó là điều đẹp nhất của đạo. Nếu người Công Giáo nào muốn tỏ ra mình mạnh về lập trường tôn giáo, thì nên tỏ ra mạnh về đức bác ái yêu thương, như theo lời Chúa mà phân phát của cải mình cho người nghèo, tha thứ cho kẻ khác, không phải mỗi ngày 7 lần, mà là 70 lần 7. Ðó mới là những điểm phải mạnh trong đạo. Nếu ai muốn cộng tác với Chúa Giêsu cứu độ, thì hãy đem các việc bác ái yêu thương của mình, hiệp thông với tình yêu vô biên của Chúa Giêsu. Ðó là cách cộng tác chắc chắn đúng.

Càng ngày tôi càng hiểu, tại sao Chúa Giêsu trước giờ chịu nạn, khi nhìn về tương lai Hội Thánh, Chúa đã tỏ ra lo ngại rất nhiều về đặc điểm yêu thương của những người trong Hội Thánh. Ngài đã nhắc đi nhắc lại đến yêu thương hợp nhất. Bởi vì thực tế con người, dù ở đâu, dù sống thời buổi nào, cũng rất dễ lỗi lầm thiếu sót về đức yêu thương.

Xin nhớ điều này, là tình yêu thương nói đây, phải hiểu là tình yêu thương quảng đại và hướng thượng. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu khuyên các tông đồ nên tạm xa giáo dân một thời gian. Tôi thấy điều Chúa dạy là rất tâm lý. Dù đức thương yêu đối với nhau có gắn bó nhiệt tình đến đâu đi nữa, thì mỗi người cũng cần có một thời gian yên tĩnh cần thiết, để tìm lại chính mình, để bồi dưỡng nội tâm, để suy nghĩ cầu nguyện thờ phượng Chúa. Nhờ đó mà tình yêu thương được quân bình, trong sáng và phong phú hơn.

Khi đưa ra những tư tưởng trên đây, tôi nhìn thấy trước mắt tôi một Giáo Hội dang được Chúa thanh luyện. Nhưng chính vì thế mà nhiều người bị giao động, lo lắng không biết phải giữ đạo làm sao, phải giảng đạo thế nào, tôi nghĩ rằng: Nếu ta biết hướng cuộc sống đức tin vào con đường yêu thương bác ái như lời Chúa dạy, thì cuộc sống đạo sẽ thanh thản hơn, sẽ rộng rãi hơn. Trái lại, nếu ta cứ để lòng mình bực bội, bất mãn, cay đắng, lạc lõng trước một cuộc sống đạo có nhiều giới hạn về hình thức, thì e rằng ta sẽ càng ngày càng đi xa tinh thần yêu thương bác ái, là căn bản của đạo, càng ngày càng tự tách mình ra khỏi xã hội. Chúa không muốn như vậy.

Lạy Chúa Thánh Thần, Chúa là tình yêu. Xin giúp con biết yêu thương đồng bào của con. Xin giúp con biết phục vụ dân tộc của con. Xin giúp con biết xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc của con. Xin giúp Hội Thánh của con thực hiện tốt giới răn yêu thương của Chúa, để mọi người nhìn thấy nơi Hội Thánh Chúa, một hình ảnh yêu thương dễ mến của Chúa, là Ðấng giàu lòng thương xót. Amen.

Nhà thờ Tân Hiệp, chiều ngày 23/8/1985