Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1981
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1982
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1983
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1984
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1985
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 

(Mầu nhiệm thứ 4 mùa Vui)

Dấu Chỉ

Năm nay, hai xã Thạnh An, Thạnh Thắng có 5 nhà thờ được phép tổ chức Thêm Sức. Tôi muốn đánh dấu đợt đi Thêm Sức này bằng chuỗi Mân Côi Mùa Vui. Lễ sáng nay tại đây là lễ thứ bốn. Nên tôi sẽ nói về mầu nhiệm thứ bốn: “Ðức Bà dâng Ðức Chúa Giêsu trong đền thánh”.

Anh chị em thân mến,

Ðức Mẹ và thánh Giuse thừa biết Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, ở khắp mọi nơi. Thế mà tại sao các Ngài lại vất vả ẳm Hài Nhi Giêsu vào tận đền thờ dâng cho Thiên Chúa. Thưa bởi vì các Ngài biết việt làm đó là dấu chỉ bề ngoài cần thiết Chúa muốn có để làm chứng tâm tình bên trong.

Ðức Mẹ và thánh Giuse thừa biết mình giữ đạo là giữ với Chúa. Thế mà tại sao các Ngài lại dâng con qua tay thầy cả. Thưa bởi vì các Ngài biết việt làm đó là dấu chỉ bề ngoài cần thiết Chúa muốn có, để làm chứng tâm tình bên trong.

Ðức Mẹ và thánh Giuse thừa biết Chúa đâu có cần đến của lễ vật chất. Thế mà tại sao dịp dâng con, các Ngài đã tặng đền thờ một đôi chim. Thưa bởi vì các Ngài biết, việc làm đó là dấu chỉ bề ngoài cần thiết Chúa muốn có, để làm chứng tâm tình bên trong.

Dấu chỉ bề ngoài là điều hợp lý trong mọi quan hệ. Thí dụ, đứa con nào cũng nói mình thương cha mẹ. Nhưng cha mẹ sẽ biết rõ người con nào thương thiệt, nhờ xem các dấu bề ngoài, như thăm hỏi, mau lẹ giúp đỡ, tận tình bênh vực. Các việc như thế chỉ là dấu bề ngoài, nhưng nếu thiếu, người ta khó chứng minh được tâm tình bên trong của mình.

Cũng thế, trong quan hệ với Chúa, con người phải thực hiện những việc bề ngoài, như những dấu chỉ, để chứng tỏ lòng mình tôn thờ, mến Chúa.

Quá coi nhẹ bề ngoài, nói rằng chỉ cần bên trong, đó là lập trường thiếu quân bình, không chấp nhận được. Nhưng quá coi trọng dấu bề ngoài, còn bề trong thì trống rỗng, đó là thái độ giả hình, không chấp nhận được.

Trong đời sống đạo, có những việc làm, được coi là dấu chỉ quan trọng. Ai làm những việc đó, thường được kẻ như có nhiều hy vọng được rỗi. Thí dụ thói quen sùng kính Ðức Mẹ, thói quen gắn bó với Hội Thánh qua sự liên kết chặt chẽ với Ðức Giáo Hoàng và các Ðức Giám Mục của mình, thói quen thực hiện tốt tinh thần bác ái trong lời nói, tư tưởng, thái độ, việc làm, nhất là đối với kẻ túng nghèo lầm lỗi.

Phúc Âm và lịch sử Giáo Hội cũng giới thiệu với ta một dấu hiệu đặc sắc, mà Chúa hay gắn vào số phận những người Chúa chọn cộng tác với Cbúa. Dấu hiệu đó là khổ đau.

Khi các tông đồ bị đánh đòn, bị bắt bớ vì Chúa, các Ngài hớn hở vui mừng, vì các Ngài coi những đau khổ đó như dấu chỉ chứng tỏ được phần nào lòng mình trung thành với Chúa. Nếu được phép nói để khoe mình, thì thánh Phaolô đã khoe một điều Ngài cho là đáng khoe nhất, đó là được nếm các đau khổ vì Chúa Giêsu. Như thế, Ngài cho đó là một thứ huân chương cao quí Chúa ban cho Ngài. Như thế, Ngài cho đó là một dấu chỉ đẹp nhất của tình Ngài đối với Chúa.

Khi vẽ ảnh trái tim Ðức Mẹ, nhiều người đã vẽ trái tim Ðức Mẹ có mũi đòng đâm thâu qua, máu chảy xuống từng giọt. Ðó là dấu chỉ của sự đau đớn, mà ông Simon đã nói với Ðức Mẹ, trong ngày Ðức Mẹ dâng con. Nhiều khi nhìn trái tim Ðức Mẹ, tôi đã nói với Ðức Mẹ: Mẹ xưa đã khổ đau nhiều. Mẹ hiểu thân phận kẻ cộng tác với Chúa. Trái tim Hội Thánh hôm nay cũng bị lưỡi đòng đâm thâu qua, cũng có những giọt máu âm thầm rơi xuống. Xin Mẹ giúp cho các con Mẹ hiểu, đó là dấu chỉ tốt.

Lát nữa, tôi sẽ ghi dấu Thánh Giá trên trán các người chịu bí tích Thêm Sức. Thánh Giá là một dấu chỉ. Với dấu Thánh Giá, tôi muốn nhắn nhủ rằng: Nếu con trung thành với Thánh Giá, nếu con can đảm vác Thánh Giá, nếu con bền vững sống mầu nhiệm Thánh Giá, con sẽ được rỗi. Thánh Giá là dấu chỉ cứu độ. Amen.

Lễ Thêm sức, Tân Hải (Kênh C2) ngày 27/11/1983